Theo dự kiến ngày 28/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hồng Khanh – nguyên Bí thư thị xã Bến Cát (Bình Dương) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị Viện KSND đề nghị mức án 10 - 12 năm, cựu Bí thư Bến Cát không ngừng kêu oan.
Nghị án kéo dài do tình tiết bất ngờ
Sau nhiều lần trả hồ sơ vụ án cựu bí thư thị xã Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh mua đất công giá “bèo” gây thất thoát ngân sách, TAND tỉnh Bình Dương mở lại phiên tòa xét xử từ ngày 20/5.
Phiên tòa diễn ra khá gay gắt với phần đối đáp, tranh luận giữa đại diện Viện KSND và các luật sư bào chữa về các căn cứ pháp luật buộc tội các bị cáo. Các luật sư khẳng định ông Khanh vô tội, không cấu kết, giúp sức cho hai cán bộ ngân hàng như cáo buộc từ phía Viện KSND tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, phần luận tội các bị cáo Nguyễn Huy Hùng (52 tuổi, cựu Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (50 tuổi, cựu phó phòng chi nhánh của BIDV và là cấp dưới của bị cáo Hùng) phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, đại diện Viện KSND cho rằng qua quá trình điều tra, lời khai tại phiên tòa thì có đủ cơ sở kết tội. Ông Hùng chỉ đạo ông Lộc trực tiếp xử lý tài sản thế chấp, nhưng quá trình xử lý có vi phạm Nghị định 163/2006/NĐ-CP về xử lý tài sản thế chấp.
Trong khi ông Khanh biết việc thanh toán tiền ngoài cho cụ Hiệp là trái luật nhưng vẫn thực hiện. Ông Khanh thanh toán gần 3 tỷ cho cụ Hiệp là giúp sức cho ông Hùng, ông Lộc phạm tội. Từ đó, đại diện Viện KSND cho rằng ông Khanh không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội nên không được giảm nhẹ. Theo đó, đại diện Viện KSND đề nghị mức án với ông Hùng và ông Lộc 12 – 14 năm tù, ông Khanh 10 – 12 năm tù, đồng thời đề nghị tuyên vô hiệu với các hợp đồng giữa cụ Hiệp và vợ ông Khanh.
Tuy nhiên, tại phần tranh luận, người đại diện cho phía bà Nguyễn Hiệp Hảo (con cụ Hiệp) bất ngờ đưa ra một tình tiết mới, khiến có thể thay đổi bản chất vụ án đang xét xử. Bà Hảo là thành viên Công ty An Tây có 5,4% cổ phần. Bà Hảo khẳng định không hề ký tên vào biên bản họp hội đồng thành viên để An Tây vay tiền BIDV. Phía người đại diện cho bà Hảo nói rằng đây là tình tiết quan trọng, vì nếu việc vay vốn không đúng thì dẫn đến việc thế chấp tài sản cũng không đúng, dẫn đến việc bán tài sản đó cũng không đúng.
Phía luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng đây là tình tiết quyết định vụ án, bởi nếu bà Hảo không ký để An Tây vay tiền thì hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp bị vô hiệu. Do đó, các bị cáo không thể bị xử lý trong phiên tòa.
“Vụ án có dấu hiệu oan sai do việc quy kết không có căn cứ pháp luật. Trong vụ án này, không có tài sản Nhà nước bị xâm phạm, bị cáo Hùng không được giao quản lý bất cứ tài sản Nhà nước nào. Cho đến nay, chỉ có căn cứ duy nhất buộc tội các bị cáo là Nghị định 163 mà chúng tôi tranh luận trong phiên tòa trước. Có dấu hiệu vi phạm trong định giá thiệt hại mà chúng tôi đã làm rõ trong phần hỏi” - LS Trần Minh Hải (Đoàn LS TP Hà Nội) trình bày tại tòa.
Sau khi hội ý, HĐXX cho biết thời gian nghị án kéo dài, việc tuyên án sẽ thực hiện vào ngày 28/5 tới.
Vụ án nhiều lần trả hồ sơ
TAND tỉnh Bình Dương đã nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung với các bị cáo. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương sau đó phải tách thành 4 vụ án khác nhau từ vụ án liên quan đến ông Khanh để điều tra.
Đến tháng 5, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương lại ra quyết định tạm đình chỉ 2 vụ án trong số này là vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.
Tiếp đó, Viện KSND tỉnh Bình Dương ra quyết định hủy biện pháp tạm giam đối với 3 bị can là Lê Hoài Linh (nguyên Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (nguyên cán bộ đo đạc) và Nguyễn Minh Tâm (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã An Tây).
Trong phiên xét xử, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Dương công bố bản luận tội, đề nghị mức án từ 12 - 14 năm tù đối với hai bị cáo Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc. Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh bị đề nghị mức án từ 10 - 12 năm tù. Sau khi nghe bản luận tội, bị cáo Khanh cùng các bị cáo còn lại tiếp tục kêu oan, cho rằng bản luận tội không có căn cứ. Đồng thời, trả lời trước tòa, bị cáo Khanh cho rằng mua bán đất là theo giá thị trường, thông qua môi giới, còn cách thức thanh toán như thế nào là theo nhu cầu của người bán. Việc mua bán này là một hợp đồng dân sự.
Theo cáo trạng, bà Hồ Thị Hiệp (đã chết năm 2016) cầm cố hàng chục hécta đất tại BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn để vay hàng chục tỷ đồng. Thấy bà Hiệp không thể trả nợ, cán bộ BIDV đồng ý cho bà bán đất đã thế chấp để trả nợ ngân hàng.
Thông qua người môi giới, ông Khanh (lúc bấy giờ là Phó chủ tịch UBND thị xã Bến Cát) biết bà Hiệp muốn bán đất nên tới hỏi mua. Ông Khanh yêu cầu bà Hiệp phải xin được giấy ngân hàng xác nhận cho bán đất. Bà Hiệp tới ngân hàng trình bày, được cán bộ ngân hàng đồng ý. Sau đó, ba bên gồm ông Khanh, bà Hiệp và cán bộ ngân hàng ký hợp đồng chuyển nhượng đất (hợp đồng ba bên). Từ năm 2012 đến năm 2015, ba bên đã làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp 4 lần. Tổng cộng, ông Khanh mua được hơn 18 ha đất mà bà Hiệp cầm cố tại BIDV, vay hơn 45 tỷ đồng.
Sau khi bán cho ông Khanh, ngân hàng chỉ thu về được hơn 10 tỷ, Nhà nước lỗ 35 tỷ. Từ đó, ông Khanh và cán bộ ngân hàng bị truy tố tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh bị khởi tố, bắt giam vào tháng 8/2018. Từ đó tới nay, ông Khanh liên tục gửi đơn kêu oan. Sau nhiều lần hoãn xét xử, đầu tháng 12/2019, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó trả hồ sơ, điều tra bổ sung, đến nay thì tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.