Hướng trẻ giải trí bổ ích

GD&TĐ - Không ít phụ huynh bày tỏ nỗi lo lắng khi trong mấy tháng nghỉ hè, cha mẹ bận đi làm, còn con trẻ thì ru rú ở nhà trong mấy bức tường, xem tivi vô độ, vào mạng Internet, hay chơi game không có sự kiểm soát của người lớn. 

Hướng trẻ giải trí bổ ích

Có gia đình đã tìm giải pháp tình thế là thuê gia sư tất cả các ngày trong tuần để kèm con học suốt mùa hè. Nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để thuê gia sư với mục đích chính là “trông trẻ giúp”, nhiều gia đình đã đăng ký cho con tham gia các khóa học hè ngắn ngày, hay chấp nhận mất công đưa con đi học các lớp năng khiếu… Có những bậc cha mẹ than thở con chơi game quá nhiều và phải thừa nhận, nếu con ham đọc sách thì mùa hè sẽ bổ ích hơn.

Nỗi sợ con nghiện game, tivi ngày hè

“Mọi người giúp em, con nhà em mê điện tử quá, bây giờ nghỉ hè suốt ngày ở nhà thì lại dính đến máy tính thôi. Em với chồng thì đi làm cả ngày nên định cho con đi trại hè…” - Một phụ huynh lên mạng xã hội than thở và cầu viện sự tư vấn khi muốn cho con đi trại hè do một trường tư thục tổ chức - “Các bố mẹ có ai biết về chương trình này chưa? Tư vấn em với. Giao tiếp hơi kém có sợ con ngại ngùng với các bạn không?”. Phụ huynh không khỏi lo lắng khi con nghỉ hè ở nhà chỉ ôm ipad, tivi máy tính suốt ngày, muốn gửi con về quê cho ông bà chăm thì sợ ông bà không trông được.

Có phụ huynh cũng tỏ ra lạc quan: “Các mẹ đừng lo quá, bọn trẻ con mà thích chơi điện tử thì cũng có những ưu điểm riêng. Mấy đứa đấy thường thích công nghệ, thích thử thách… biết đâu mai sau lại thành tỷ phú công nghệ. Giờ mấy ngành như tài chính, bất động sản bão hòa rồi, công nghệ mới là ngành phát triển vũ bão. Tỷ phú công nghệ chiếm phần lớn trên Forbes đấy. Mark Zuckerburg cũng bỏ học để đi lập trình còn gì. Quan trọng là hướng sở thích của con”.

Và phụ huynh cho rằng rất khó cấm trẻ chơi game hay xem phim ảnh nhiều vào dịp hè, vì thời gian rảnh nhiều, nếu cứ cấm thì trẻ lại lén chơi, cuối cùng các bậc phụ huynh đều cho rằng cách tốt nhất là hướng trẻ giải trí sao cho lành mạnh vào dịp hè.

Anh N.T.Tuệ (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ: “Hai cậu con trai, một tuổi tiểu học, một tuổi THCS, rất hiếu động, mê chơi game và phim hoạt hình. Dịp hè, vợ chồng mình bận đi làm tối ngày, hai anh em chúng có thể rủ nhau chơi game hay xem tivi suốt ngày không chán. Cũng gửi được chúng cho ông bà ngoại được 2 tuần đầu hè, nhưng ông bà cũng chỉ trông được ngần ấy thời gian, còn thì ông bà phải làm việc khác, trông cháu nhỏ cho các con khác nữa. Khổ, nhà tôi đông anh chị em, ông bà đông cháu, thành ra mùa hè lắm lúc tị nạnh nhau vì ông bà trông đứa trẻ nhà này không trông đứa trẻ nhà kia. Giải pháp chính cả mùa hè vẫn là để hai con ở nhà, anh trông em, em trông anh. Chỉ biết dạy dỗ chúng ý thức tự giác trong sinh hoạt, vui chơi khi không có bố mẹ ở nhà. Chơi game hay xem phim hoạt hình thì cũng nhắc nhở con hạn chế, xem có giờ, điều độ ăn, ngủ trưa… Nhưng mình ra khỏi nhà từ sáng tới tối mới về thì anh em chúng chơi game bao lâu, xem tivi bao thời gian cũng rất khó kiểm soát”.

Hướng con đọc sách để giải trí lành mạnh hơn

Trong khi có không ít người cho rằng sở thích đọc sách (hay nói rộng ra là văn hóa đọc) trong giới trẻ Việt Nam đang có vấn đề, người trẻ tuổi (học sinh, sinh viên, thanh niên) không còn nhiều hứng thú với những quyển truyện, sách in, nhất là những tác phẩm dày cộp hàng trăm trang. Nhưng nếu tới các thư viện vào mùa hè, các cửa hiệu, sạp sách đêm ở những điểm bán quen thuộc, vẫn có thể bắt gặp đủ mọi lứa tuổi đi tìm mua sách in về đọc.

