Vận động viên da đen thách thức Đức Quốc xã

GD&TĐ - Năm 1936, Đức mời các quốc gia trên thế giới cử vận động viên đến Berlin dự Thế vận hội.

Trên đường chạy ở Olympic Berlin 1936.
Trên đường chạy ở Olympic Berlin 1936.

Sau khi giành được bốn Huy chương Vàng tại Thế vận hội 1936 ở Berlin và đánh đổ quan điểm của Hitler về người “Aryan thượng đẳng”, Jesse Owens, người Mỹ da màu, đã trở thành một trong những vận động viên huyền thoại của lịch sử điền kinh thế giới.

Đường đến Olympic của chàng trai da đen

Năm 1936, Đức mời các quốc gia trên thế giới cử vận động viên đến Berlin dự Thế vận hội. Những nhà lãnh đạo của Đức Quốc xã hy vọng dịp này sẽ hợp pháp hóa chế độ và thể hiện năng lực thể thao của “chủng tộc thượng đẳng” Aryan. Nhưng Jesse Owens - một ngôi sao điền kinh người Mỹ da đen - đã khiến những dự tính của họ không thành công trọn vẹn.

Owens không chỉ vượt qua các vận động viên Đức trong Thế vận hội 1936, mà còn trở thành vận động viên điền kinh người Mỹ đầu tiên giành được bốn Huy chương Vàng tại một kỳ Olympic. Ông đã giành chiến thắng ở các nội dung chạy 100 mét, chạy 200 mét, nhảy xa và tiếp sức 4 × 100 mét.

Chỉ trong ngày thứ hai của cuộc thi tài, Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc xã, Joseph Goebbels, đã thể hiện sự giận dữ trong nhật ký của mình: “Người Đức chúng ta đã giành được một huy chương vàng, còn người Mỹ được ba, trong đó hai vận động viên chiến thắng là người da đen. Đó là một sự ô nhục. Người da trắng nên xấu hổ về bản thân mình”.

Sinh ngày 12 tháng 9 năm 1913, tại Oakville, Alabama trong một gia đình tá điền, James Cleveland Owens đã thể hiện khả năng chạy đua khi còn rất trẻ. Sau khi ông và gia đình chuyển đến Cleveland vào năm 1922 - nơi biệt danh “JC” của ông trở thành “Jesse” - Owens bắt đầu lập kỷ lục tại Trường Trung học Cơ sở Fairmount, chạy quãng đường 100 yard (91,44m) chỉ trong 11 giây. Chẳng bao lâu sau, ông còn lập kỷ lục ở môn nhảy cao và nhảy xa.

Từ đó, Owens thăng tiến nhanh chóng trên đường chạy. Năm 1933, ông giành chiến thắng ba nội dung tại Giải vô địch liên trường toàn quốc. Năm 1935, ông thi đấu cho Đại học bang Ohio (Columbus) trong giải điền kinh Western Conference và lập kỷ lục thế giới nội dung chạy 100 yard, phá kỷ lục thế giới nội dung chạy 220 yard (201,1m), vượt rào thấp 220 yard và nhảy xa.

Vào năm 1936, Jesse Owens và 311 vận động viên Mỹ khác tới Berlin, Đức để tham dự Thế vận hội. Năm đó, đại hội thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra dưới cái bóng của chế độ Đức Quốc xã bạo tàn.

van dong vien da den thach thuc duc quoc xa (1).jpg
Jesse Owens, vận động viên da đen thách thức Đức Quốc xã.

Bác bỏ quan điểm về chủng tộc thượng đẳng

Vào năm 1931, Ủy ban Olympic Quốc tế đã trao quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1936 cho Berlin như để thừa nhận sự trở lại của Đức với cộng đồng quốc tế sau Thế chiến thứ nhất, nhưng Adolf Hitler - người lên nắm quyền vào năm 1933 - ban đầu không tỏ ra mặn mà với sự kiện thể thao này vì nhận thấy không có nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels đã thuyết phục ông trùm rằng, các cuộc thi đấu mang tính quốc tế này có thể thúc đẩy “chính nghĩa” của Đức Quốc xã và chứng minh người Aryan là “chủng tộc thượng đẳng” thực sự. Vậy là Olympic Berlin 1936 được diễn ra như kế hoạch.

