Huy động vốn đầu tư xã hội: Giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2022

GD&TĐ - Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), việc huy động vốn đầu tư xã hội là một trong những giải pháp quan trọng cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Ưu tiên việc giải ngân tại các công trình trọng điểm

Thảo luận tại Quốc hội - chiều 9/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) góp ý một số giải pháp cho việc hoàn thành 16 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường năm 2022. Trong đó, có chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần tập trung phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đại biểu này đề nghị Chính phủ quan tâm thêm vấn đề tự chủ vắc xin.

“Vắc xin mang thương hiệu Việt Nam tạo điều kiện cho chúng ta chủ động nguồn vắc xin bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân” - đại biểu Trần Hoàng Ngân trao đổi, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dự báo. Điều này giúp chúng ta có thể xây dựng các kịch bản “phòng thủ từ xa” tránh bị động.

Theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh, cần tăng cường kiểm soát giá cả, không để đầu cơ lũng đoạn giá làm cho lạm phát tăng cao trở lại như những năm 2008, 2011, 2012.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch; đại biểu Trần Hoàng Ngân trao đổi, năm 2021, chúng ta có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công hơn 477.300 tỷ đồng. Hiện mới giải ngân được 65%. Năm 2022, kế hoạch giải ngân đầu tư công hơn 500.000 tỷ đồng.

Đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giải ngân, cũng như ưu tiên việc giải ngân tại các công trình trọng điểm, có tính lan toả.

Để kinh tế tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải huy động được vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong nhân dân gần 2 triệu tỷ đồng. Muốn vậy phải có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, và có thể hỗ trợ từ 2-3% cho khoản dư nợ từ 1 - 2 triệu tỷ đồng.

Nếu chúng ta hỗ trợ trong vòng 2 năm thì chúng ta cần nguồn lực 40.000 - 60.000 tỷ đồng. Số tiền này chúng ta có thể lấy từ đầu tư công chưa phân bổ.

Cần có cơ chế kiểm soát 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Trước đó, chiều qua (8/11), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã tính toán, nếu ngân sách dành ra khoảng 30.000-40.000 tỷ đồng để cấp bù thì sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, cần có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát.

Vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó để bù đắp được các chi phí lãi suất vay cao như thị trường, trong khi các tổ chức tín dụng đang phải duy trì mức lãi suất để đảm bảo kinh doanh, đồng thời phải tăng cường trích lập các quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn gia tăng.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hoàng Văn Cường cho rằng, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều phải được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất hoặc không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) 

Cho ý kiến về các mục tiêu tăng trưởng (sáng 8/11), đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng đạt được dự kiến 3-3,5% trong năm nay khó có thể đạt được.

Theo đại biểu này, 3 tháng cuối năm phải nỗ lực rất cao, GDP phải đạt 8,6% may ra mới đạt được 3,5%. Do đó, đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng, vấn đề này Chính phủ phải đánh giá thận trọng.

Tương tự sang năm 2022, đại biểu cũng cho rằng cần đánh giá một cách cẩn trọng với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Bởi từ nay đến tháng 6/2022 chúng ta phải có một giai đoạn phục hồi, từ đó mới phát triển được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.