Hủy án, điều tra lại vụ cựu Bí thư thị xã Bến Cát, Bình Dương kêu oan

GD&TĐ - Sau phiên sơ thẩm, ông Khanh được TAND Cấp cao quyết định cho tại ngoại để điều trị bệnh.

Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh tại phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh tại phiên tòa phúc thẩm.

Sau hai ngày đưa ra xét xử, ngày 25/5, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên án vụ Nguyễn Hồng Khanh (sinh năm 1967, cựu Bí thư thị xã Bến Cát, Bình Dương) cùng đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Theo đó, HĐXX chấp nhận đề nghị của Viện KSND cùng cấp và một phần kháng cáo kêu oan của ông Khanh cùng ông Nguyễn Huy Hùng (nguyên cựu Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) CN Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (cựu Phó phòng Quan hệ khách hàng của ngân hàng) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Tòa sơ thẩm chưa làm rõ tài sản ông Khanh mua của bà Hồ Thị Hiệp có phải là tài sản Nhà nước hay không.

Đồng thời, HĐXX cho rằng tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo Nguyễn Huy Hùng và cấp dưới Nguyễn Quang Lộc. Cụ thể, tòa sơ thẩm xác định bị cáo Khanh đã cấu kết với Hùng, Lộc mua tài sản thế chấp của bà Hiệp với giá rẻ gây thất thoát lãng phí.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện, bà Hiệp nhiều lần có đơn xin bán tài sản trả nợ cho ngân hàng và được ngân hàng đồng ý nên gặp ông Khanh để bàn bạc việc mua bán. Quá trình mua bán có tham khảo giá thị trường.

Bị cáo Khanh chuyển một phần tiền cho bà Hiệp là nhằm mục đích cho bà Hiệp tái kinh doanh và được ngân hàng đồng ý. Việc này có hợp đồng 3 bên nhưng bị cáo Khanh, bà Hiệp và ngân hàng chưa bao giờ cùng gặp nhau, bàn bạc.

“Vì vậy chưa đủ cơ sở buộc tội các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” - HĐXX nhận định. Do đó, HĐXX cho rằng chưa có cơ sở xác định các bị cáo phạm tội như cáo buộc, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Bản án sơ thẩm xác định, năm 2005 đến 2008, bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty An Tây, đã qua đời năm 2016) vay của BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là lô đất hơn 20 ha, nhà xưởng cùng toàn bộ máy móc, thiết bị được định giá hơn 80 tỷ đồng.

Đến năm 2008, Công ty An Tây gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ nên Ngân hàng BIDV đã đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu, sau đó bán tài sản thế chấp nhằm thu hồi nợ.

Thông qua môi giới, Khanh đã cấu kết với Hùng, Lộc và bà Hiệp mua toàn bộ tài sản thế chấp của bà Hiệp với giá hơn 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng BIDV chỉ thu hồi nợ hơn 7,7 tỷ đồng, gây thất thoát số tiền hơn 26 tỷ đồng.

Tháng 5/2018, Khanh, Hùng và Lộc bị khởi tố, bắt giam. Bốn cán bộ thị xã Bến Cát và UBND xã An Tây liên quan đến việc cấp sổ đỏ 20 ha đất bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, được tách ra xét xử riêng.

Tháng 5/2020, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm tuyên phạt ông Khanh 10 năm tù. Bị cáo Hùng nhận 12 năm tù, Lộc 11 năm. Các bị cáo kêu oan và đề nghị tòa phúc thẩm tuyên mình vô tội. Đặc biệt là bị cáo Khanh cho rằng mình bị thanh trừng.

Quá trình xét xử phúc thẩm các bị cáo cho rằng việc BIDV đồng ý cho bà Hiệp bán tài sản cho ông Khanh là giao dịch dân sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.