Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp
Ông Trương Ngọc Ánh phân tích: Thời đại đòi hỏi những con người có năng lực tư duy và sáng tạo, đổi mới có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu. Đây cũng là những kỹ năng mà học sinh và sinh viên Việt Nam đang thiếu nhiều nhất.
Để giải quyết vấn đề này, giáo dục 4.0 sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả mà các nhà trường cần triển khai. Đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giáo viên, học sinh, sinh viên; tạo điều kiện cho hợp tác giữa trường học và công nghiệp; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương,...
Trường học là nơi dẫn dắt tư duy và tạo động lực cho học sinh, sinh viên cùng kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Ngược lại, một doanh nghiệp tích cực vừa là thị trường và cũng vừa là đối tác hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu trong xu hướng cách mạng 4.0.
“Chính vì vậy, Việt Nam nên nhanh chóng thử nghiệm và triển khai mô hình giáo dục thông minh 4.0 trong những dự án thí điểm. Cụ thể là xây dựng những công cụ thông minh, gồm cả công cụ quản lý và chăm sóc học sinh, sinh viên dựa trên thẻ thông minh, phần mềm trí tuệ nhân tạo, bản địa hóa kho tài liệu học và đẩy mạnh liên kết quốc tế” - ông Trương Ngọc Ánh đặt vấn đề, đồng thời đề xuất:
Mỗi trường học nên có một trung tâm hay một bản dự án về Giáo dục 4.0 nhằm chuẩn bị chủ động đối phó với thách thức và nắm bắt kịp thời cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến, đặc biệt là cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp xã hội.
Lý giải điều này, ông Trương Ngọc Ánh cho rằng, cải cách theo hướng giáo dục 4.0 mới đáp ứng nhu cầu và tính cạnh tranh cao của nguồn nhân lực cho Xã hội và đó mới là xu hướng của thời đại toàn cầu hoá.
“Tuy nhiên, mặc dù rất cấp thiết nhưng ngành Giáo dục cũng như các trường học không nên quá vội vàng, vấp váp chạy theo xu hướng bên ngoài mà nên có lộ trình để tìm hiếu, đánh giá và áp dụng một cách đồng nhịp, phù hợp với thực tế và bối cảnh của kinh tế, xã hội của Việt Nam” - ông Trương Ngọc Ánh khuyến cáo.
Cũng theo ông Trương Ngọc Ánh, quá trình chuyển đổi mô hình giáo dục hiện nay theo hướng giáo dục 4.0 sẽ đặt các trường học của chúng ta đứng trước những thách thức rất lớn, cạnh tranh nguồn lực chất lượng cao không chỉ trong nước mà nó còn mang tính toàn cầu.
Người lao động lúc này phải có tư duy sáng tạo, có khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế, tránh nguy cơ bị mất việc làm.
Do đó, theo ông Trương Ngọc Ánh, để có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường, các nhà trường cần giảng dạy những kiến thức tích hợp giữa nhiều kiến thức, đồng thời rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tự học, biết cách tìm hiếu và tra cứu tài liệu, biết cách xử lý thông tin để biến thành tri thức của mình.
Cụ thể, cần áp dụng mô hình giáo dục mới như: Phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo,... dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; tạo điều kiện và yêu cầu học sinh, sinh viên phải tham gia các nhóm nghiên cứu, và các đề tài này phải gắn liền với giải quyết một vấn đề cụ thê trong chuyên môn, hoặc hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội...
“Cách tốt nhất là các nhà trường nên liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp lớn để hình thành mô hình giáo dục mới. Thay đối từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”- ông Trương Ngọc Ánh trao đổi.
Tạo cơ hội công bằng để HS được học sâu
Ông Trương Ngọc Ánh phân tích, chúng ta đã biết nhiều hơn về việc bằng cách nào có thế dạy tốt và đáp ứng yêu cầu của thế giới hôm nay. Tuy nhiên những cơ hội học tập như thế này chỉ là với một số ít không phải là luật lệ chung cho số đông học sinh mà các trường cần tuân thủ.
Trong những tháng năm trước mắt, các trường sẽ cần thiết kế lại hệ thống của họ cho chương trình, đánh giá, tính minh bạch và giải trình, những hoạt động hỗ trợ giáo viên, và hỗ trợ tài chính cho các trường để theo đuổi mô hình trường mới nhằm phổ biến rộng rãi hơn giáo dục 4.0 tới cộng đồng.
Ông cho rằng, chúng ta cần nỗ lực để xây dựng hệ thống đánh giá mới mà có thể đánh giá tiến bộ của học sinh hướng đến những đánh giá mà đại học và nghề nghiệp, công việc yêu cầu sau này đòi hỏi.
Các nhà làm chính sách cũng cần phát triển hệ thống đánh giá dựa trên những công việc mà các nhà trường cần đến và cũng cần cung cấp nhiều thông tin hơn về những kỹ năng cơ bản mà sinh viên cần có. Tất cả những việc làm này có thể mở rộng cơ hội học tập.
“Nhưng tất cả cũng đều là chưa đủ để đảm bảo là cơ hội học tập trong thời đại giáo dục 4.0 này được cung cấp cho tất cả các trẻ em của chúng ta. Quan trọng là, các nhà làm chính sách giáo dục, nhà quản lý cần giải quyết được sự bất bình đẳng trong cơ cấu các đối tượng học sinh mà nó đã tạo nên những khoảng cách về học tập và thành tích học tập của học sinh” - ông Trương Ngọc Ánh nêu quan điểm.
Khẳng định việc đất nước chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để tránh khoảng cách về học tập giữa các vùng miền, ông Trương Ngọc Ánh nhấn mạnh: “Những trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cần được tạo dựng những cơ hội học tập tích cực cho học sinh, để các em có thể có cơ hội tham gia vào kinh tế tri thức, giống như các học sinh ở những khu vực gia đình giàu có khác trên đất nước chúng ta.
Những vấn đề này thực sự quan trọng, để làm sao có thể mang tri thức và giáo dục 4.0 tới những cộng đồng bị “lãng quên”, hay những nơi mà học sinh và giáo viên vẫn còn khó khăn, thiếu thốn”.