Thái Nguyên giải quyết bài toán thiếu giáo viên trong năm học mới

GD&TĐ - Vừa qua, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết về việc giao số lượng hợp đồng lao động giảng dạy nhằm giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Thái Nguyên giao gần 3.000 chỉ tiêu lao động hợp đồng lĩnh vực giáo dục. Ảnh minh hoạ.
Thái Nguyên giao gần 3.000 chỉ tiêu lao động hợp đồng lĩnh vực giáo dục. Ảnh minh hoạ.

Trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh Thái Nguyên có 694 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với trên 10.900 nhóm lớp, trên 351 nghìn học sinh. Với số lớp như vậy, tỉnh Thái Nguyên cần trên 22.000 biên chế giáo viên.

Thế nhưng, tính đến tháng 9/2023, các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên chỉ có 18.191 biên chế, hiện còn thiếu 4.222 biên chế so với định mức quy định. Trong đó, số biên chế còn thiếu cấp học mầm non là 1.547, cấp tiểu học là 1.180, cấp trung học cơ sở là 1.298, cấp trung học phổ thông là 197.

Trong năm học 2022 – 2023 vừa qua, mặc dù các địa phương đã triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Năm học 2022 – 2023, sau khi được Chính phủ bổ sung 1.157 biên chế giáo dục cho tỉnh Thái Nguyên, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương triển khai tổ chức tuyển dụng theo đúng quy định.

Cụ thể, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT đã tuyển dụng được 50 viên chức trong 58 chỉ tiêu; các đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện tuyển dụng được 1.270 viên chức trong 1.295 chỉ tiêu (mầm non: 533/536, tiểu học: 494/502, THCS: 23/251, GDTX: 6/6).

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo đủ định mức theo quy định và duy trì nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng tiến hành sắp xếp lại đơn vị trường học, giảm quy mô trường nhỏ lẻ, điểm trường, giúp cho học sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập tốt hơn, giảm số lượng định mức giáo viên. Mặc dù đưa ra nhiều giải pháp nhưng số lượng giáo viên hợp đồng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số giáo viên.

Ngoài ra, cơ chế hợp đồng còn có nhiều bất cập bởi giáo viên dạy giờ nào mới được thanh toán kinh phí giờ đó, trong khi ngoài đứng lớp giảng dạy giáo viên còn phải làm nhiều việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Vì vậy, việc bổ sung số lượng hợp đồng lao động giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết. Vừa qua, tại kỳ họp thứ XV (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết về việc giao số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 111 của Chính phủ tại các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh quản lý năm học 2023 - 2024.

Nghị quyết được ban hành sẽ giúp cho các thầy, cô giáo yên tâm công tác và tạo điều kiện cho các nhà trường có đủ đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Nghị quyết được ban hành sẽ giúp cho các thầy, cô giáo yên tâm công tác và tạo điều kiện cho các nhà trường có đủ đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ bổ sung 2.916 hợp đồng; cấp học mầm non được giao 1.075 hợp đồng, cấp tiểu học 811 hợp đồng, cấp trung học cơ sở 894 hợp đồng và cấp trung học phổ thông 136 hợp đồng. Dự kiến kinh phí thực hiện Nghị quyết này là trên 210 tỷ đồng. Theo Nghị quyết, TP. Thái Nguyên được giao số lượng hợp đồng nhiều nhất với 622 chỉ tiêu, tiếp đến là các huyện Đại Từ, Phú Bình và TP. Phổ Yên.

Cô Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng trường Mầm non 19/5, TP. Thái Nguyên chia sẻ: “Khi nghị quyết của HĐND tỉnh Thái Nguyên về việc giao số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 111 của Chính phủ được thực hiện sẽ tạo điều kiện để các thầy cô được hưởng mức lương như viên chức của ngành giáo dục hiện nay, từ đó giúp cho các thầy, cô giáo yên tâm công tác”.

Có thể thấy, khi Nghị quyết được triển khai vào thực tiễn sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nhiều giáo viên dạy học hiện nay tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập. Đồng thời góp phần giảm áp lực, nâng cao chất lượng công tác dạy học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.