Huy động cộng đồng trợ giúp người tâm thần, trẻ tự kỷ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều nỗ lực tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng để họ hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Phó Trưởng phòng Công tác xã hội Trần Thị Lan (bìa trái).
Phó Trưởng phòng Công tác xã hội Trần Thị Lan (bìa trái).

Theo bà Trần Thị Lan - Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, giai đoạn 2021 - 2030, sẽ huy động sự tham gia của cả gia đình, cộng đồng.

Tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần

Bà Trần Thị Lan - Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, thuộc Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ,TB&XH - khẳng định, 100% UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10,5% dân số, tương đương 10,3 triệu người. Trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 200 nghìn người). Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ. Cùng với đó là khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy...

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính ph­ủ đã ban hành Quyết định 1215 phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020. Bộ LĐ,TB&XH và các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là truyền thông, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và hợp tác quốc tế.

Nhìn lại kết quả thực hiện Đề án 1215 giai đoạn 2011 - 2020, bà Trần Thị Lan cho hay, 100% UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án 1215. Đến nay, đã có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí. Trong đó có 26 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp.

Nói về khó khăn, tồn tại trong thực hiện Đề án 1215, bà Trần Thị Lan chia sẻ, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các cơ sở chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng theo quy mô lớn. Bên cạnh đó là đối tượng sống xa cách với gia đình và cộng đồng. Các cơ sở trợ giúp xã hội thiếu các dịch vụ tư vấn hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và phục hồi chức năng, trị liệu tâm lý, lao động trị liệu. Cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng.

Thêm nữa, nhiều cán bộ, nhân viên chưa qua đào tạo công tác xã hội hoặc được đào tạo từ nhiều nghề khác nhau. Nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội còn thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm, chưa nhận thức đúng về việc trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

Đề cập đến Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021 - 2030, bà Trần Thị Lan nhấn mạnh mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng. Theo đó, tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Đồng thời, sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng. Từ đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chú trọng hỗ trợ tài chính, hướng nghiệp

Theo bà Trần Thị Lan, giai đoạn 2021 - 2025, hàng năm ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm. Khoảng 10 nghìn trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội.

Ít nhất 20 nghìn người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội. Ít nhất 10 nghìn hộ gia đình người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định. Khoảng 80% người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật khi có nhu cầu. Hàng năm, ít nhất 80% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ của người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, thu hút ít nhất 20% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tham gia tập luyện thể dục, thể thao. 20% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tham gia văn hóa, văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật tại cơ sở.

Trong thời gian tới, chương trình trợ giúp xã hội sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí… Thực hiện dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí. Nghiên cứu biên soạn tài liệu sổ tay hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí… Xem xét đưa nội dung giáo dục hòa nhập vào các chương trình đào tạo giáo viên đối với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành sư phạm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