Hướng nghiệp khi sở thích thay đổi liên tục

GD&TĐ - Sở thích thay đổi liên tục, thì thời điểm nào cần phải “chốt” một ngành nghề để theo học là băn khoăn của không ít phụ huynh và học sinh.

Sở thích thay đổi liên tục, thì thời điểm nào cần phải “chốt” một ngành nghề để theo học là băn khoăn của không ít phụ huynh và học sinh.
Sở thích thay đổi liên tục, thì thời điểm nào cần phải “chốt” một ngành nghề để theo học là băn khoăn của không ít phụ huynh và học sinh.

Lúc thích làm cảnh sát, lúc lại thích nhà văn

Anh Ngô Hùng Cường, phụ huynh học sinh lớp 9 ở TPHCM bày tỏ lo lắng khi sở thích của con mình thay đổi theo thời gian. Lúc trước, con gái mê truyện Conan nên thích làm cảnh sát điều tra nhưng sau lại thích làm nhà văn, hiện con đang học Văn rất tốt, là học sinh giỏi Văn của trường nhưng lại đột ngột muốn chuyển sang môn Toán. Trong khi hiện nay con đã lên lớp 9, cần ổn định hướng nghiệp.

Chọn ngành học cho con theo sở thích hay địa vị xã hội của ngành nghề luôn là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Không ít người áp đặt con chọn ngành nghề A, B khi thấy bạn bè, người thân xung quanh làm những ngành nghề đó và có thu nhập cao, có vị thế tốt. Thậm chí nhiều người khi mới sinh con đã đi xem tử vi hoặc thịnh hành hơn trong 5 năm gần đây là sinh trắc học vân tay và mới nhất là phân tích tần số học, giải mã gene để xem tương lai, thế mạnh, thiên hướng nghề nghiệp của con.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Song ngữ quốc tế Canada (BCIS) cho rằng, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục con để con tự quyết định nghề nghiệp trong tương lai của mình trên cơ sở phân tích khoa học: năng lực của con, hứng thú, sự yêu thích và nhu cầu của thị trường.

“Phụ huynh và cả con trẻ hãy hiểu và chấp nhận những mong muốn, sự yêu thích này có thể thay đổi theo thời gian. Tiểu học con có thể thích làm giáo viên, bác sĩ nhưng lên cấp 2 muốn làm phóng viên, lên lớp 11, 12 con lại nghĩ khác, có đam mê khác. Điều này hoàn toàn bình thường, phụ huynh không cần quá lo lắng vì kể cả người lớn, khi đi làm chúng ta vẫn có thể thay đổi nghề nghiệp của mình”, TS Huyền chia sẻ.

Tiếp theo, bà Huyền lưu ý trẻ cần biết những phẩm chất, tài năng, giá trị mà mình có và mong muốn theo đuổi. Trẻ sống tình cảm, hài hước, lạc quan cũng là thế mạnh. Nữ tiến sĩ chia sẻ trường hợp một phụ huynh từng kể rất lo khi con mình không biết lo xa, tới đâu thì tới, hời hợt nhưng thực ra đó đó cũng là điểm mạnh. Với tính cách như vậy, bạn ấy có thể thích nghi với những thay đổi, vững vàng trước khó khăn, thử thách.

Phân biệt sở thích và đam mê

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, “sở thích” và “đam mê” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau mà nhiều cha mẹ vẫn hay nhầm lẫn, dẫn tới chuyện định hướng nghề nghiệp cho con không đúng cách. Một nhà văn có thể thích vẽ, nhưng ông ấy chọn viết văn thay vì làm họa sĩ. Một vận động viên có thể thích nấu ăn, nhưng cô ấy chọn chơi thể thao thay vì làm đầu bếp. Giữa hàng ngàn sở thích của con, cha mẹ hãy giúp con cùng tìm ra đâu mới thực sự là đam mê của mình, là công việc mình muốn gắn bó trong suốt cuộc đời này.

