Rời bản đến trường
“Đến hẹn lại lên”, cứ vào đầu năm học mới, Ban giám hiệu Trường THCS Môn Sơn (huyện Con Cuông) lại thành lập các tổ công tác, chia nhau về các bản, gặp gỡ bà con, thông báo lịch học cho các em học sinh. Tuy nhiên, năm học mới này, sau tựu trường hơn 1 tuần vẫn còn vắng khoảng 40 học sinh/496 học sinh chưa đến trường. Những em này chủ yếu là người Đan Lai ở hai bản Cò Phạt và Khe Búng.
“Mấy tuần qua trời mưa liên tục, kéo dài, nước sông, nước suối dâng cao khiến đường vào hai bản này đến trường bị chia cắt, lầy lội khó đi, vì vậy nhiều em chưa đến trường được. Chúng tôi đã liên lạc với bí thư, trưởng bản cũng như các phụ huynh và được bà con “xin hẹn” là sau nghỉ lễ ngày 2/9, thời tiết thuận lợi các em sẽ trở lại trường dự lễ khai giảng và bắt đầu năm học mới”, thầy Nguyễn Văn Hào – Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn (huyện Con Cuông cho biết).
Đan Lai là tên gọi tộc người ít ỏi và kỳ lạ của vùng cao xứ Nghệ. Câu chuyện lịch sử của họ bi thương đến nỗi đi vào trong câu hát truyền đời: “Theo dấu con nai/ tra vào hạt lúa/ theo lưng con cọp, trỉa vào hạt ngô/lang thang đầu núi/ đìu hiu lưng đèo/ Sống đời nghèo khổ/ như dòng suối nhỏ/ như gió rừng chiều…
Những người già kể lại, Người Đan Lai có nguồn gốc là người dân tộc Kinh, nhưng chiến tranh, loạn ly đẩy họ vào tận trong thâm sơn cùng cốc để trốn giặc, trốn những cuộc giết chóc thảm thương… Họ sống ẩn dật, im lặng giữa đại ngàn Pù Mát, lâu dần xóa luôn cả ký ức về làng quê xưa, bỏ cả tiếng nói cũ. Và hình thành nên tộc người Đan Lai, lập bản mới, với phong tục mới, tiếng nói mới. Nhưng ký ức đau thương xưa, nỗi ám ảnh về cuộc chạy trốn lịch sử, nỗi sợ hãi khi có người chạm vào thế giới ẩn náu của riêng mình như được di truyền đến tận thế hệ sau này… Dù cho cuộc sống mới đã thay đổi rất nhiều ở ngoài kia…
Trường THCS Môn Sơn tập trung học sinh năm học mới 2016 – 2017 |
Những đứa trẻ Đan Lai được sinh ra, có đôi mắt xanh trong veo như nước sông Giăng, nhưng luôn cúi mặt khi gặp người lạ, co mình, ngại giao tiếp. Chính bởi vậy, trước kia, để vận động được trẻ em Đan Lai ra khỏi bàn làng, đến lớp học chữ là cả một quá trình kỳ công, đầy nhẫn nại, yêu thương của rất nhiều thầy giáo, cô giáo. Và ngay cả khi đến trường, thầy cô, nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, để quan tâm, giúp các em chịu nói chuyện, chịu mở lòng, xóa dần khoảng cách với bạn bè xung quanh và với thế giới bên ngoài.
Bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương là nơi sinh sống của hơn 400 người Ơ Đu. Bản làng này, không biết là cuộc dừng chân thứ mấy, trong những cuộc di dời lịch sử của cộng đồng dân tộc ít người nhất xứ Nghệ này. Sau những lần chạy giặc, chạy khỏi những cuộc di cư tranh giành đất đai sinh sống với dân tộc người khác, và gần đây nhất, năm 2006, để nhường chỗ xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Đu đã rời bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa về tái định cư ở xã Nga My. Với người lớn, rời bỏ nương rẫy, bản cũ về bản mới, là cả một thách thức với nhiều câu chuyện dài chưa thể kể hết. Nhưng còn những đứa trẻ, liệu rằng, sự hòa nhập có dễ dàng hơn không?
