Huy động 8.000 cán bộ, giảng viên làm thanh tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT dự kiến huy động 8.000 cán bộ, giảng viên của 200 cơ sở giáo dục đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Các cơ sở giáo dục đã sẵn sàng với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chọn lựa kỹ càng

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Nhà trường đã lập danh sách dự kiến 120 cán bộ, giảng viên tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, trong đó có 10 cán bộ, giảng viên thuộc danh sách dự phòng. Đoàn dự kiến thanh tra kỳ thi tại Hội đồng thi tỉnh Thanh Hóa.

“Chúng tôi huy động tối đa lực lượng đã tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra năm 2020. Cán bộ, giảng viên tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT được hướng dẫn tại Văn bản số 1952/BGDĐT-TTr ngày 13/5/2021. Hiện, tất cả sẵn sàng nhận nhiệm vụ và quyết tâm thực hiện tốt trọng trách được giao, góp phần tạo nên kỳ thi nghiêm túc, công bằng, chất lượng và thành công” - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Xuân Bách – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho hay: Nhà trường đã lập danh sách 15 người tham gia vào đoàn thanh tra. Dự kiến sẽ thanh tra khâu coi thi tại TP Đà Nẵng. Ngày 18/6, ĐH Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho 100 cán bộ, giảng viên đến từ các trường thành viên tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chọn cán bộ, giảng viên đáp ứng các tiêu chuẩn như: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan. Ngoài ra, cán bộ, giảng viên tham gia đoàn thanh tra phải là những người đã tham dự tập huấn và nắm vững Quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài kiểm tra đánh giá.

“Chúng tôi phải “chọn mặt gửi vàng”; trước mắt, ưu tiên lựa chọn người có chuyên môn, nghiệp vụ và đã tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước. Nhà trường không chọn những cán bộ, giảng viên có người thân tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vào đoàn thanh tra” - PGS.TS Trần Xuân Bách nói, đồng thời nhấn mạnh:

Các cán bộ có trong danh sách đoàn thanh tra kỳ thi sẽ phải trải qua một khóa tập huấn và có đánh giá kết quả sau khi kết thúc khóa học. Chỉ những cán bộ, giảng viên đạt yêu cầu, nắm vững nghiệp vụ công tác thanh tra mới có tên trong danh sách để gửi lên Bộ GD&ĐT, tham gia làm nhiệm vụ thanh tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) và đoàn công tác kiểm tra công tác chấm thi tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPT 2020 tỉnh Nam Định. Ảnh: TG
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) và đoàn công tác kiểm tra công tác chấm thi tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPT 2020 tỉnh Nam Định. Ảnh: TG

Sẵn sàng vào cuộc

Nằm trong danh sách dự phòng, Trường ĐH Quản lý và Công nghệ Hải Phòng luôn trong tâm thế “dự lệnh”, sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào khi được yêu cầu. Theo TS Nguyễn Tiến Thanh – Hiệu trưởng nhà trường, nhà trường đã lập danh sách 20 cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ về thanh tra, đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT để tham gia vào đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

“Qua làm việc và nắm bắt tình hình, thầy cô đều sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ và quyết tâm hoàn thành xuất sắc công việc được giao” - TS Nguyễn Tiến Thanh khẳng định.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng hơn 100.000 thí sinh so với năm trước, nên Bộ GD&ĐT dự kiến huy động khoảng 8.000 cán bộ, giảng viên đến từ 200 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho hay: Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT được diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định, Bộ sẽ chuẩn bị lực lượng, điều kiện cần thiết để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất ở tất cả khâu của kỳ thi; xây dựng phương án dự phòng xử lý tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc khi có thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm trong công tác tổ chức kỳ thi…

Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra ngẫu nhiên tại 20 sở GD&ĐT. Ảnh minh họa: TG
Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra ngẫu nhiên tại 20 sở GD&ĐT. Ảnh minh họa: TG

Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra ngẫu nhiên tại 20 sở GD&ĐT, không trùng lặp với đoàn của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Sẽ có 5 đoàn do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn và các thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra tại địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi.

Năm nay, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cử cán bộ công chức tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử người tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi của địa phương theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh.

Điểm mới của khâu thanh tra năm nay là, có 2 thanh tra Chính phủ tham gia vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, gấp đôi so với năm ngoái. Trong đó, một người tham gia Ban Chỉ đạo thi quốc gia và một người tham gia Ban Thư ký. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra đột xuất các địa phương, những vùng hoặc khâu dễ xảy ra vấn đề, biến cố.

Tại 63 tỉnh, thành phố, Bộ GD&ĐT yêu cầu thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi. Trong đó, trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Mỗi đoàn có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học tham gia.

Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho cán bộ cốt cán khối các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Để làm công tác thanh tra/kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ sở giáo dục đại học. Mặt khác cần nhận thức, làm công việc này không phải để giúp Bộ GD&ĐT tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các thầy cô đang làm công việc của mình để tổ chức kỳ thi công khai, minh bạch, khách quan, đạt kết quả tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.