Sở thích – đúng như tên gọi của nó – là những việc mà con cảm thấy thích thú khi thực hiện. Thoải mái, dễ chịu, vui vẻ, và hạnh phúc. Thế nhưng khi không có chúng, con cũng không cảm thấy khó chịu.

Đam mê là một điều gì đó “mãnh liệt” hơn rất nhiều so với sở thích. Con không chỉ thích làm, mà luôn luôn thích làm, và chẳng thể nào ngừng thực hiện. Khi không được làm điều đó, con sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu, nhớ nhung. Và dù biết sẽ phải đương đầu với thật nhiều khó khăn, con vẫn không cảm thấy sợ hãi mà chùn bước, con vẫn lựa chọn “điều mình thích”.

Hướng nghiệp cho con theo sở thích, rồi con sẽ “cả thèm chóng chán”. Bởi vậy nên cha mẹ cần cùng con tìm hiểu bản thân mình thật kĩ để giúp con định hướng nghề nghiệp theo đam mê của mình.

Khi đã xác định được đam mê của con, cha mẹ đừng vội nhìn vào chỉ một lựa chọn. Mỗi đam mê đều mở ra nhiều con đường khác nhau, quan trọng là chúng ta cần nghiên cứu thật đầy đủ. Nếu con thích vẽ, con không nhất thiết phải trở thành một họa sĩ. Con hoàn toàn có thể theo đuổi ngành kiến trúc, học thiết kế đồ họa, làm nhà thiết kế thời trang, hay trở thành một giảng viên mĩ thuật. Nếu con thích viết, con không nhất thiết phải trở thành một nhà văn. Con có thể là một nhà báo, một cô gái truyền thông, một copywriter hay một người phiên dịch truyện/ sách.

Nói tóm lại, sở thích và đam mê là hai khái niệm tách rời. Con là “người trong cuộc” nên đôi khi nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, nhưng cha mẹ cần tỉnh táo hơn và giúp con nhìn nhận được đâu là ngọn lửa đam mê mà mình sẵn sàng theo đuổi. Thêm vào đó, cha mẹ cũng nên nghiên cứu sâu rộng về các nghề nghiệp liên quan đến đam mê của con để lựa chọn và hướng nghiệp cho con được tốt nhất.

Cho con trải nghiệm thực tế

TS Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng khi con trẻ bày tỏ sự yêu thích với nhiều lĩnh vực khác nhau, không có cách nào tốt hơn là cho con trải nghiệm thực tế với những lĩnh vực đó.

Nếu con thích làm nghề sáng tạo nội dung trên các nền tảng Youtube, Tiktok phụ huynh hãy đưa con đến gặp những người làm trong lĩnh vực đó để con hiểu là đằng sau sản phẩm, lượt view hàng triệu đó là những khó khăn gì, con phải đối mặt với những áp lực nào. Nếu con thích múa, hát hãy cho con gặp nhạc công, vũ công để họ chia sẻ về môi trường làm việc, năng lực cần có… Phụ huynh hãy tích cực cho con trải nghiệm và ghi nhận những điều con yêu thích cũng như năng lực mà con có. Tất nhiên việc này diễn ra càng sớm càng tốt để con có thời gian trải nghiệm, suy nghĩ, lựa chọn.

Về thời điểm nào bắt đầu hướng nghiệp cho con là tốt nhất, TS Thu Huyền chia sẻ thực tế nhiều phụ huynh chờ khi con đến THPT, thậm chí lớp 12 mới bắt đầu nghĩ đến những ngành, nghề mà con dự định sẽ học, sẽ làm trong tương lai. Sự thiếu hụt về thời gian chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng nền tảng, thiếu hụt thông tin nghề nghiệp, khiến không ít học sinh không đặt chân vào được các trường đại học như mục tiêu đặt ra hoặc không theo đuổi được nghề nghiệp như mơ ước.

Do đó, việc hướng nghiệp là cả một quá trình, phụ huynh nên bắt đầu sớm, có thể từ cấp tiểu học bằng việc cho con những hình dung, ý niệm về các ngành nghề khác nhau và trải nghiệm dần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