Hướng nghiệp thời covid-19: Định hướng nghề nghiệp từ gia đình

Hướng nghiệp thời covid-19: Định hướng nghề nghiệp từ gia đình

Đồng hành chứ không áp đặt

Lưu Quang Vinh, lớp 12A2, Trường THPT Bình Minh, Hoài Đức (Hà Nội) đặt mục tiêu đỗ vào Trường ĐH Tài chính Kế toán. Em cho biết: Từ đầu năm đến nay, trường tổ chức 2 cuộc họp phụ huynh, trong đó bàn nhiều vấn đề chọn trường, chọn ngành nghề sau tốt nghiệp. Thầy cô chủ nhiệm luôn theo sát việc học hành và định hướng giúp HS chọn ngành nghề. Tuy nhiên, do phải tạm nghỉ học, công tác tư vấn, hướng nghiệp bị ảnh hưởng, hạn chế hơn những năm trước.

Nhưng, Quang Vinh may mắn vì có gia đình cùng đồng hành từ rất sớm. Mẹ Vinh cho rằng: Sự hỗ trợ của thầy cô, cha mẹ giúp con có lựa chọn đúng đắn, tránh bỏ dở việc học vì ngành học không phù hợp, môi trường học tập quá khả năng hay thậm chí là thất nghiệp, làm trái ngành nghề…

“Chúng tôi giúp con hiểu được bản thân, từ đó chủ động hơn trong học tập và từng bước tìm được ngành học phù hợp. Tôi hướng dẫn con cần chọn nghề dựa vào đam mê, sở thích, năng lực, sở trường và cả nhu cầu thị trường. Tính Vinh cẩn thận, chu đáo, thích học toán, tôi giúp con nhận ra đam mê và biết liệu mình có muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp tài chính, kế toán hay không, không chỉ qua tư vấn mà cả tham gia các hoạt động, trải nghiệm, học tập… Tôi cũng giúp con hiểu biết về cơ hội nghề nghiệp của ngành Tài chính, Kế toán và chuẩn bị để tránh được rủi ro thất nghiệp sau khi ra trường”, mẹ Vinh chia sẻ.

Còn mẹ bạn Đỗ Thị Trâm Anh, HS lớp 12 Trường THPT Phúc Lợi , Hà Nội), chia sẻ nỗ lực để cùng con đạt kết quả cao trong Kỳ thi THPT quốc gia và đỗ vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam. “Tôi luôn đồng hành, kịp thời tư vấn cho con trong lựa chọn ngành nghề phù hợp; Xét năng lực, học lực, quan tâm sở thích, ước mơ, công việc tương lai của con sau này. Tôi cũng phối hợp với nhà trường để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phát triển năng lực học của con. Kỹ năng, thái độ nghiêm túc, chọn ngành phù hợp là yếu tố quan trọng mang đến thành công cho con trong tương lai”, mẹ Trâm Anh cho hay.

Thời điểm này, Trần Khánh Linh, lớp 12A5 Trường THPT Yên Dũng số II (Bắc Giang) đã xác định được nguyện vọng trở thành giáo viên, thi đỗ Trường ĐHSP Hà Nội. Mẹ của Linh, giáo viên tiểu học, luôn gần gũi, động viên, chia sẻ cùng em để chọn nghề phù hợp với lực học, hoài bão, điều kiện gia đình. “Vai trò của gia đình trong hướng nghiệp cho con rất quan trọng. Bởi lẽ, các con chưa thể đủ vốn sống để nhìn nhận, định hướng nghề nghiệp cho mình trong tương lai. Con có thể chỉ nghĩ tới ước mơ bay bổng xa xôi của tuổi trẻ mà chưa xác định được lực học của mình, rồi nhu cầu việc làm trong xã hội…” , mẹ Linh chia sẻ.

Hướng nghiệp thời covid-19: Định hướng nghề nghiệp từ gia đình ảnh 1
Lưu Quang Vinh, Trường THPT Bình Minh, Hoài Đức (Hà Nội) luôn được gia đình đồng hành khi chọn trường, chọn nghề. Ảnh: NVCC

Điểm số không nói lên sự phù hợp với ngành nghề

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc đồng hành cùng con chọn ngành, trường, mẹ Vinh cho rằng: Cha mẹ nên hỗ trợ con càng sớm càng tốt. Chỉ hướng dẫn, chia sẻ, đồng hành chứ không áp đặt, ràng buộc. Để giúp được con, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ khả năng học tập, kỹ năng sống…, giúp con tích lũy kinh nghiệm thông qua công việc thực tế; Gợi ý cho con cái nhìn khái quát về nghề nghiệp mà con sẽ chọn...

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) lưu ý: Phụ huynh cần biết một số nguyên nhân, khó khăn chính của con khi chọn trường, nghề, đó là: Không hiểu mình, không xác định được điểm mạnh, đam mê; Không hiểu yêu cầu của nghề cần gì, không nắm được nhu cầu xã hội về nghề… Vì vậy, bố mẹ cần tích cực cho con tham gia trải nghiệm về nghề, hiện có một số nghề cho phép trải nghiệm ảo với sự hỗ trợ của công nghệ. Giới thiệu những công cụ công nghệ để con khám phá bản thân, nâng cao kiến thức nghề nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp.

“Chỉ nên chọn nghề phù hợp với hứng thú, sở thích và bản thân có đủ điều kiện đáp ứng. Chỉ chọn khi thực sự hiểu biết về nghề và chọn nghề xã hội có nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được các giá trị mà bản thân cho là có ý nghĩa. 

Trong bối cảnh hiện tại, cha mẹ cũng cần có tư duy mở: ĐH không phải là con đường duy nhất. Đặc biệt, cần lưu ý rằng, điểm số không nói lên sự phù hợp với ngành nghề. Điểm số chỉ phản ánh 1 chỉ báo nhỏ về việc có phù hợp với nghề nào không? Ngoài ra, còn thiên hướng nghề nghiệp, hoạt động của hệ thần kinh, chỉ số trí tuệ cảm xúc, đam mê, vượt khó… Khi bố mẹ định hướng nghề cho con, phải làm rõ một số quan điểm sai lầm. Sẽ không có công việc kiểu: Việc nhẹ lương cao. Những việc đơn giản có thể sau này sẽ bị máy móc thay thế…”, PGS Trần Thành Nam lưu ý.

Khi HS tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, phụ huynh có thể tạo điều kiện cho con tìm hiểu thế giới nghề nghiệp trên mạng. Cùng với đó, lưu tâm các kỹ năng giúp con chuyển đổi, thích ứng với môi trường nghề nghiệp luôn biến động, như: Năng lực công dân toàn cầu, học tập suốt đời, giao tiếp hiệu quả bằng tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ; Tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp; Năng lực nhận thức văn hóa và biểu hiện văn hóa đặc sắc… - PGS.TS Trần Thành Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