Hướng mở cho giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã có những chính sách khuyến khích phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn.

Khuyến khích phát triển các trường mầm non ngoài công lập.
Khuyến khích phát triển các trường mầm non ngoài công lập.

Nhiều kết quả tích cực

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo điều hành kịp thời của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của người dân nên tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Sơn Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống và nhu cầu cho con em đến trường của người dân ngày càng tăng lên.

Cùng với đó, huyện Sơn Dương cũng thu hút được nhiều lao động từ các địa phương khác đến làm việc và sinh sống. Dự kiến một vài năm tới, số trẻ mầm non ra lớp sẽ tăng cao, quy mô các trường mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu của phụ huynh gửi con đến trường nên việc thành lập các nhóm trẻ, lớp mầm non tư thục trên địa bàn huyện có chiều hướng phát triển mạnh.

Trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên (tổ dân phố Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương) là ngôi trường mầm non tư thục đầu tiên của huyện được đầu tư đồng bộ, có cơ sở vật chất hiện đại, khu vui chơi khép kín với tổng diện tích trên 4.000 m2 được đưa vào hoạt động cuối năm 2017. Trường có hơn 70 trẻ ở 3 nhóm lớp, chủ yếu học sinh thuộc địa bàn thị trấn Sơn Dương, góp phần đảm bảo huy động trẻ trong độ tuổi mầm non tới trường tại địa phương.

Theo cô Cao Thị Thanh Ngân, giáo viên nhà trường: “Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, bảo đảm môi trường thân thiện, an toàn, nhà trường luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Chuyến đi trải nghiệm thực tế của cô và trò trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên.

Chuyến đi trải nghiệm thực tế của cô và trò trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên.

Hiện tại, nhà trường có 7 giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn; hàng năm nhà trường đều cử giáo viên đi học những lớp nâng cao nghiệp vụ để từng bước đổi mới giáo dục theo hướng mở, mục tiêu của nhà trường là giúp trẻ tự học, tự chơi, thể hiện khả năng tư duy, khám phá, cô giáo chỉ đóng vai trò là người quan sát, hỗ trợ, để từ đó hình thành ở trẻ thói quen suy nghĩ một cách độc lập, sáng tạo. Ngoài giờ học, trẻ được trải nghiệm tại trường, giáo viên sẽ giúp trẻ có thêm nhiều kỹ năng sống, giúp trẻ linh hoạt, tự tin trong giao tiếp với mọi người.

Phụ huynh có con theo học tại trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên cho biết: “Do đặc thù công việc đi sớm về muộn nên tôi lựa chọn gửi con tại cơ sở mầm non tư thục. Tại đây, các con được học tập trong môi trường giáo dục hiện đại, đầy đủ cơ sở vật chất, dụng cụ học tập, cô giáo cũng thường xuyên có sự tương tác với các bậc phụ huynh về tình hình phát triển của con, điều này giúp tôi yên tâm hơn khi gửi con mình tại trường”.

Nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ

Huyện Sơn Dương luôn xác định bậc học mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ nói riêng và con người nói chung. Đặc biệt, trong điều kiện giáo dục công lập chưa đáp ứng hết được nhu cầu của người dân, vì thế, trong những năm qua, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách trong hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển.

Huyện đã chỉ đạo các trường mầm non công lập trên cùng địa bàn xã, thị trấn hỗ trợ chuyên môn cho các trường tư thục, đặc biệt là các cơ sở mới thành lập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại các cơ sở này.

Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, hiểu rõ hơn về giáo dục mầm non ngoài công lập, vừa làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ trong độ tuổi. Việc cho trẻ đi học sớm và việc thành lập các nhóm trẻ ngoài công lập là mục tiêu giúp người dân yên tâm công tác, lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Phòng GD&ĐT huyện cũng đã thường xuyên khen thưởng, biểu dương những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành hoạt động linh hoạt, sáng tạo, biết áp dụng những những tiến bộ khoa học hiện đại, tiên tiến vào chăm sóc và giảng dạy cho trẻ.

Từ Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Phòng GD&ĐT huyện Sơn Dương đã hỗ trợ mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho 7 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với tổng số tiền là 260 triệu đồng; Hỗ trợ kinh phí trả lương giáo viên cho 08 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với tổng số tiền là trên 1 tỷ 400 triệu đồng.

Tiết học viết của cô và trò tại cơ sở Mầm non Huyền Linh.

Tiết học viết của cô và trò tại cơ sở Mầm non Huyền Linh.

Theo cô Nghiêm Thị Nga, chủ cơ sở mầm non Huyền Linh (Thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương) cho biết: Hiện tại cơ sở có 107 học sinh được chia thành 4 nhóm lớp. Để có được môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho trẻ đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, yêu trẻ.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của địa phương và Phòng GD&ĐT huyện, cơ sở mầm non Huyền Linh đã được phòng hỗ trợ kinh phí để trả lương cho giáo viên, điều này giúp giáo viên ổn định cuộc sống và gắn bó với nghề hơn”.

Theo cô giáo Lâm Thị Lượng, giáo viên tại cơ sở mầm non Huyền Linh chia sẻ: “Tôi công tác tại cơ sở từ năm 2019, làm việc tại đây, tôi được chi trả đầy đủ các chế độ chính sách và tiền lương, mỗi tháng tôi còn được Phòng GD&ĐT huyện hỗ trợ 1.700.000 đồng, vì thế, tôi thấy rất vui và yên tâm công tác”.

Với sự chỉ đạo sát sao cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay huyện Sơn Dương đã đạt được những kết quả bước đầu về phát triển các nhóm trẻ.

Trong năm học 2023 - 2024, trên địa bàn huyện đã thành lập mới được 1 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; mở thêm 4 lớp mẫu giáo, 1 nhóm trẻ tại các cơ sở mầm non ngoài công lập. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Sơn Dương có 1 trường mầm non tư thục và 7 cơ sở độc lập với 12 nhóm trẻ, 10 lớp mẫu giáo với tổng số 610 trẻ đạt 4,6% (tăng 1,5% so với năm học 2022-2023).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.