Hướng nghiệp gắn với xu hướng ngành nghề

GD&TĐ - Từ thực tiễn địa phương, Nghệ An đã đưa ra những giải pháp để làm tốt hơn công tác hướng nghiệp gắn với yêu cầu của thị trường lao động.

Hướng nghiệp phải gắn với xu hướng phát triển ngành nghề.
Hướng nghiệp phải gắn với xu hướng phát triển ngành nghề.

Hạn chế trong công tác hướng nghiệp, giới thiệu việc làm

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay, thanh niên chưa có việc làm và chưa qua đào tạo nghề còn nhiều. Công tác thông tin tuyên truyền dạy nghề, giải quyết việc làm chưa được sâu rộng. Do đó thanh niên chưa thật mặn mà với việc học nghề, chưa có khái niệm đúng về việc làm.

Đại diện tỉnh Đoàn Nghệ An cho biết, có nhiều lý do như vì quá nghèo, không có tiền đi học, kén chọn nghề để học..., cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế.

Khả năng tiếp cận cũng như trình độ khoa học công nghệ, tay nghề của thanh niên trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn hạn chế. Tư tưởng của một số bộ phận thanh niên thiếu ổn định, chưa yên tâm trong tham gia phát triển kinh tế xây dựng quê hương.

Một số cấp uỷ và chính quyền địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến công tác thanh niên, chưa tạo điều kiện để phát huy khả năng của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế của địa phương.

Bên cạnh đó, chương trình, chất lượng, quy mô đào tạo cũng như chất lượng giáo viên và trang thiết bị chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác chăm lo, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm cho thanh niên chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ và chưa mang lại hiệu quả cao. Chưa huy động được sự đóng góp của toàn xã hội và sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn.

Việc đào tạo chưa thật sự gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên. Tỷ lệ thanh niên sau đào tạo nghề được giải quyết việc làm còn thấp, cơ hội, khả năng tìm được việc làm của họ chưa cao. Nhiều học viên sau khi đào tạo không tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu cũng như đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tại địa phương.

Đổi mới tư vấn hướng nghiệp hiện đại, gắn với giải quyết việc làm

Tỉnh Đoàn Nghệ An đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho học sinh, sinh viên.

Theo đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và xã hội về thực hiện chính sách hướng nghiệp cho thanh niên. Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, giới thiệu ngành nghề tốt để học sinh sinh viên dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu những ngành nghề mà mình dự định theo học, định hướng cho thanh niên, giúp họ hiểu được sau khi học họ sẽ làm gì.

Thực hiện việc hướng nghiệp, đào tạo nghề cho các đối tượng thanh niên ở các vùng, miền, lứa tuổi khác nhau như thành thị, nông thôn, miền biển, miền núi, thanh niên xuất ngũ, học sinh…

Tổ chức Đoàn các cấp sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên trên các trang thông tin đại chúng, hệ thống thông tin của tổ chức Đoàn. Đặc biệt là các trang mạng xã hội.

Phối hợp với các trường THPT mời các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp có uy tín, kết hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và kết hợp với doanh nghiệp để tư vấn nghề cho học sinh, đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó là nâng cao nhận thức, năng lực và phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp trong công tác truyền thông về đào tạo nghề và lập nghiệp, khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên.

Đồng thời, tiến hành thường xuyên các cuộc khảo sát, thăm dò nhu cầu, nguyện vọng về nghề nghiệp, việc làm trong đoàn viên, thanh niên, học sinh. Hoạt động này thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, các diễn đàn để đưa ra hướng tư vấn phù hợp.

Ngoài ra cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng hiện đại, thiết thực và phải gắn với công tác giải quyết việc làm cho thanh niên.

Hoạt động đào tạo, định hướng phải gắn với xu hướng phát triển ngành nghề quốc gia, định hướng đáp ứng nhu cầu cho các khu cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn và thị trường lao động khác trong và ngoài nước. Đoàn thanh niên sẽ tập trung phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, các địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó tổ chức hoạt động ký kết giao ước, liên kết về đào tạo và tuyển dụng lao động giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ động nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về các vị trí việc làm tại doanh nghiệp.

Hơn nữa, cần có sự phối hợp, chỉ đạo của các ngành liên quan trong việc dành cho thanh niên một nguồn vốn nhất định để đầu tư phát triển kinh tế, duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế hiện nay. Đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, con người... để triển khai thực hiện các chính sách trong dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên.

Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ vốn từ Nhà nước đối với thanh niên để giải quyết việc làm tại chỗ... Bổ sung nguồn nguồn vốn hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, vốn vay giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho thanh niên để hỗ trợ, xây dựng các mô hình thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, cần phát huy sự nỗ lực của cá nhân thanh niên trong học tập, lao động và việc làm. Mỗi người phải chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn có tay nghề, cần cù, chịu khó, sáng tạo, rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập những gương thanh niên điển hình vượt khó, vươn lên lập thân, lập nghiệp,…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