Định hướng nghề cho học sinh theo sở thích, năng lực của trò

GD&TĐ - Chuyên đề về công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT khiến cho buổi họp phụ huynh đầu năm tại Trường THPT Thái Phiên thêm sôi nổi. 

Sơ đồ về định hướng nghề do học sinh Trường THPT Thái Phiên chuẩn bị.
Sơ đồ về định hướng nghề do học sinh Trường THPT Thái Phiên chuẩn bị.

Học sinh chủ động

Khác với cuộc họp phụ huynh “truyền thống”, cuộc họp phụ huynh lớp 11A14, Trường THPT Thái Phiên (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) triển khai tới cha mẹ học sinh chuyên đề “Hướng nghiệp cho học sinh lớp 11A14”. Chuyên đề nhận được sự đánh giá cao của phụ huynh, sự hào hứng của học trò.

Để ba mẹ hiểu con mình hơn, đồng hành cùng con trên con đường sự nghiệp, dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, các em học sinh lớp 11,12 Trường THPT Thái Phiên đã tự tìm hiểu ngành nghề, thiết kế các bài thuyết trình về ngành nghề mà mình có nguyện vọng theo đuổi.

Cùng chung nguyện vọng theo học các trường thuộc lĩnh vực: Quân đội, Công an, Luật, Sư phạm, nhóm các em: Vũ Linh Chi, Lê Tiến Khoa, Phạm Hoài Đức, Nguyễn Nam Hiếu, Nguyễn Hoàng Khánh Minh và Cao Xuân Minh được cô giáo chủ nhiệm phân công làm đề tài thuyết trình về các nhóm ngành này.

Nhiệm vụ của các em phải tìm hiểu về ngành nghề mình yêu thích, các trường đại học, học viện đào tạo, thang điểm xét tuyển, phương thức xét tuyển qua các năm học. Bên cạnh đó, các em cùng tìm hiểu về các điều kiện được vào các trường, đưa ra lời khuyên. Slide trình chiếu của học sinh khoa học, bắt mắt, có hình ảnh, bảng biểu minh hoạ rất dễ hiểu.

Tương tự, học sinh các nhóm ngành Logistic, quản trị, tài chính ngân hàng, truyền thông-maketing…đều được phân công cụ thể công việc và có thời gian chuẩn bị để thuyết trình trước cô giáo chủ nhiệm và các phụ huynh về nhóm ngành mình yêu thích, đam mê và nguyện vọng theo đuổi.

Các em học sinh hào hứng chia sẻ với cha mẹ về nghề tương lại mình lựa chọn.

Các em học sinh hào hứng chia sẻ với cha mẹ về nghề tương lại mình lựa chọn.

Cô Đặng Thị Thu Vân, Giáo viên chủ nhiệm lớp 11A14 chia sẻ: Cô mong muốn làm công tác định hướng, hướng nghiệp cho học sinh lớp 11. Bởi đây là thời điểm phù hợp để các em tìm hiểu, theo đuổi ước mơ nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Cô Vân cho rằng, thường trước đây khi học sinh học đến lớp 12 cô mới tổ chức hướng nghiệp cho học trò. Quá trình chủ nhiệm lớp và chứng kiến nhiều học sinh thay đổi nguyện vọng của mình trong khi học lớp cuối cấp, thậm chí có em còn theo học đại học rồi năm sau lại chuyển ngành vì cảm thấy không phù hợp. Nên rút kinh nghiệm, cô quyết định sẽ tổ chức hướng nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 11.

Thay vì truyền đạt thông tin một chiều về tình hình nhà trường, lớp học, buổi họp phụ huynh đầu năm của lớp 11A14 sẽ là chuyên đề hướng nghiệp. Dưới dự định hướng, giao nhiệm vụ của cô, các em học sinh tự tìm hiểu các nhóm ngành mình yêu thích. Sau khi làm bài test tính cách và trắc nghiệm hướng nghiệp, cô Vân đã chia học sinh thành 7 nhóm ngành, ưu tiên những em có nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 sẽ cùng nhóm với nhau.

