Hướng nghiệp cho vận động viên: 'Trao cần câu, không trao con cá'

GD&TĐ - Vận động viên sau khi giải nghệ thường gặp khó khăn khi tìm việc làm là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm trước.

Tuyển thủ điền kinh Đinh Thị Bích (839) chấn thương khi đang thi đấu cự ly 800m tại SEA Games 31. Ảnh: ITN.
Tuyển thủ điền kinh Đinh Thị Bích (839) chấn thương khi đang thi đấu cự ly 800m tại SEA Games 31. Ảnh: ITN.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tháng 6 vừa qua, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng về giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao. Điều đó cho thấy thực trạng này còn nhiều vướng mắc.

Tuổi nghề ngắn, rủi ro nhiều

Ngày 20/9, Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức Hội thảo Hướng nghiệp cho vận động viên. Hội thảo thu hút hơn 400 đại biểu, vận động viên tham dự trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội và nhiều vận động viên thuộc các đội tuyển đang tập huấn tại các địa điểm khác ở Hà Nội và Hải Phòng theo hình thức trực tuyến.

Đáng chú ý, tuy việc đào tạo, hướng nghiệp, chuyển đổi nghề đối với vận động viên sau khi kết thúc thi đấu được xác định là vấn đề cấp thiết, song Hội thảo này mới là lần thứ 2 được tổ chức. Lần trước, Hội thảo diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng, vào tháng 9/2023.

Tại Hội thảo, diễn giả khách mời tới từ các doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức trong và ngoài ngành thể thao đã tập trung vào những vấn đề thiết yếu, gồm: Thể thao Việt Nam khám phá nguồn thu và cơ hội mới sau sự nghiệp thi đấu; bảo vệ quyền lợi vận động viên trong thi đấu và vấn đề bình đẳng giới trong thể thao; câu chuyện khởi nghiệp cho các vận động viên sau khi kết thúc thi đấu đỉnh cao; những kỹ năng mềm quan trọng giúp vận động viên chinh phục thị trường việc làm, thành công trong sự nghiệp mới; kỹ năng trao đổi và làm việc với truyền thông cho các vận động viên Việt Nam; hướng đi mới dành cho các vận động viên chuyên nghiệp với chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao...

Theo bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục TDTT (Bộ VH-TT&DL), thể thao là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt bởi đặc thù về công việc và môi trường lao động. Vận động viên cũng được coi là người lao động đặc biệt, có những phẩm chất, kỹ năng chỉ được hình thành qua quá trình dày công gian khổ rèn luyện.

Tuy là một loại hình lao động đặc thù, song nếu xét về tuổi nghề thì vận động viên có thể được xếp vào một trong số những nghề có tuổi nghề ngắn nhất. Tính trung bình sự nghiệp thi đấu của một vận động viên chỉ kéo dài từ 10 - 15 năm (tùy theo đặc thù từng môn thể thao).

Phần lớn các vận động viên thể thao thường kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi từ 25 - 30 tuổi, thời điểm mà thể lực có những dấu hiệu đi xuống. Chỉ ở một số ít môn thiên về trí tuệ, sự khéo léo thì tuổi nghề của vận động viên có thể kéo dài hơn như cờ, bắn súng, golf, billiard & snooker...

Bên cạnh đó, trong quá trình tập luyện và thi đấu, vận động viên còn đối mặt với nguy cơ chấn thương xảy ra bất cứ lúc nào. Nhẹ thì cần thời gian chữa trị, bình phục. Nặng có thể phải giải nghệ, thậm chí tử vong.

Cuối năm 2023, thể thao Việt Nam chứng kiến trường hợp vận động viên Nguyễn Minh Triết của đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam gặp tai nạn nghiêm trọng trong quá trình tập luyện. Cụ thể, khi tập nhào lộn, Triết thực hiện động tác lộn 2 vòng sau quay 360 độ.

Do mất cảm giác trên không nên vận động viên sinh năm 2006 đã cắm đầu xuống hố mút, chân tay tê liệt. Sau gần 1 tháng điều trị, bác sĩ kết luận Triết bị liệt tủy, viêm phổi xẹp, khả năng hồi phục là ít. Và điều đau lòng đã đến vào đầu tháng 5/2024, Minh Triết qua đời ở tuổi 18.