Điểm bản Văng Môn, Trường Mầm non Nga My năm học này có 26 cháu. Mặc dù mới chỉ là thời điểm bắt đầu năm học, nhưng các cháu đã đến trường đầy đủ, tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi là 100%. Cô Đặng Thị Hồng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tính đến nay, đã 10 năm kể từ ngày trường có thêm điểm Văng Môn, dành cho các cháu là con em đồng bào người Ơ Đu tái định cư. Thời gian đầu, không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, chậm chạp các cháu so với những cháu đã có bố mẹ, họ hàng sinh sống ở Nga My lâu đời. Chính vì thế, các cô cũng dành sự quan tâm, lo lắng hơn để các cháu vui đến trường, đến lớp.
Đồng thời, nhà trường cũng cử giáo viên thường xuyên thăm hỏi phụ huynh, để nắm bắt đặc điểm tâm lý, tính cách của trẻ cũng như vận động bà con cho trẻ đến trường đầy đủ, đúng độ tuổi.
Giúp trò hòa nhập
Những đứa trẻ Ơ Đu đến trường |
Trẻ em dễ hòa nhập, thích ứng, nên đến nay, trong việc học tập, giao tiếp, trẻ em người Ơ Đu không có khoảng cách so với các bạn ở bản truyền thống. Đặc biệt, 6 năm qua, trường đã đều đặn tổ chức bán trú cho các em học ở không chỉ điểm trường chính mà tất cả các điểm lẻ theo hình thức dân nuôi. “Mỗi ngày, phụ huynh cử ra 2 người đến trường nấu cơm cho trẻ ăn buổi trưa. Các cô chỉ đi chợ giúp hoặc hỗ trợ phụ huynh tổ chức cho các cháu ăn ngủ đúng giờ giấc… Có thể với các trường miền xuôi, việc ăn bán trú là bình thường, nhưng ở vùng cao này, để bố mẹ bỏ buổi làm rẫy để nấu ăn cho trẻ, đưa đón trẻ đi học, là cả một kỳ tích…”, cô Hồng nói.
Nhiều năm gắn bó với học trò vùng cao, thầy Trần Nhật Giang (trường THCS Nga My, Tương Dương) cũng chia sẻ: Khi dạy học ở miền núi, hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chắc chắn sẽ có những khác biệt về văn hóa, tập tục không chỉ giữa thầy và trò mà cả giữa trò với trò. Là thầy cô giáo, chúng tôi ngoài dạy học, còn phải sát sao, yêu thương và để các em thấy trường học là nơi thân thiện, an toàn. Ở đó, có những em khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn. Nhưng tất cả đều nhằm mục đích để khi các em đến trường, sẽ được tạo điều kiện để bình đẳng với nhau.
Còn tại trường THCS Môn Sơn, từ năm 2013 được hỗ trợ xây dựng 18 phòng ở bán trú cho học sinh. Ngoài việc đảm bảo các chế độ hỗ trợ của nhà nước, các giáo viên phải vận động các nguồn hỗ trợ hoặc tự bỏ tiền túi ra để mua cặp sách mới, dép, quần áo cho học trò. Bên cạnh đó, trường thành lập ban bán trú gồm 8 giáo viên, thay phiên nhau trực, đảm bảo an toàn trật tự. Đồng thời, thường xuyên nói chuyện,nắm bắt tâm tư, chia sẻ với các em để dần dần xóa bỏ những mặc cảm, ngại ngùng.
Thầy Nguyễn Văn Hào kể thêm, năm học trước, nhà trường sắm một loạt khay inox cho các em ăn cơm nhưng học trò Đan Lai chỉ chịu ăn cơm trong tô, nhà trường phải thay đổi. Có những cái thuộc về tập tục, thói quen và cả văn hóa của các em, thì thầy cô và nhà trường hoàn toàn tôn trọng.
Điều đáng mừng là từ khi tổ chức bán trú, số học sinh Đan Lai đi học nhiều hơn, và giảm hẳn tình trạng nghỉ học giữa chừng. Những năm trước, mỗi năm chi huy động được khoảng 30 – 35 em đến trường, thì hai năm gần đây, số học sinh Đan Lai đã huy động lên đến gần 70 em. Có nhiều thời điểm như sau hè, sau lễ tết, có em muộn học, hoặc có ý định nghỉ, thầy cô đều kịp thời động viên trở lại trường, thầy Hào khẳng định.