Nữ hiệu trưởng tâm huyết với “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”

GD&TĐ - “Dạy và học gắn liền với thực tiễn có tác dụng tích cực trong việc trang bị các kỹ năng mềm và nâng cao nhận thức cho học sinh. Với học sinh tiểu học, mỗi tiết học trải nghiệm lại mang tới cho các em sự tự tin, say mê và hào hứng”- Đó là chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Thị Như Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai B, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Nữ hiệu trưởng tâm huyết với “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”

Trải nghiệm giúp HS chủ động hơn

Là một trong những nhà giáo của thành phố Hà Nội được biểu dương về thành tích trong phong trào “Đổi mới sáng tạo trong dạy học” nhà giáo Nguyễn Thị Như Hoa cho biết: Năm học 2016 – 2017, thực hiện chủ trương “Đổi mới sáng tạo trong dạy học” của ngành, trong vai trò đứng đầu của mình, BGH nhà trường đã phát động và thực hiện phong trào thi đua này trong toàn trường.

Nhà giáo Nguyễn Thị Như Hoa chia sẻ: Tại Trường Tiểu học Minh Khai B, quận Bắc Từ Liêm, các giáo viên và học sinh luôn được tạo điều kiện để ứng dụng sự sáng tạo trong từng tiết học.

Chính vì vậy, nhiều tiết học đã được đánh giá cao, thu hút sự quan tâm của BGH và các đồng nghiệp. Trong đó phải kể đến các biện pháp giúp trẻ tích cực khám phá thiên nhiên thông qua hoạt động ngoài trời, được triển khai và thực hiện thí điểm tại lớp 5A1 của trường.

Tham gia tiết học này, học sinh được quan sát thực tế nên các em nhớ và có nhiều phát hiện khá thú vị, độc đáo. Cũng nhờ sự quan sát này mà việc dạy và học phân môn tập làm văn được lồng ghép gắn liền với thực tế giúp học sinh không còn ngại học Văn.

Lan tỏa những tiết dạy hay

Cô giáo Nguyễn Thị Như Hoa cũng cho biết: Có rất nhiều cách để tích hợp việc dạy và học bên ngoài lớp học vào trong chương trình giảng dạy ở trường tiểu học, chứ không phải chỉ bó hẹp trong môn học Tự nhiên - Xã hội (lớp 1, 2, 3) và các môn Khoa học, Địa lý (lớp 4, 5).

Để làm tốt công tác này, ngay từ đầu năm học, cô đã xây dựng kế hoạch về việc tổ chức dạy học theo từng tháng với các chủ đề khác nhau. Điều này thể hiện rõ ở các công việc cần chuẩn bị cho tiết học bên ngoài lớp học như: Xác định vị trí các đối tượng, khu vực tổ chức hoạt động của trẻ, dự kiến những ảnh hưởng của thời tiết đến các đối tượng trẻ sẽ quan sát khám phá. Tạo cơ hội để các em nói về những suy nghĩ, những gì các em quan sát được. Tạo bầu không khí thoải mái, động viên khích lệ các em để trẻ tự tin…

Trên cương vị là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, trong năm học qua bản thân cô Hoa đã thường xuyên tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về các vấn đề nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần cho nhân dân trong địa phương.

Đặc biệt để tranh thủ mọi sự ủng hộ cho giáo dục, nhà giáo Nguyễn Thị Như Hoa đã thành lập BCĐ tuyên truyền, vận động HS ra lớp; Ban hành qui chế phối hợp giữa nhà trường - chính quyền và gia đình trong việc giáo dục HS… Việc đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học của BGH đã được CBGV-NV và HS ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng.

Bên cạnh đó, BGH đã tạo điều kiện cho đội ngũ CBGV được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; Chăm lo giáo dục, bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức cho CBGV-NV; Kiểm tra đánh giá chất lượng của đội ngũ, bồi dưỡng cho CBGV đổi mới phương pháp, nhằm nâng cao chất lượng giờ lên lớp …

33 năm công tác và có 17 năm làm công tác quản lý, với những đóng góp và nỗ lực của bản thân, cô luôn nhận được sự tin yêu từ đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Nhiều năm liền nhà giáo Nguyễn Thị Như Hoa đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Những sáng kiến kinh nghiệm của cô đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.