Năm 2014, cua rơ Nguyễn Thị Thà (An Giang) gặp chấn thương nguy hiểm khi đang thi đấu môn xe đạp tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Lúc bấy giờ, nữ vận động viên này sập ổ gà, mất lái và ngã xe, bị gãy xương sườn, dập một quả thận, tràn dịch màng phổi và tổn thương gan.

Dù được chữa trị kịp thời và tích cực nhưng Nguyễn Thị Thà phải cắt bỏ một quả thận. Sau đó, cô giải nghệ và tìm con đường khác cho tương lai. May cho Thà, cô là em gái của cua rơ nổi tiếng Nguyễn Thị Thật, người vừa giành Huy chương Bạc ASIAD 2014. Thế nên, mức độ quan tâm và sự chú ý của truyền thông, dư luận dành cho Thà rất lớn. Bởi vậy, Thà được hỗ trợ rất nhiều trong quá trình chữa trị chấn thương được đánh giá như “hành trình trở về từ cõi chết”, cũng như tìm kiếm việc làm.

Vận động viên giải nghệ có nhiều lý do. Bên cạnh nguy cơ chấn thương, người vì hoàn cảnh gia đình, người không phát triển được nữa, hết tuổi thi đấu thể thao đỉnh cao… Nhưng đến nay, phần đông vận động viên giải nghệ thường gặp khó khăn trong việc mưu sinh.

Bởi khi dấn thân theo thể thao, các vận động viên thường không thuận lợi trong việc học văn hóa, hoặc chuyên môn cho tương lai sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu, đồng thời thiếu các kỹ năng, kiến thức làm việc.

Thế nên, tại Hội thảo ngày 20/9, các vận động viên tham dự đã chia sẻ, trao đổi trực tiếp với các diễn giả về các vấn đề như giải tỏa áp lực trong tập luyện và thi đấu; phân bổ thời gian cho việc học sau quá trình tập luyện căng thẳng hàng ngày cũng như việc trang bị các hành trang cần thiết trước khi giã từ sự nghiệp thi đấu.

huong nghiep cho van dong vien trao can cau khong trao con ca (1).jpg
Hội thảo Hướng nghiệp cho vận động viên do Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/9. Ảnh: ITN.

Trăn trở sau… ánh hào quang

Theo báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, vấn đề việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay, Bộ VH-TT&DL đã tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 19/4/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục.

Theo đó, tại Điều 7 về Ưu đãi học nghề và giải quyết việc làm quy định: Vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP.

Vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên: Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; Được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&aDL cũng tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ), tại điểm đ khoản 1 Điều 13 quy định: Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tiếp nhận vào viên chức đối với người có tài năng, năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực thể dục, thể thao khi đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm.

Về một số kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quan tâm, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho các vận động viên có thành tích xuất sắc khi hết tuổi vận động viên, cụ thể như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vô địch Olympic hiện đang làm huấn luyện viên đội tuyển bắn súng quốc gia; đô vật Trần Văn Sơn vô địch nhiều kỳ SEA Games hiện làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển vật quốc gia;

Vận động viên Trương Minh Sang vô địch các kỳ SEA Games làm huấn luyện viên đội tuyển thể dục quốc gia..., và nhiều vận động viên xuất sắc đã được các địa phương tuyển dụng làm huấn luyện viên các đội tuyển tỉnh/thành/ngành.

Cũng theo báo cáo, Bộ VH-TT&DL đã tìm kiếm đối tác cấp học bổng và cơ hội việc làm cho các vận động viên, cụ thể: Ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Đại Nam… về việc đào tạo cử nhân, thạc sĩ đặc biệt cho vận động viên đạt thành tích xuất sắc; Ký thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về việc tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các vận động viên thể thao có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp; Ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Alphanam về bảo trợ nghề nghiệp cho các vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia có mong muốn làm việc trong ngành du lịch - khách sạn (trong đó có cả việc làm bán thời gian trong khi vận động viên đang tập trung tập huấn)…

Mặc dù vậy, việc làm cho vận động viên sau thi đấu đang là bài toán nan giải, quá trình triển khai còn nhiều bất cập, lúng túng. Theo thống kê của Cục TDTT, cả nước hiện có gần 22 nghìn vận động viên thuộc các tuyến (bao gồm các đội tuyển quốc gia và các đội tuyển thuộc tỉnh, thành phố, ngành).