Trước đó, một số nước cân nhắc tẩy chay Thế vận hội 1936 do nhận thức được sự phân biệt đối xử ngày càng tăng của chế độ Đức Quốc xã đối với người Do Thái và đã mở rộng sang cả lĩnh vực thể thao.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ, Avery Brundage, ban đầu ủng hộ việc tẩy chay, nhưng rồi thay đổi quyết định sau khi Đức Quốc xã mời ông đến tham quan khu liên hợp thể thao mới xây dựng ở Berlin.

Các lãnh đạo Quốc xã hứa với Brundage rằng, 23 vận động viên Do Thái sẽ được mời đến trung tâm huấn luyện Olympic. Nhưng trên thực tế, chỉ có một vận động viên Do Thái, Helene Mayer, được phép thi đấu cho đội Đức trong Thế vận hội, vì cô có ông bà là người “Aryan”.

Chính dưới đám mây đen của chủ nghĩa bài Do Thái và phân biệt chủng tộc, câu chuyện về Jesse Owens và Thế vận hội 1936 mới trở thành đề tài thu hút.

Khi khách du lịch và vận động viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về Berlin vào mùa Hè năm 1936, họ chứng kiến một thành phố đầy cờ Olympic và cờ hình chữ thập ngoặc nhưng không nhìn thấy những tấm biển chống Do Thái, do đã được dỡ bỏ trước đó không lâu.

Vào ngày 1 tháng 8, Olympic 1936 khai mạc hoành tráng ở Berlin. Và chỉ vài ngày sau, Jesse Owens đã chứng minh sự rỗng tuếch trong huyền thoại phân biệt chủng tộc của Đức Quốc xã về sức mạnh vượt trội của người Aryan.

Vào ngày 3 tháng 8, ông đã giành Huy chương Vàng ở nội dung chạy 100 mét. Hôm sau, đánh bại nhà vô địch người Đức, Luz Long, ở nội dung nhảy xa. Vào ngày 5 tháng 8, Owens lại giành chiến thắng ở nội dung chạy 200 mét và sau đó vào ngày 9 tháng 8, giành được Huy chương Vàng thứ tư ở nội dung tiếp sức 4×100 mét.

Tuy nhiên, chiến thắng thứ tư này pha lẫn nỗi buồn vì Owens biết rằng ông và một vận động viên da đen khác đã thay thế hai vận động viên Do Thái được cho là sẽ thi đấu trong cuộc đua đó. Owens ban đầu phản đối sự thay đổi vào phút cuối này, nhưng ông đã bị huấn luyện viên mắng mỏ và ra lệnh: “Anh phải thực hiện những gì được yêu cầu”.

Bất chấp những cảm xúc mâu thuẫn về chiến thắng cuối cùng của mình, Jesse Owens đã trở thành vận động viên điền kinh người Mỹ đầu tiên giành được 4 Huy chương Vàng trong một kỳ Thế vận hội, một kỷ lục tồn tại cho đến năm 1984. Và những chiến thắng của ông đã xô đổ sự tự mãn của Đức Quốc xã về tính ưu việt của chủng tộc Aryan.

Trên thực tế, có tin đồn lan truyền rằng, Hitler đã cố tình làm bẽ mặt Jesse Owens bằng cách từ chối bắt tay ông sau chiến thắng. Sự thật là trùm Quốc xã đã không công khai chúc mừng bất kỳ vận động viên nào sau ngày thi đấu đầu tiên, khi ông ta được yêu cầu đối xử bình đẳng với các đối thủ.

van dong vien da den thach thuc duc quoc xa (4).jpg
Bảng đồng vinh danh kỷ lục của Jesse Owens tại ĐH Michigan.
van dong vien da den thach thuc duc quoc xa (5).jpg
Tem in hình Jesse Owens phát hành năm 1998.

Sau ánh hào quang

Mặc dù Jesse Owens là vận động viên thành công nhất của Olympic 1936, nhưng cuối cùng thì Đức vẫn giành được nhiều huy chương nhất. Ngay khi các du khách và vận động viên quốc tế về nước, cuộc đàn áp người Do Thái của Đức Quốc xã lại gia tăng. Gần đúng ba năm sau, Thế chiến thứ hai bắt đầu nổ ra vào năm 1939.

