Tham dự Hội thảo, ngoài Hội đồng biên soạn chương trình, giáo trình các môn Kinh tế chính trị và Tư tưởng Hồ Chí Minh, còn có sự tham gia của cán bộ, giảng viên giảng dạy các môn này tại các cơ sở giáo dục thành viên của ĐH Đà Nẵng và một số cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và đại diện Bộ GD&ĐT.
Theo nhận xét của nhiều cán bộ, giảng viên giảng dạy thì khung chương trình của các môn học đã có nhiều đổi mới trong nội dung, không có sự chồng chéo, trùng lắp giữa chương trình khối chuyên và không chuyên và không nặng về học thuật.
Đại diện của Hội đồng biên soạn chương trình môn Kinh tế chính trị cũng cho biết, những gì đặt ra trong giáo trình sẽ thiên về thực tiễn, những vấn đề của đất nước, của hiện tại và môn học phải lý giải được để SV khi đi vào công tác sẽ giải quyết đươc những vấn đề của thực tiễn.
Cũng có ý kiến cho rằng, chương trình chỉ nên xác định mục tiêu môn học còn chuẩn đầu ra thì tùy theo ngành đào tạo của từng trường để các trường tự xây dựng.
Ví dụ như một số trường đang thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chí AUN-QA thì chuẩn đầu ra có 8 mức, nếu áp dụng theo chuẩn của Hội đồng biên soạn thì rất khó. Chương trình cũng cần bổ sung một số vấn đề mà thực tiễn đang diễn ra như thị trường khoa học công nghệ, phát minh sáng chế…