(GD&TĐ) - Liên hoan phim lần thứ 18 (2 ngày 14 - 15/10/2013 tại Quảng Ninh) được diễn ra đúng mốc kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Với thông điệp “Điện ảnh Việt Nam - dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”, Ban tổ chức và các nhà làm phim muốn gửi gắm đến khán giả những bộ phim đặc sắc nhất của nền điện ảnh nước nhà.
Số lượng phim vượt trội
Với sự tham gia của 139 bộ phim, hơn 1.000 đại biểu cùng rất đông các nghệ sĩ tham gia, có thể nói đây cũng là một LHP đông đảo nhất từ trước đến nay. Con số các đoàn phim tham gia chính thức đã lên đến gần 170 nghệ sĩ và gần 100 nghệ sĩ tự túc tham gia từ các hãng phim thể hiện các nghệ sĩ rất quan tâm đến sự kiện này của giới điện ảnh.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban tổ chức liên hoan cho biết: Số lượng phim năm nay tham gia đông, nên công việc của Ban giám khảo (BGK) cũng vất vả hơn so với các mùa trước. Lịch làm việc của BGK từ rất sớm, bắt đầu từ ngày 3/10, 2 BGK thể loại phim tài liệu - khoa học và thể loại phim truyện đã bắt đầu làm việc, BGK phim hoạt hình bắt đầu chấm từ ngày 10/10.
Điều đặc biệt tại Liên hoan là lễ khai mạc đã dành một thời lượng lớn để cho các tiết mục biểu diễn tương tác giữa sân khấu và điện ảnh.
Để tri ân với thế hệ nghệ sĩ lão thành, đêm khai mạc đã giành một khung thời gian tưởng niệm 2 nghệ sĩ lớn của điện ảnh Việt Nam ra đi trong thời gian vừa qua là cố đạo diễn NSND Hải Ninh, NSND Bạch Diệp. Đó cũng là sự kiện thể hiện tình cảm tri ân của các thế hệ nghệ sĩ kế tiếp với những nghệ sĩ đi trước đã gắn bó với điện ảnh cách mạng Việt Nam suốt 60 năm qua. Tinh thần của lễ khai mạc hướng đến sự dung dị, nhưng không quá đơn giản và có chiều sâu của điện ảnh.
Chất lượng là thước đo
Như bất kỳ liên hoan điện ảnh nào, vấn đề chất lượng phim chính là yếu tố mà ban tổ chức và khán giả quan tâm nhất. Theo NSND Đặng Xuân Hải - Trưởng Ban giám khảo phim tài liệu thì sẽ không phân biệt đề tài chiến tranh hay không phải chiến tranh, mà cách chấm giải bám sát theo tiêu chí của Ban tổ chức đã đề ra. Ông Hải cũng cho biết, năm nay mảng đề tài của phim tài liệu khá phong phú, đa dạng, đi vào mọi mặt của đời sống xã hội với tổng số 72 phim.
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng một số đề tài như về người lính vẫn được thể hiện qua một số phim rất cảm động, gây bất ngờ như Những người viết huyền thoại, Nước mắt người cha... Theo NSND Đào Bá Sơn thì các thành viên trong BGK rất lạc quan bởi có nhiều phim mang khuynh hướng thương mại, tư nhân nhưng lại được làm mang tính nghệ thuật cao, rất hấp dẫn, từ cách dàn dựng đến diễn viên, đạo cụ đều rất công phu và chuyên nghiệp. Một số bộ phim như Đường đua, Thiên mệnh anh hùng, Bí mật thảm đỏ... là những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao về chất lượng có thể sánh với những bộ phim nước ngoài.
Ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL cho biết: “60 năm qua, điện ảnh Việt Nam luôn đồng hành với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đất nước đang hội nhập và phát triển, Điện ảnh là ngành nghệ thuật tổng hợp, có sức lan tỏa ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội, cũng là tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái. Điện ảnh Việt Nam là công cụ đắc lực và hiệu quả để quảng bá đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.
Trên cơ sở các phim tham dự, Ban giám khảo liên hoan sẽ xem xét trao giải cho các hạng mục: Phim truyện điện ảnh, phim truyện video, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, mỗi hạng mục có 1 Bông sen vàng, 2 Bông sen Bạc. Ngoài ra còn có các giải thưởng dành cho các cá nhân như Diễn viên chính xuất sắc, Diễn viên phụ xuất sắc… giải thưởng Phim truyện điện ảnh yêu thích nhất do khán giả bình chọn. Đây cũng là dịp vinh danh các nghệ sỹ, diễn viên, có những lao động nghệ thuật công hiến cho nền nghệ thuật điện ảnh nước nhà và cũng là dịp phổ biến nâng cao chất lượng các tác phẩm điện ảnh.
Thu Trà (TH)