Dù được tạo điều kiện, hỗ trợ hết mức, chỉ có khoảng 15 - 20% tuyển thủ quốc gia và vận động viên xuất sắc sau khi giải nghệ trở thành huấn luyện viên, giáo viên thể chất hay công tác quản lý trong ngành. Khoảng 60 - 70% số vận động viên từng là tuyển thủ cấp tỉnh, thành phố, ngành thuộc diện chính thức nhiều năm, có thành tích và đẳng cấp phải bắt đầu một công việc khác.

Điều 7 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều bất cập, nhất là các cơ sở thể thao công lập không có đủ chỉ tiêu biên chế để giải quyết việc làm cho vận động viên sau khi giải nghệ.

huong nghiep cho van dong vien trao can cau khong trao con ca (2).jpg
Cựu xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã chuyển sang vai trò huấn luyện. Ảnh: ITN.

Theo chia sẻ của Cục phó Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến, dù rất mong muốn được chứng kiến các vận động viên nổi tiếng sau này tiếp tục gắn bó với sự nghiệp huấn luyện thể thao nhưng có nhiều yếu tố tác động, trong đó có việc chỉ tiêu biên chế tại các cơ sở thể thao công lập ngày càng giảm; và không phải vận động viên nào giỏi cũng có thể trở thành huấn luyện viên tốt.

Cũng theo bà Yến, vận động viên có tố chất, bản lĩnh, sẵn sàng làm việc trong môi trường kỷ luật và chịu được nhiều áp lực. Nhưng theo chia sẻ của giám đốc một doanh nghiệp tại TPHCM, nhân viên vốn là vận động viên rất siêng năng, cần cù và kỷ luật, song lại thiếu nhiều kỹ năng, nhất là các kỹ năng mềm làm việc… nên không đạt hiệu quả trong công việc.

Theo các chuyên gia, vận động viên khó tìm việc sau khi giải nghệ xuất phát từ 2 vấn đề, ý thức của vận động viên và chưa được hướng nghiệp cụ thể. Nhiều vận động viên trong lúc thi đấu, không nghĩ sâu xa, hoặc định hình được tương lai mình sẽ làm gì. Thậm chí, nhiều người mong muốn được làm việc trong lĩnh vực thể thao.

Đây là nhu cầu chính đáng, song như đã đề cập, rào cản biên chế cũng như năng lực từ vị trí vận động viên sang công tác đào tạo, quản lý khác rất nhiều. Thời gian qua, Cục TDTT tích cực phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo nghề và bố trí việc làm cho các vận động viên sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu. Trên thực tế, những việc làm trên đa phần là lao động chân tay, thu nhập thấp, không ổn định.

Ngành Thể thao lâu nay chỉ tập trung tối đa năng lực, đầu tư cho vận động viên để tìm thành tích cao nhất nhưng lại chưa có hướng đi cụ thể và rõ ràng cho những người phải chia tay sự nghiệp thi đấu.

Để tránh tình trạng các vận động viên hết thời đỉnh cao không có việc làm, cần phải làm tốt công tác hướng nghiệp, tác động vào ý thức chịu khó học tập của các vận động viên. Những người làm quản lý, trưởng bộ môn, các huấn luyện viên cần phải làm công tác tư tưởng cho học trò về định hướng nghề nghiệp.

Việc “trao cần câu”, tức là định hướng nghề nghiệp cho vận động viên, có tính thực tế hơn “cho con cá”, do vậy, để giải quyết vấn đề cần có nhiều hành động cụ thể, quyết liệt, cũng như thay đổi mạnh mẽ về ý thức của chính người trong cuộc – vận động viên.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Theo các nghiên cứu, những vận động viên cho rằng mình phải hy sinh tất cả cho thành tích đỉnh cao, thiếu các nguồn lực (tài chính, tâm lý, quan hệ xã hội) thường sẽ gặp khó khăn hơn trước bước chuyển của sự nghiệp.

Bên cạnh đó, những người phải đột ngột dừng thi đấu thường ít thành công và gặp nhiều khó khăn hơn những người đã có kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp.

Hàng năm tại Việt Nam có rất nhiều vận động viên giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó có những người từng giành thành tích cao tại các giải thi đấu quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới. Và khi chia tay sự nghiệp thi đấu, họ bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng thể thao từng được huấn luyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.