(GD&TĐ)- Đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc ĐH, CĐ đang là vấn đề được đặt ra cấp thiết. Bởi, nếu các trường ĐH tụt hậu trong cách dạy và cách học sẽ không thể tạo ra sự chuyển biến về chất lượng.
Sinh viên Học viện Quản lý giáo dục tự học tại thư viện. Ảnh: gdtd.vn |
Theo khẳng định của nhiều chuyên gia giáo dục, quá trình giáo dục – đào tạo lấy người học làm trung tâm gắn kết chặt chẽ với chất lượng đầu ra mà xã hội yêu cầu là chìa khóa đột phá của quá trình đào tạo giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Nhận định chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, buộc phải thực hiện tiếp cận dạy học lấy người học làm trung tâm và trao quyền chủ động, tích cực, tự lực cho sinh viên thông qua cách dạy và học, PGS.TS Đặng Xuân Hải cho rằng, để làm được điều này cần tăng cường hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu, bao hàm cả hai công việc: chuẩn bị cho các giờ lên lớp (lý thuyết, seminar, làm việc nhóm, thực hành...) và tự học có hướng dẫn (nghiên cứu, đọc tài liệu, hoàn thành các nhiệm vụ học tập, làm bài tập...).
Cùng với đó, nắm bắt được phong cách học của số đông sinh viên trong lớp nhằm hỗ trợ lựa chọn phương thức ưu tiên cho việc chuyển tải nội dung dạy học; giúp sinh viên lập bản đồ tư duy cho bản thân; khai thác tốt vai trò của đề cương môn học trong dạy học theo tín chỉ.
Còn theo PGS.TS.Bùi Minh Trí (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), dạy học lấy người học làm trung tâm bao gồm quy trình xây dựng chương trình giảng dạy và những chức năng mới của thầy. Cụ thể, quy trình xây dựng chương trình giảng dạy sẽ gồm 5 bước: phân tích (phân tích nhu cầu từ phía người sử dụng lao động và sinh viên; xác định và cụ thể hóa các nhiệm vụ đào tạo); thiết kế chu trình dạy – tự học; soạn thảo các tài liệu giảng dạy, ôn tập, kiểm tra, kết hợp phương pháp đào tạo truyền thống với các mô hình công nghệ, cộng tác và trao đổi nghiên cứu giảng dạy với các nước phát triển; thực hiện kế hoạch đào tạo; đánh giá tổng kết. Cùng với đó, xác định chức năng mới của người thầy, thầy dạy, trò tự học, tác động của thầy là ngoại lực, tác động của trò là nội lực.
TS.Nguyễn Đình Cả (Trường ĐHSP Kỹ thuật TPHCM) bàn về đổi mới phương pháp giảng dạy ở ĐH, CĐ hiện nay lại đề cập đến vai trò của hình thức thảo luận. Theo đó, để nâng cao chất lượng hình thức này cần lựa chọn những vấn đề, đề tài để đưa ra thảo luận vừa hấp dẫn, thiết thực với từng môn học và các loại hình đào tạo để đưa vào thảo luận; xây dựng một môi trường thảo luận cởi mở, sinh động, tự do trong khuôn khổ giáo dục và nhà trường; kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với thực hành, giữa thuyết trình với thảo luận, linh hoạt lựa chọn và sử dụng cách thức thảo luận khác nhau để tận dụng các cơ hội, phát huy được vai trò của thảo luận trong tất cả mọi môn học, ngành học, loại hình học tập.
“Đã đến lúc, giáo dục ĐH, CĐ đoạt tuyệt với phương pháp đọc – chép và người giáo viên đi dạy lại những điều đã viết trong giáo trình rồi khi sinh viên đi thi lại viết như giáo trình. Để làm được việc này, hình thức thảo luận phải được coi là một phương pháp học tập cơ bản, một hình thức học tập phổ biến trong tất cả các môn học, các hệ đào tạo” - TS.Nguyễn Đình Cả nhấn mạnh.
Th.S Đỗ Thị Nhan – Trường ĐH KT-KT Hải Dương đề cập đến việc vận dụng phương pháp tình huống trong dạy – học bậc ĐH, CĐ. Trong phương pháp này, người thầy phải gợi ý để trò có khả năng phê phán, đánh giá đúng sai của từng vấn đề, tình huống đưa ra và nguyên nhân của vấn đề; đồng thời gợi ý cho họ hướng giải quyết vấn đề đó... Khi áp dụng phương pháp tình huống, có thể chia người học thành từng nhóm nhỏ. Giảng viên đưa tình huống nảy sinh từ thực tiễn và yêu cầu các nhóm phân tích, đưa ra kết luận; giảng viên tổng kết, đánh giá chung trên cơ sở kết luận của mỗi nhóm, chỉ ra cái được và chưa được. Có thể cử hai nhóm cùng giải quyết một vấn đề, mỗi bên tham gia phải bảo vệ quan điểm của mình cho đến khi thống nhất được ý kiến chung.
Thực hiện đổi mới phương pháp dạy - học có hiệu quả, PGS.TS.Ngô Văn Quyết (Trường ĐH Sao Đỏ) kiến nghị, đối với sinh viên mới vào trường ĐH, CĐ đào tạo theo tín chỉ, nhất thiết phải được học một giáo trình hay một chuyên đề về phương pháp học tập ở bậc ĐH theo học chế tín chỉ, ngoài việc phổ biến hoặc giải thích quy chế. Ngoài ra, các học phần Lo-gic hình thức và Lo-gic biện chứng và học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học phải được giảng dạy ở một trình độ cao.
Hiếu Nguyễn