Huyện Như Xuân (Thanh Hóa) ra khỏi vùng 30A: Hàng nghìn giáo viên bất an do bị cắt giảm chế độ

GD&TĐ - Hàng nghìn giáo viên (GV) ở Như Xuân đang rất lo lắng bởi nhiều khoản chế độ, hỗ trợ sẽ bị cắt giảm trong đầu năm tới vì huyện miền núi này đã chính thức ra khỏi danh sách những huyện nghèo nhất cả nước (Nghị quyết 30A).

Trường THCS Thanh Phong (Như Xuân) có 17 cán bộ, giáo viên thì có tới 12 người từ miền xuôi lên công tác
Trường THCS Thanh Phong (Như Xuân) có 17 cán bộ, giáo viên thì có tới 12 người từ miền xuôi lên công tác

Những tâm tư

Là GV hợp đồng theo Quyết định 60/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngoài biên chế nhưng được hưởng lương như biên chế) công tác tại Trường THCS Thanh Phong (Như Xuân) từ năm 2017, cô giáo Vi Thị Bảy, cho biết: Công tác tại trường thuộc vùng khó khăn nhất huyện Như Xuân, cô được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, gồm: Chế độ thu hút (70% lương hệ số); phụ cấp đứng lớp (70% lương cơ bản) và chế độ khu vực (0,4% lương cơ bản). Với các mức hỗ trợ nêu trên, cô giáo Bảy được hơn 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi bị cắt giảm các chế độ trên, mỗi tháng cô Bảy chỉ còn khoảng 3,8 triệu đồng. Trong khi đó, nhà cô Bảy ở xã Thanh Quân, cách Trường THCS Thanh Phong hơn 10 km, nên chi phí xăng xe, chi tiêu trong tháng sẽ rất khó khăn.

Thầy Nguyễn Đình Chính – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Phong, tâm sự: “Nếu chế độ chính sách của GV ở huyện 30a bị cắt từ năm 2019, thu nhập của họ sẽ bị giảm rất nhiều. Đặc biệt đời sống cũng như tâm lý của cán bộ, GV ở miền xuôi lên đây công tác sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Trong khi đó, nếu so sánh mức thu nhập hàng tháng của GV ở vùng sâu, vùng xa và khó khăn mà cũng gần ngang bằng với một GV ở các huyện miền xuôi, thì quả là thiệt thòi. Hơn nữa, HS ở vùng ra khỏi 30a cũng sẽ không còn được hưởng các chế độ hỗ trợ học tập và phải đóng góp các khoản theo quy định. Liệu HS có bị xáo trộn tâm lý và phụ huynh có cho con, em tới trường như trước đây không?...”.

Cùng tâm tư, thầy Nguyễn Hữu Thuận – Hiệu trưởng Trường cấp 1-2 Cát Vân (xã Cát Vân, huyện Như Xuân), cho biết: Mới đây, khi lên Phòng Tài chính huyện để duyệt nguồn chi phí lương, chế độ cho GV của trường từ năm 2019, nhà trường được Phòng Tài chính huyện thông báo (bằng miệng) là sẽ cắt các chế độ như: Chế độ thu hút, đứng lớp và chế độ lâu năm của giáo viên.

“Nhà trường đang chờ hướng dẫn bằng văn bản từ Phòng Tài chính huyện về việc cắt giảm chế độ của GV từ tháng 1/2019. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, nếu cắt giảm các chế độ mà GV đang được hưởng lâu nay, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tâm lý của GV. Bởi lẽ, khi bị cắt giảm các chế độ ưu đãi nêu trên, mức lương của GV đồng nghĩa sẽ tụt xuống. Nếu lương hàng tháng của GV thấp quá, liệu lúc đó chất lượng giáo dục có bị ảnh hưởng? Đó là những trăn trở, lo lắng, bất an của nhiều thầy, cô giáo đặc biệt là những người từ miền xuôi lên vùng khó khăn này công tác” - thầy Thuận bộc bạch.

Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện Như Xuân, hiện tại trên địa bàn huyện này có hơn 1.100 cán bộ, giáo viên và nhân viên các cấp (từ mầm non đến THCS).

Trăn trở của lãnh đạo huyện

Làm việc với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Quang Trường - Phó Trưởng phòng Tài chính huyện Như Xuân, cho biết: Thực hiện công văn 9949/UBND - VX, ngày 17/8/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020, UBND huyện Như Xuân đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan.

“Trước những thắc mắc của cán bộ, giáo viên, các đơn vị về việc này, Phòng Tài chính cũng chỉ có thể trả lời, giải thích căn cứ trên công văn của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn” – ông Nguyễn Quang Trường cho biết. 

Theo đó, Công văn số 9949 của UBND tỉnh Thanh Hóa nói rõ việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức của huyện Như Xuân sau khi thoát nghèo được thực hiện theo Văn bản số 3682/BNV-TL, ngày 6/8/2018, của Bộ Nội vụ hướng dẫn về việc: “Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020”. Theo đó, “cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác tại các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc huyện được công nhận thoát nghèo tại Quyết định 275/QĐ-TTg, thì tiếp tục được hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ cho đến hết năm 2018”.

Tuy nhiên, theo một số cán bộ, giáo viên tại huyện Như Xuân, chiếu theo Mục a, b- khoản 3, Điều 2 của Quyết định 275/QĐ-TTg lại ghi: “Thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (trừ chính sách đầu tư và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng) và các chính sách quy định tại Tiểu dự án 3, Tiểu dự án 4 thuộc Dự án 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg đến hết năm 2020 với định mức hỗ trợ bằng 100% so với các huyện nghèo thuộc Nhóm 1. Trường hợp năm 2019 được cấp bù phần vốn của năm 2018 thì tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng đến hết năm 2019”. Nhiều người thắc mắc, liệu công văn hướng dẫn của Bộ Nội vụ có khác với nội dung tại Quyết định 275/QĐ-TTg?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.