Huyện Can Lộc, Hà Tĩnh: Xin lỗi vì “tận thu” của người nghèo, trẻ em

GD&TĐ - Chủ tịch UBND xã Gia Hanh (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vừa tổ chức họp dân để xin lỗi các hộ nghèo, chính sách, người tàn tật, trẻ em dưới 6 tuổi… do 10 năm trước chính quyền đã thu tiền sai quy định.

Ông Phan Văn Lý, người làm đơn tố cáo chính quyền xã.
Ông Phan Văn Lý, người làm đơn tố cáo chính quyền xã.

Thu không bỏ sót ai

Theo phản ánh, thời điểm từ năm 2006 - 2015 chính quyền xã Gia Hanh bắt buộc người nghèo, tàn tật, già neo đơn, trẻ em dưới 6 tuổi đóng nộp các khoản xây dựng cơ bản. Mỗi năm họ phải đóng hai lần vào tháng 5 và 10.

Ngoài các khoản theo quy định của Nhà nước, chính quyền còn bắt buộc các hộ này phải đóng thêm 4 loại quỹ trong nhiều năm liền. Cụ thể, quỹ xây dựng trụ sở UBND xã, quỹ xây trường tiểu học, tiền mầm non... Các quỹ này được tính thu theo nhân khẩu và diện tích đất trồng lúa.

Ông Phan Văn Lý (thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh) người làm đơn tố các chính quyền với nội dung: “Từ 2006 – 2015 gia đình ông với 3 thế hệ, đều diện hộ nghèo, nhưng phải đóng ít nhất đến 9 loại phí. Khi Nhà nước có chủ trương giảm thủy lợi phí thì chính quyền xã Gia Hanh tự “đẻ” ra khoản phí này với tên gọi mới nhưng về bản chất là một. Đó là quỹ sửa chữa kênh mương. 

Phiếu các khoản người dân đóng nộp xây dựng cơ bản tại xã.
Phiếu các khoản người dân đóng nộp xây dựng cơ bản tại xã.

Từ năm 2008 - 2015, UBND xã này được cấp tiền bù thủy lợi phí với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng để chi cho công tác xây dựng kênh mương nội đồng và sửa chữa nạo vét tuyến kênh dẫn nước đầu nguồn. Trong khi đó, toàn bộ tuyến mương đầu nguồn phần Nhà nước do Công ty Thủy nông huyện Can Lộc (nay là công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh) trực tiếp quản lý, sửa chữa”.

Ông Lê Nuôi, Trưởng thôn Nghĩa Sơn (xã Gia Hanh) cũng cho biết: “Từ thời điểm 2006 - 2015, người nghèo, người tàn tật đến trẻ em mới sinh ra chính quyền đều tính nhân khẩu để thu. Không có hộ hay nhân khẩu nằm trong diện được miễn giảm. Thời điểm đó trong thôn có ông Trần Văn Đại hoàn cảnh hết sức khó khăn, bản thân ông bị tâm thần. Song hàng năm xã vẫn bắt buộc gia đình ông đóng các khoản”.

Năm 2014 - 2015, xã Gia Hanh được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa cho người dân, song nhiều hộ không được nhận số tiền này. Năm 2006 và 2007, xã thu của dân 671.304.000 đồng để xây 6 phòng học, tường bao và quy hoạch khu trung tâm UBND. Tuy nhiên, số tiền 127.000.000 đồng chi trả quy hoạch khu trung tâm không có chứng từ.

Gia đình bà Lê Thị Hương (61 tuổi, thôn Nhân Phong) thuộc diện hộ nghèo. Bản thân bà bệnh tật, thường xuyên đi viện nhưng các khoản quỹ, phí đều phải đóng hàng năm. “Khi cán bộ yêu cầu nộp gì gia đình đóng nộp nấy. Gia đình nào nộp chậm hoặc có ý chống đối thì chính quyền cắt chế độ, con cái làm giấy tờ, hồ sơ xin việc thì bị từ chối.

Tôi đã làm đơn xin miễn giảm, thậm chí khóc ngay giữa trụ sở ủy ban  nhưng lãnh đạo xã từ chối. “Quá tam ba bận”, phó chủ tịch xã mới bày cho tôi xin giấy chứng nhận bệnh tật của bệnh viện huyện và được sự đồng ý của xóm lúc đó xã mới giải quyết cho” – bà Hương kể.

Chính quyền xin lỗi, dân không muốn nhận

Theo ông Đặng Trần Phong, Chủ tịch huyện Can Lộc, sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Phan Văn Lý, huyện đã thành lập tổ công tác kiểm tra và đã có kết luận. Theo đó, yêu cầu chính quyền xã Gia Hanh phải khắc phục sai sót về tài chính. Tổ chức họp gặp các hộ nghèo, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách để công khai xin lỗi và trả lại tiền đã thu sai. Kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan sai phạm.

Người dân xã Gia Hanh bức xúc và yêu cầu chính quyền hoàn trả lại các khoản đã thu sai trước đó.
Người dân xã Gia Hanh bức xúc và yêu cầu chính quyền hoàn trả lại các khoản đã thu sai trước đó.

Chủ tịch UBND xã Gia Hanh, ông Phan Văn Cường nói cho hay: “Những sai phạm trên do các nhiệm kỳ trước để lại. Tôi là người kế nhiệm nên phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả. Tôi đã yêu cầu họp các thôn lại và đích thân công khai xin lỗi bà con về những việc mà chính quyền trước đây đã làm sai”.

Về các sai phạm, ông Cường giải thích: “Lỗi sai của chính quyền thời điểm đó là không phổ biến, tuyên truyền rõ Pháp lệnh 34 đến tận từng người dân. Lỗi nữa là việc họp dân để trưng cầu các khoản phí phải đóng thì văn bản ghi chép lại không lưu giữ về mức thu và đối tượng vận động. Ngoài ra, UBND xã còn cứng nhắc trong việc yêu cầu bà con đóng góp bắt buộc nên chưa đảm bảo quy trình vận động và sai với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ” – ông Cường lý giải.

Ông Cường cũng nói rõ: “Thời điểm này, sau 10 năm dân yêu cầu xã trả lại tiền cho các đối tượng bị thu sai là khó thực hiện. Theo nguyên tắc tài chính chỉ có bán trường, bán trụ sở UBND mới có tiền để trả. Việc người kế nhiệm chính quyền đứng ra xin lỗi nhân dân là hoàn toàn hợp lý, hợp tình. Nhưng dân không chấp nhận lời xin lỗi của chủ tịch xã. Họ yêu cầu chính quyền có biện pháp khắc phục hậu quả và trả lại tiền cho các hộ thu sai?”.

Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, mục 2 quy định “Việc đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương, không được quy định cứng nhắc tỷ lệ chi của Nhà nước và đóng góp của nhân dân. Việc huy động đóng góp của nhân dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.