Giáo dục dân tộc luôn được quan tâm

Giáo dục dân tộc luôn được quan tâm

(GD&TĐ) - Năm học 2008-2009 đã kết thúc với nhiều thành tựu đánh dấu bước phát triển mới của GD, trong đó có GD vùng dân tộc. Đây là kết quả của những chính sách ưu việt mà Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho miền núi nói chung và GD vùng dân tộc nói riêng. Năm học vừa qua cũng là năm học mà GD dân tộc tiếp tục được ưu tiên phát triển.

Trong vườn ươm cây thuốc nam Trường THCS Lử Thần (Si Ma Cai - Lào Cai)
Trong vườn ươm cây thuốc nam Trường THCS Lử Thần (Si Ma Cai - Lào Cai)

Trước hết là việc đẩy mạnh việc phá vỡ những rào cản về ngôn ngữ phổ thông đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, với 5 chương trình tăng cường tiếng Việt khác nhau dành cho mầm non và tiểu học . Các địa phương đã tích cực triển khai nội dung chuẩn bị tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc cấp tiểu học; lựa chọn phương án thích hợp như: chương trình làm quen với tiếng Việt của lớp mẫu giáo 5 tuổi; 6 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Kon Tum đã bước đầu thử nghiệm dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc theo tài liệu của Trung tâm Công nghệ giáo dục. Các tỉnh thuộc dự án Giáo dục bạn hữu trẻ em (Lào Cai, Gia Lai, Trà Vinh) đã bước đầu triển khai thực hành giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ. Năm học 2008 - 2009 có 7 thứ tiếng dân tộc được dạy trong trường phổ thông, gồm: Chăm, Khmer, Bahnar, Êđê, Jrai, Hmông, Hoa. Việc dạy học tiếng dân tộc được thực hiện tại 18 tỉnh và thành phố.

Năm học 2008-2009, có 285 trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) bao gồm: 7 trường Trung ương, 47 trường tỉnh, 231 trường huyện và cụm xã với khoảng 84.000 HS. Có 04 trường PTDTNT được thành lập mới và đã đi vào hoạt động. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyển sinh, thực hiện các chế độ chính sách và chỉ đạo tổ chức các hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc, về công tác quản lý nội trú... Một số địa phương đã duy trì tốt giao ban Hiệu trưởng các trường PTDTNT trong tỉnh (Thanh Hóa, Quảng Nam...). Chất lượng và hiệu quả đào tạo của trường PTDTNT ngày càng được cải thiện. Năm học 2008-2009 tỷ lệ học sinh trường PTDTNT thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt 82,96% (thấp hơn tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn quốc là 0,84%).

Năm học 2008-2009, có 1.657 trường phổ thông dân tộc bán trú (có học sinh nội trú dân nuôi) với 149.458 học sinh. Lần đầu tiên, Bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú dân nuôi vùng Tây Bắc (tháng7/2009). Một số địa phương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng học sinh nội trú, bán trú dân nuôi do UBND tỉnh ban hành (Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Nam, Đăk Lăk, Đăk Nông). Một số tỉnh thực hiện đề án “Xây dựng nhà bán trú cho học sinh các trường THCS, THPT miền núi” kết hợp nguồn kinh phí nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp.

 Lớp ghép là một giải pháp tình thế mà trong điều kiện hiện nay vẫn phát huy tác dụng, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc. Hiện mô hình lớp ghép có ở 40 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 252 lớp so với năm 2004. Số lớp ghép 2 trình độ là 6.545, 3 trình độ là 527 với 87.729 học sinh. Số giáo viên dạy lớp ghép trong những năm gần đây luân chuyển công tác nhiều, do đó số giáo viên đã được tập huấn về tổ chức và phương pháp dạy học lớp ghép chiếm tỉ lệ thấp.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với một số vùng: các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, các tỉnh vùng Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Thực hiện chế độ chính sách miễn học phí đối với học sinh vùng dân tộc và các xã đặc biệt khó khăn. Các tỉnh đầu tư mua sắm trang thiết bị, SGK cho các trường vùng khó khăn, các trường thuộc khu vực miền núi vùng dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn. Cấp đầy đủ vở viết, dụng cụ học tập SGK cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn trước khi bước vào năm học mới. Thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú, dự bị §ại học dân tộc.

 Chế độ, chính sách của GV được quan tâm giải quyết đầy đủ, kịp thời. Một số tỉnh ban hành chính sách đãi ngộ GV giỏi, GV công tác lâu năm ở miền núi; GV dạy phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh yếu kém trong dịp hè, dạy thêm tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo. Tại nhiều tỉnh, ngành GD đã cùng địa phương tích cực chăm lo nâng cao đời sống cho đội ngũ GV như Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Giang… Đầu tư xây dựng nhà công vụ, cung cấp nước sạch, công trình phụ, cung cấp trang thiết bị nghe nhìn, dụng cụ thể thao và hoạt động văn hóa văn nghệ cho GV vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Trong năm học tới, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ GV và HS vùng dân tộc, củng cố phát triển trường PTDTBT đảm bảo HS có chỗ ở an toàn, đủ ăn, đủ mặc và đủ sách học; phát triển hệ thống trường PTDTNT theo quy hoạch thống nhất, nâng cao chất lượng dạy học của trường PTDTNT; tiếp tục các giải pháp tăng cuờng tiếng Việt cho HS dân tộc ở mầm non, tiểu học; dạy tiếng dân tộc trong các trường phổ thông và sư phạm, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho GV…Đó chính là những giải pháp tiếp nối cho chủ trương ưu tiên phát triển GD vùng dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Ngọc Anh

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