Trong khi đó, Jesse Owens nhận thấy rằng vị trí của ông trong xã hội Mỹ không thay đổi nhiều, bất chấp ông đạt được thành tích đáng kinh ngạc tại Thế vận hội. Mặc dù cả nước tự hào về vận động viên giành được 4 Huy chương Vàng Olympic, một kỷ lục lúc đó nhưng Tổng thống Mỹ, Franklin D. Roosevelt, đã không gặp Owens để chúc mừng.

van dong vien da den thach thuc duc quoc xa (3).jpg
Jesse Owens và vợ.

Jesse Owens nhận xét về cách mình bị đối xử sau Thế vận hội: “Khi tôi trở về quê hương sau tất cả những câu chuyện về Hitler, tôi không thể ngồi phía trước xe buýt. Tôi vẫn phải đi cửa sau. Tôi không thể sống ở nơi tôi muốn. Tôi không được mời bắt tay Hitler, nhưng tôi cũng không được mời đến Nhà Trắng để bắt tay tổng thống”.

Khi Owens nghe tin đồn Hitler đã hắt hủi ông tại Thế vận hội, ông nói, “Hitler không hắt hủi tôi - chính tổng thống của chúng ta đã hắt hủi tôi. Tổng thống thậm chí còn không gửi cho tôi một bức điện tín chúc mừng”.

Sau Thế vận hội 1936, Jesse Owens phải chật vật để tìm kiếm công việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Ông đã làm nhiều việc khác nhau trong nhiều năm, như đua xe nước rút nghiệp dư ở địa phương, mở một chuỗi cửa hàng giặt khô, nhưng công việc kinh doanh đều thất bại.

Thông qua một người bạn, ông tìm được việc làm tại Công ty Ford Motor và cuối cùng trở thành giám đốc bộ phận nhân sự dành cho nhân viên da đen, rồi giám đốc quan hệ công chúng.

Năm 1946, ông rời Ford và trở thành chủ sở hữu của Portland Rosebuds, một đội bóng chày chơi trong West Coast Baseball Association (WCBA). Tuy nhiên, sau hai tháng, WCBA đã giải thể.

Cuối cùng, Jesse Owens đã tìm được việc làm tại chính quyền Illinois, thường đến thăm các trường học trên khắp tiểu bang và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình về giáo dục thể chất. Ông đã đi khắp thế giới với tư cách là đại sứ thiện chí cho chính phủ Hoa Kỳ và đặt lịch diễn thuyết với nhiều khách hàng doanh nghiệp khác nhau.

Năm 1976 - rất lâu sau khi chế độ Đức Quốc xã sụp đổ - Jesse Owens đã nhận được lời chúc mừng được chờ đợi từ một tổng thống Mỹ và nhận Huân chương Tự do của Tổng thống Gerald R. Ford

Sau đó, Tổng thống Jimmy Carter đã trao tặng ông Giải thưởng Huyền thoại năm 1979, và năm 1990, Tổng thống George HW Bush đã truy tặng ông Huân chương Danh dự của Quốc hội.

Mặc dù kỷ lục thế giới của Owens đã bị phá, di sản thể thao của ông vẫn tiếp tục. Ông thuộc nhóm vận động viên đầu tiên được vinh danh ở Đại sảnh Danh vọng Olympic Mỹ năm 1983.

Owens kết hôn và sống với Ruth Owens trong 44 năm và có với nhau ba người con gái. Sau khi Jesse qua đời vào ngày 31 tháng 3 năm 1980 ở tuổi 66 vì bệnh ung thư phổi, Ruth tiếp tục di sản của chồng mình với tư cách là Chủ tịch lâu năm của Quỹ Jesse Owens, một tổ chức chuyên hỗ trợ sự phát triển của những người trẻ tuổi. Bà qua đời năm 2001 vì suy tim.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Caffeine - có trong cà phê, trà và ca cao - có thể tác động tích cực đến các tế bào tiền thân nội mô.

Thức uống tốt cho tim mạch

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới từ Đại học Sapienza (Italy) cho thấy, uống trà và cà phê có thể tốt cho tim mạch.