Thư viện Hà Nội năm nào cũng đông thiếu niên, nhi đồng đến đăng ký đọc sách hàng ngày. Phòng đọc sách có điều hòa, truyện sách khá phong phú, khiến không ít gia đình yên tâm khi đưa con đến đọc sách tại thư viện ngày hè.

Có một số trẻ còn được gia đình cho mang theo đồ ăn trưa và ở thư viện đọc sách từ sáng đến chiều mới được gia đình đến đón về. Một nhân viên làm thẻ đọc sách cho biết: “Chỉ đầu hè đã có hàng trăm trẻ em được phụ huynh đưa đến làm thẻ đọc. Nhiều trẻ mượn sách mang về nhà đọc, cũng có không ít trẻ đến đọc sách tại thư viện. Có phụ huynh coi thư viện là nơi trông trẻ miễn phí”.

Khi nói về cuốn sách “Tình yêu và Toán học” của Edward Frenkel, trong một hội sách, GS Ngô Bảo Châu đã trò chuyện với độc giả về cách học, cách đọc sách của chính ông. Theo Ngô Bảo Châu, đọc sách bao giờ cũng nên xuất phát từ câu hỏi có sẵn trong nội tâm mình. Việc tìm tòi câu trả lời là động lực cho ta đọc. Đọc sách mà trong đầu hoàn toàn không có đắn đo gì thì khi chuyện đọc qua đi, mình không giữ được điều gì.

Một điều thú vị mà giáo sư Toán học cũng chia sẻ với các bạn trẻ ham mê đọc sách là sở thích sách của ông cũng khác nhau ở từng thời kỳ. Ông cho biết hiện nay ông đọc nhiều sách phổ biến khoa học, lịch sử... và ông thích đọc những sách ít hư cấu.

Không thể phủ nhận, sách, truyện in về nhiều lĩnh vực khác nhau: Văn học, Khoa học, Đời sống… đã và đang tiếp tục có sức sống mãnh liệt trong lòng người Việt trẻ tuổi ham mê đọc sách, thích khám phá. Luôn âm ỉ đâu đó những ngọn lửa khao khát kiếm tìm, chinh phục kho tri thức của nhân loại từ những trang sách in truyền cảm hứng và trí tuệ.

Tiến sĩ Trần Công Trục (Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ), đã nhận xét rằng: “Văn hóa đọc sách in không hề mất đi trong giới trẻ, dù có sự phát triển và thu hút của sách đọc trên mạng Internet, dù những giải trí trên mạng Internet đang rất phong phú, đa dạng”.

Để đáp ứng nhu cầu đọc sách của những người mê đọc sách, tại Hà Nội phố sách đã được triển khai ở khu vực phố 19/12 (nằm giữa điểm nối từ đường Hai Bà Trưng sang phố Lý Thường Kiệt). Phố sách dài gần 200 m, mở cửa từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày, trở thành địa điểm giao lưu, tụ họp của nhiều bạn trẻ thích sách.

Thời gian đầu mới khai trương, nhiều bạn trẻ đến phố sách chụp ảnh, “check-in” không gian mới lạ này. Theo cơ quan quản lý hoạt động của phố sách ở trung tâm Thủ đô, bên cạnh hoạt động chính là phát hành sách, văn hóa phẩm, nhiều cuộc giao lưu, tọa đàm, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt giáo dục truyền thống… cũng sẽ được tổ chức tại phố sách.

Cảnh quan của khu phố sách được thiết kế khá thân thiện, hiện đại và đẹp mắt, với nhiều tiện ích dành cho những người đến tham quan. Nhiều góc thư giãn, nghỉ ngơi ngoài trời được bố trí quanh khu phố sách. Những độc giả tìm đến phố sách có thể vào quán cà phê sách uống cà phê, nước trái cây và vừa đọc sách ở quán hay đọc những quyển sách mua tại chính phố sách.

“Hoạt động của đường sách sẽ là cầu nối quan trọng hướng tới thành phố thông minh, hiện các nước châu Âu đang ủng hộ việc thiết kế những thành phố thông minh cho một kỷ nguyên mới” - Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã phát biểu về những phố sách, đường sách như vậy.

Ông Bruno Angele cho rằng việc Hà Nội và TP.HCM xây dựng được hai không gian dành cho những người thích đọc sách là tín hiệu rất đáng mừng. Theo ông, “Qua nhiều thế kỷ, hành trình đọc sách đã phá nhiều rào cản về ngôn ngữ và văn hóa để con người đến gần nhau hơn”.

Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, ở nhiều nước người ta bắt đầu thực hiện từ tuổi trước khi đến trường, do các bậc cha mẹ thực hiện. Còn trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.