Hỗ trợ giáo viên tiền học sau ĐH, đi bồi dưỡng ở nước ngoài
Thông tin từ Công đoàn Giáo dục Việt Nam, thời gian qua, hàng loạt giải pháp đã được công đoàn giáo dục các cấp chủ động phối hợp với chuyên môn đưa ra nhằm tổ chức vận động đội ngũ nhà giáo chủ động tích cực, tự giác vượt mọi khó khăn tham gia học tập nâng cao trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, nâng cao trình độ tin học và ngoại ngữ...
Đơn cử, Công đoàn Giáo dục Vĩnh Phúc đã phối hợp tốt với Sở GD&ĐT tham mưu ban hành cơ chế chính sách để động viên giáo viên học tập nâng cao trình độ.
Theo đó, 100% giáo viên mầm non của tỉnh được hưởng chính sách ưu đãi như cán bộ trong biên chế và gần 3000 giáo viên mầm non được hưởng lương và chế độ theo trình độ đào tạo; đi học từ trình độ thạc sĩ trở lên được hưởng nguyên lương, khi hoàn thành chương trình được trợ cấp 25 triệu đồng đối với thạc sĩ, 50 triệu đồng đối với tiến sĩ. Trong nhiệm kỳ qua, đã có 136 nhà giáo được hưởng chế độ ưu đãi này.
Tại TP Hồ Chí Minh, Công đoàn Giáo dục thành phố hỗ trợ giáo viên mầm non hợp đồng 500.000đ/tháng. Công đoàn Giáo dục Cần Thơ phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố hợp tác với Học viện Nice của Pháp, đưa giáo viên Việt Nam sang Pháp đào tạo để dạy một số môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội bằng Tiếng Pháp; hợp tác với thành phố Sán Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc đưa 5 giáo viên Tiếng Hoa sang bồi dưỡng nâng cao trình độ...
Nhiều đơn vị đã có cơ chế thu hút đãi ngộ nhân tài, những cán bộ, nhà giáo, người lao động có trình độ cao của đơn vị và nơi khác chuyển đến, tạo sự ổn định đội ngũ có trình độ cao như TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh…
Hàng năm công đoàn giáo dục các cấp và chuyên môn đều xác định việc thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực nhà giáo - người lao động là một trong những tiêu chí xét thi đua hàng năm và có khen thưởng kịp thời đối với tập thể và các cá nhân có nhiều thành tích trong việc thực hiện nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao.
Chủ động kiểm tra kiến thức đối với nhà giáo
Tại Hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện chương trình“Nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp của nhà giáo - người lao động đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chỉ đạo Công đoàn Giáo dục các cấp tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng về trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của nhà giáo, người lao động.
Việc tăng cường đánh giá, xếp loại giáo viên, CBQL theo chuẩn đã tạo điều kiện cho mỗi nhà giáo nâng cao năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW. Ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống nhà giáo, kỷ cương, nề nếp, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên.
Một số địa phương đã chủ động tổ chức kiểm tra kiến thức đối với nhà giáo ở các cấp học, cung cấp kết quả kiểm tra để có phương án bố trí, sắp xếp và sử dụng đội ngũ nhà giáo và xây dựng kế hoạch tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục bồi dưỡng và thực hiện chuyển hạng, xếp nâng hạng giáo viên (3300 giảng viên đại học cao đẳng trong ngành đã được nâng hạng năm 2017).
Để làm tốt hơn công tác này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động; đầu tư bổ sung kinh phí đào tạo cho các đơn vị, trường học để đáp ứng dạy đổi mới, đặc biệt là chuẩn bị cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu cụ thể về việc cử cán bộ đi học nước ngoài (bằng ngân sách nhà nước) theo vùng miền để cân đối và tạo điều kiện cho các đại học vùng cử người dự tuyển và đi học nhằm cân bằng về nhân lực giảng viên giữa các vùng trong cả nước; thống nhất về chế độ đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động học tập nâng cao trình độ nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Có cơ chế đầu tư, ưu tiên cho các trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm vì các trường này đóng vai trò quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phục vụ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Qua báo cáo của 46 CĐGD các tỉnh, thành phố trực thuộc TW và 37 công đoàn các đơn vị trực thuộc báo cáo về CĐGD Việt Nam:
- Khối các đơn vị trực thuộc có 4.157 CBNGNLĐ (12,33%) có trình độ lý luận chính trị trung cấp; 250 CBNGNLĐ (0,7%) là cử nhân chính trị; 788 CBNGNLĐ (2,3%) có trình độ lý luận chính trị cao cấp; 15.520 giảng viên (44,7%) trình độ thạc sĩ, 5,736 giảng viên (16,5%) học vị tiến sĩ.
- Khối tỉnh có 108.865 CBNGNLĐ (9,8%) có trình độ lý luận chính trị trung cấp; 9.340 CBNGNLĐ (0,84%) là cử nhân chính trị; 9.092 CBNGNLĐ (0,8%) có trình độ lý luận chính trị cao cấp; 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt chuẩn đào tạo theo quy định; trong đó trên chuẩn đào tạo là: 72,65% với giáo viên mầm non; 90,18% với giáo viên tiểu học; 76,07% với giáo viên THCS, 21,78% với giáo viên THPT; 88,6% giáo viên phổ thông, mầm non được xếp loại khá trở lên theo các quy định của chuẩn nghề nghiệp; có 191.786 CBNGNLĐ (đạt 17,26%) thi tay nghề, thi giáo viên giỏi hàng năm.