Đó là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh". Tọa đàm do Khoa Quốc tế Pháp ngữ, Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức vào ngày 21/4.
Ông Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) – nhấn mạnh, những năm gần đây, AI đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu quan trọng. AI phát triển nhanh chóng và có tiềm năng để thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp cũng như đời sống của con người.
Trong khi đó, giáo dục đại học đang đối mặt với các thách thức và cơ hội mới khi AI ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Do đó, đòi hỏi sự trang bị đầy đủ về những kỹ năng, kiến thức và hiểu biết mới liên quan tới AI.
Tại Tọa đàm, các bài tham luận của diễn giả đã cung cấp thông tin, kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm bước đầu về sử dụng AI trong giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học.
Đồng thời, phân tích những vấn đề nổi cộm, đương thời mà AI đặt ra đối với nền kinh tế-xã hội nói chung, cũng như lĩnh vực giáo dục đại học nói riêng. Từ đó đề xuất, gợi mở những hàm ý chính sách kịp thời cho đất nước.
Toàn cảnh Tọa đàm. |
Theo các chuyên gia, việc tích hợp AI vào giáo dục đã tạo nên cuộc thảo luận sôi nổi về những lợi ích tiềm năng và hạn chế của công nghệ này. Các lợi ích có thể bao gồm trải nghiệm học tập được cá nhân hóa, cũng như tăng khả năng tiếp cận thông tin.
Các thách thức cũng có thể tập trung vào các mối quan tâm về quyền riêng tư, các cân nhắc về đạo đức và khả năng các hệ thống AI có thể bảo vệ các thành kiến hiện có.
Trước những vấn đề phức tạp xung quanh AI trong giáo dục và khoa học, tọa đàm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc những lợi ích và thách thức của công nghệ AI để đưa ra quyết định sáng suốt.
Ông Phùng Danh Thắng - Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết, những mô hình liên kết giữa các đơn vị trong ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ phát huy hơn thế mạnh về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề khoa học, học thuật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính.
Từ đó, tạo ra những tiềm năng rất lớn cho sinh viên, người học để có thể tiếp cận những cơ hội mới trong quá trình phát triển nghề nghiệp, cho các nhà nghiên cứu trong việc sáng tạo và hợp tác học thuật, hướng tới sản phẩm công bố quốc tế có thứ hạng cao trên thế giới.