Thầy cô và cha mẹ cùng đồng hành

Để học sinh có định hướng, lựa chọn ngành nghề đúng với sở thích, năng lực và nhu cầu xã hội, cô Vân cung cấp cho học sinh danh sách 300 ngành nghề. Sau khi làm khảo sát, trắc nghiệm ngành nghề, dựa vào nhu cầu bản thân các em đăng kí nguyện vọng.

Quá trình đăng kí của học sinh cô giáo đã chia thành 7 nhóm ngành như: công an, quân đội, sư phạm, luật; công nghệ thông tin; khoa học kĩ thuật; quản trị; kinh doanh ngân hàng; logistic; truyền thông marketting.

Cô Vân cho hay, khi định hướng học sinh chọn ngành nghề quan trọng phải xuất phát từ sở thích đam mê của các em, sau đó đến năng lực và nhu cầu xã hội. Khi cô giáo phân nhóm, giao việc, học sinh rất hào hứng. Các em tìm hiểu ngành nghề một cách nghiêm túc, làm slide đầy đủ và có góc nhìn riêng.

Nhiều học sinh có định hướng nghề rất rõ nét ngay từ đầu năm lớp 11 như: Em Vũ Thái Bình lựa chọn học ngành Công nghệ thông tin; Em Nguyễn Trương Đức học Logistic; Lê Vũ Phương Anh chọn học MC, truyền thông.

Quá trình hướng nghiệp cho học sinh, có một số em chưa được gia đình ủng hộ, cô Vân thường động viên và cùng em trao đổi, kết nối với phụ huynh để cha mẹ hiểu, đồng hành cùng con.

Học sinh chủ động trang bị kiến thức nghề nghiệp.

Học sinh chủ động trang bị kiến thức nghề nghiệp.

Chuyên đề hướng nghiệp của học sinh lớp 11A4 đúng thời điểm năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng phương thức học sinh đăng kí xét tuyển đại học sau khi có điểm thi tốt nghiệp nên học trò được tìm hiểu kĩ hơn, năm sau không còn bỡ ngỡ.

Theo cô Vân, khi trò có đam mê, nguyện vọng, các em sẽ tự tìm hiểu các trường đại học có ngành phù hợp. Định hướng nghề là vấn đề quan trọng, với sự phân tích điểm chuẩn của trường thuộc tốp 1,2,3 các em sẽ có cái nhìn khách quan. Kiến thức nghề nghiệp được trang bị, học sinh sẽ chọn được ngành phù hợp khi biết điểm mà không bị lệch hướng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Trường THPT Thái Phiên, công tác định hướng nghề của nhà trường được làm tổng thể, thường xuyên. Với học sinh lớp 10 năm nay, các em được tư vấn ngay khi nộp hồ sơ vào trường. Khi nghe thầy cô tư vấn, các em sẽ chọn những ban phù hợp với năng lực và định hướng vào trường đại học sau này.

Trong năm học nhà trường đã xây dựng và thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp đối với học sinh học theo chương trình GDPT 2006 và triển khai Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đối với học sinh lớp 10 theo chương trình GDPT 2018.

Với học sinh lớp 11, 12 nhà trường tổ chức hướng nghiệp cho học sinh trên cơ sở rút kinh nghiệm kết quả thi, kết quả trúng tuyển đại học và phương thức xét tuyển của các trường đại học năm học trước.

Với học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 có khó khăn cho việc định hướng nghề vì hiện chưa rõ phương thức xét tuyển của các trường đại học vào năm 2025 cụ thể ra sao. Vì thế, những nội dung tư vấn và định hướng của nhà trường chỉ mang tính dự báo.

Theo thông tin từ Trường THPT Thái Phiên, năm học vừa qua, trường có đến 96,3% học sinh đăng kí xét tuyển đại học, trong số đó có 99,1% đỗ đợt 1. 21 học sinh còn lại không đăng kí xét tuyển, trong đó có 20 em đi du học và vào các trường quốc tế; một em còn lại xác định học nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...