Sớm “vẽ đường” cho trò
Trong Chương trình GDPT mới, Giáo dục hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Nội dung hướng nghiệp gồm các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội. Nhằm cung cấp tri thức về nghề nghiệp, thị trường lao động; giúp học sinh tự đánh giá sở trường, nguyện vọng, quan niệm về giá trị và điều kiện của bản thân để lựa chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp. Chương trình có 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Chủ động hướng nghiệp đang là mục tiêu mà nhiều trường học ở TP Cần Thơ hướng đến. Không chỉ hướng nghiệp trong việc dạy, học tại nhà trường mà còn mở rộng cho học sinh tiếp cận các chuyên gia, nhà trường để mở rộng tầm mắt.
Các trường phổ thông từ bậc Tiểu học đến THPT ở Cần Thơ đều tổ chức công tác tư vấn hướng nghiệp học sinh với cách thức phù hợp điều kiện của mỗi đơn vị, cấp học. Như bậc THCS, nhiều trường tạo điều kiện học sinh lớp 8 và 9 trải nghiệm thực tế ở nhà máy, xí nghiệp, tham quan trường nghề trên địa bàn. Bậc THPT, bên cạnh các tiết học giáo dục hướng nghiệp trong lớp, nhà trường còn tổ chức nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp trực quan.
Một số trường THPT đã đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy tại đơn vị nhằm giúp học sinh nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, khơi gợi tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp, tự chủ, sáng tạo trong việc lựa chọn nghề nghiệp, đồng thời cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần có để khởi nghiệp.
Theo cô Trương Thị Đáng, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ), kinh nghiệm cũng như kỹ năng trong công tác định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh đóng vai trò rất quan trọng. Thầy cô giáo tại trường đã định hướng nghề cho học sinh từ những năm lớp 11, dựa vào kết quả học tập của các em cuối năm thầy cô cho những lời khuyên trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.
Bên cạnh đó, trường còn tổ chức những buổi tham quan và tiếp xúc trực tiếp một số trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, nhằm giúp học sinh có nhiều thông tin hơn về ngành nghề, về nhà trường, đồng thời giúp các em lựa chọn đúng đắn hơn về ngành học trong tương lai.
Chủ động hướng nghiệp giúp HS định hướng nghề nghiệp đúng đắn. |
Giúp trò định hướng nghề nghiệp đúng đắn
Theo Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An, nhiều năm đồng hành cùng công tác hướng nghiệp, có một mâu thuẫn lớn của học sinh đó là cố gắng học thật giỏi, thi điểm thật cao. Nhưng sau đó các em lại không biết nên học trường nào, ngành nào.
Việc chủ động hướng nghiệp từ sớm, linh động theo từng địa phương, đơn vị nhà trường ở TP Cần Thơ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ học sinh, phụ huynh, giáo viên… Qua đó giúp các em nhận thức nghiêm túc việc tìm hiểu bản thân, từ đó việc chọn ngành, chọn nghề sẽ đúng đắn, thực chất hơn.
Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An nhấn mạnh: Thực tế có rất nhiều sinh viên biết mình chọn sai nghề, nhưng không đủ can đảm để học lại, thi lại, "đâm lao phải theo lao". Có trường hợp khả quan hơn, dũng cảm và nghiêm túc tìm kiếm đam mê cho mình, thì họ cũng đã phí nhiều năm ngồi trên giảng đường, tốn thời gian, phí công sức, mất tiền bạc...
Năm học 2021 - 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải ngừng đến trường nhưng TP Cần Thơ linh động hướng nghiệp bằng hình thức trực tuyến. Tham gia chương trình, học sinh được các chuyên gia tư vấn, giải đáp những thắc mắc liên quan đến phương pháp chọn đúng ngành, đúng nghề, phù hợp với năng lực, đam mê. Bí quyết giữ sức khoẻ tốt trong mùa thi; dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động tại Cần Thơ và cả nước…
Để đảm bảo mục tiêu hướng nghiệp, trước khi diễn ra chương trình, ban tổ chức thực hiện khảo sát từng học sinh để thiết kế chương trình tư vấn phù hợp với nhu cầu, mong đợi, nhằm giải đáp triệt để thắc mắc của các em.
Qua khảo sát, ban tổ chức nhận về hơn 12.000 phiếu khảo sát của học sinh TP Cần Thơ. Trong đó ghi nhận những kết quả hết sức bất ngờ, với hơn 55% học sinh không biết cách chọn ngành, nghề phù hợp; 45,2% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì; 77,6% mong muốn được tư vấn cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực và đam mê bản thân.
Theo thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), tư vấn, hướng nghiệp trong giai đoạn hiện nay không chỉ giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân mà còn giúp các em có định hướng nghề nghiệp đúng đắn trong tương lai, đồng thời hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các em trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
Do đó, nhà trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn, linh hoạt các điều kiện giảng dạy tại đơn vị, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối học sinh và phụ huynh để tư vấn, hướng nghiệp đạt hiệu quả…