Từ việc lựa chọn phù hợp với bản thân
Thực tế cho thấy, trong những năm qua không chỉ có tình trạng sinh viên mới ra trường thất nghiệp mà nhiều sinh viên ra trường 2-3 năm vẫn chưa tìm được việc làm hoặc không tìm được ngành nghề phù hợp.
Rất nhiều học sinh đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp bị phụ thuộc vào gia đình có xu hướng chạy theo các nghề “hot” để theo kịp bạn bè, chứ không thực sự vì đam mê và đúng sở trường.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho biết, trong thời đại ngày nay, quan niệm về nghề nghiệp và sự thành công trong công việc đã có nhiều thay đổi. Đại học ngày càng chứng tỏ không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công và tấm bằng đại học không quan trọng bằng sự nỗ lực trong công việc.
“Đối với học sinh lớp 12, lựa chọn nghề nghiệp là một điều vô cùng quan trọng, quyết định đến tương lai của các em sau này. Mục đích cuối cùng của việc chọn nghề là sự đảm bảo về vật chất và giúp chúng ta có thể tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc cũng như được thăng tiến ở một vị trí cao hơn với những gì mà các em phấn đấu”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, có rất nhiều công việc không cần bằng đại học hay cao đẳng chuyên nghiệp, nhưng lại cần có những kỹ năng khác, đặc biệt là những kỹ năng có thể học được ở các cơ sở Giáo dục Nghề nghiệp. Làm tốt những công việc này, bạn vẫn có thể dễ dàng đạt được mục tiêu mà mình đề ra.
Thực tế tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa trong những năm qua, không ít trường hợp các em sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp không xin được việc làm, lại quay lại đi học nghề. Điều này gây ra sự lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền bạc. Trong khi đó, với học sinh, sinh viên của nhà trường, sau khi tốt nghiệp, đều dễ dàng tìm được việc làm ngay với mức lương bảo đảm, thậm chí có thể được các công ty đến tuyển dụng ngay trong lễ bế giảng.
Để học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp, cần có sự tư vấn định hướng của gia đình và các tổ chức xã hội. |
“Đối với học sinh lớp 12, các em hãy sáng suốt trong việc lựa chọn nghề nghiệp, xác định rõ mong muốn, mục tiêu, điều kiện của bản thân và gia đình. Không có con đường hay công thức chung cho thành công của tất cả mọi người, hãy sáng suốt lựa chọn cho mình một con đường phù hợp nhất” - ông Hùng nhắn nhủ.
Đến phù hợp nhu cầu thị trường lao động
Theo ông Hoàng Duy Xuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hoá, hiện nay thị trường lao động đang rất “khát” nguồn lao động chất lượng cao. Đất nước càng phát triển thì càng cần lao động chất lượng cao.
Đa phần doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải có tay nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, có kinh nghiệm làm việc và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc. Trong khi đó lao động phần đông là sinh viên mới ra trường và lao động phổ thông chưa qua đào tạo, thiếu kinh nghiệm, trình độ ngoại ngữ cũng như các kỹ năng làm việc còn hạn chế.
Ông Xuyên cũng cho rằng, hiện nay nhiều trường đào tạo ngành nghề chưa sát nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đó là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại khó tuyển lao động.
Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh Hoá dẫn chứng, một doanh nghiệp Hàn Quốc liên hệ tới Trung tâm với nhu cầu cần tuyển dụng lao động chất lượng cao đi làm ngay với mức lương 90-100 triệu đồng tiền Việt Nam. Thế nhưng, đã 3 tháng qua, vẫn chưa tìm được lao động phù hợp với các yêu cầu và điều kiện mà doanh nghiệp đặt ra.
“Đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp, bố mẹ cần nghiên cứu để định hướng cho con cái một cách đúng đắn và phù hợp. Cần hiểu rộng và có tính chất lâu dài, tương lai 5-10 năm tới về nhu cầu thị trường lao động, nhu cầu việc làm, bởi có thể thời điểm này, ngành nghề này phù hợp nhưng về lâu dài chưa hẳn đã phù hợp”, ông Xuyên nêu quan điểm.
Theo Phó GS, TS Bùi Văn Dũng, Hiệu Trường Đại học Hồng Đức, để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu thị trường lao động trong thời gian tới, Trường Đại học Hồng Đức xây dựng kế hoạch trong đó tiếp tục thực hiện tuyển sinh đào tạo những ngành truyền thống như các ngành sư phạm, khối kinh tế (kế toán, QTKD), CNTT, xây dựng, Luật, Du lịch…
Bên cạnh đó, tiếp tục khảo sát nhu cầu xã hội để mở mới ngành đào tạo để phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như công nghệ chế biến sau thu hoạch, logistics, dịch vụ, quản lý xây dựng…
Nhà trường sẽ thực hiện kết nối với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thực tập và tuyển dụng sinh viên. Ký kết, hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước để trao đổi giảng viên và sinh viên, công nhận chương trình và tín chỉ học tập lẫn nhau.
Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa họp ngày 28/7/2022, về xây dựng và phát triển Trường Đại học Hồng Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ ra một số hạn chế của trường, trong đó có một số nội dung, chương trình, cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa thực sự bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động…
Ban thường vụ yêu cầu Trường Đại học Hồng Đức cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và theo nhu cầu của thị trường lao động, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của khu vực, cả nước và quốc tế.