ĐH không phải con đường duy nhất
Mặc dù nhận định trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã có thể huy động nguồn cung nhân lực trẻ, được đào tạo, để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo cần nhiều lao động. Tuy nhiên, ADB lại chỉ ra rằng, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng của người lao động, khi mà khoảng cách giữa trình độ người lao động và nhu cầu đòi hỏi của doanh nghiệp ngày càng lớn. Ông có thể phân tích rõ hơn về khuyến nghị đó?
Ông Aaron Batten: Kỹ năng nghề rất quan trọng. Diễn đàn Kinh tế thế giới đã chỉ ra “thiếu lao động được đào tạo” là rào cản lớn thứ 2 khi doanh nghiệp làm ăn kinh doanh ở Việt Nam.
Các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, việc tuyển dụng lao động vào những công việc đòi hỏi kỹ năng cao là thách thức lớn nhất cho hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Đáng nói là trong đó có tới 70% ‐ 80% ứng viên vào các vị trí quản lý và kỹ thuật được cho là không đủ trình độ.
Bởi thế, thu hẹp khoảng cách kỹ năng nghề nghiệp của lực lượng lao động với yêu cầu của doanh nghiệp là nhân tố then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì tăng trưởng. Theo tôi, cần phải có điều kiện tiếp cận tốt hơn đối với GD ĐH và GD dạy nghề của Việt Nam.
Nhưng quan trọng nữa là cần phải cải thiện chất lượng GD ‐ ĐT chứ không phải chỉ đổi mới về cách tiếp cận của GD ‐ ĐT mà thôi. Chỉ chưa đầy 20% người lao động Việt Nam được đào tạo nghề bài bản. Khoảng cách kỹ năng ngày càng tăng. Giáo dục ĐH và đào tạo nghề đang không theo kịp
Hiện nay, có nhiều HS, SV Việt Nam đi du học vì mong muốn được đào tạo tốt hơn, có bằng cấp giá trị hơn. Nhưng theo tôi biết rất nhiều chương trình học tập và đào tạo ở nước ngoài hoàn toàn có thể thực hiện ở Việt Nam.
Nếu như chương trình giảng dạy, đào tạo ở Việt Nam được cải thiện thì nhiều người không cần phải du học, hoàn toàn có thể học ngay tại Việt Nam vẫn có thể được đào tạo tốt, vẫn có thể có việc làm tốt.
Tôi xin nhấn mạnh sẽ có thể làm như vậy nếu ngành GD ‐ ĐT Việt Nam thực hiện được những cải cách cần thiết về các chương trình GD, chương trình
ĐT. DN phải được tham gia sâu hơn vào đào tạo nghề
Tâm lý xã hội vẫn coi nặng bằng cấp, coi nặng việc cần phải được học ĐH. Mặt khác thì doanh nghiệp sử dụng lao động quan hệ còn lỏng lẻo với các cơ sở đào tạo trong việc hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu. Với kinh nghiệm nhìn thấy từ nhiều quốc gia có tình huống tương tự Việt Nam, ông có thể chia sẻ gì với chúng tôi?
Ông Aaron Batten: Chúng ta thấy rằng hiện nay rất nhiều HS, SV Việt Nam đi du học ở nước ngoài, chính bởi vì người dân đã nhận ra có những khuyết thiếu trong hệ thống GD trong nước. GD ĐH và trung học chuyên nghiệp không chỉ nên nằm trong tay Nhà nước với hệ thống các trường công lập, mà cần phải được tư nhân hóa.
Phải có sự tham gia của GD ‐ ĐT tư nhân và cả các doanh nghiệp nữa, trong việc phát triển và cung cấp dịch vụ về đào tạo, kể cả trong việc thiết kế chương trình đào tạo, thực hiện chương trình đào tạo, cũng như tăng cường mối liên hệ trong đào tạo giữa trường học và doanh nghiệp.
Sự tham gia của tư nhân cùng sự kết hợp sâu hơn giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp hết sức quan trọng, điều này giúp cơ sở đào tạo không chỉ đầy đủ hơn kỹ năng về chuyên môn mà còn cả về kỹ năng quản lý chương trình đào tạo.
Ông Eric Sidgwickl:Tôi nghĩ điều tích cực ở đây là có rất nhiều tiềm năng để cải thiện kỹ năng nhân lực làm việc cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Vì chúng ta thấy ở Việt Nam đã có sự tham gia của khu vực tư nhân (doanh nghiệp tư nhân) vào đào tạo nghề nghiệp. Điều này hết sức quan trọng, không chỉ bởi tư nhân họ biết doanh nghiệp đang cần những kỹ năng gì, cần những tay nghề gì…
Mà doanh nghiệp tư nhân chính là đối tượng có thể sẵn sàng chi trả tiền để những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho người lao động được dạy trong cơ sở đào tạo nghề.
Hơn nữa, theo tôi, sự tham gia sâu rộng hơn của tư nhân vào đào tạo nghề ở các cơ sở GD‐ ĐT tư nhân là một tiền đề tài chính tốt cho Việt Nam đổi mới đào tạo.
Nhà nước sẽ không phải chi trả nhiều ngân sách cho GD ‐ ĐT, trong đó bao gồm cả việc xây dựng những kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với đòi hỏi của doanh nghiệp, phù hợp nhu cầu xã hội. Bởi những kỹ năng nghề nghiệp phù hợp thì ở doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng thực hiện.
Tôi biết đã có rất nhiều chương trình đào tạo kỹ năng mà doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng bỏ tiền ra để có thể trang bị kỹ năng cho người lao động.
Hướng đi mà đào tạo nghề ở Việt Nam nên “theo đuổi” để giải quyết thách thức khoảng cách giữa “cung” và “cầu” lao động là gì, thưa ông?
Ông Eric Sidgwickl:Theo tôi, Việt Nam cũng đang có những hướng đổi mới rất lớn trong GD ĐT, do đó Chính phủ cần phải biết có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng bỏ tiền tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực để người lao động khi làm việc cho doanh nghiệp được trang bị những kỹ năng phù hợp với đòi hỏi của nghề nghiệp. Hướng đi tư nhân hóa trong GD ‐ ĐT là hướng đi mà Việt Nam nên theo đuổi.
Qua tìm hiểu tôi thấy rằng, ở Việt Nam cũng có những cơ sở đào tạo nghề của tư nhân, song cũng có rất nhiều cơ sở đào tạo của Nhà nước. Nhưng việc quản lý các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước lại trải ra hết cả 63 tỉnh thành và hơn 20 Bộ, ngành ở Việt Nam.
Theo tôi, việc quản lý và cấu trúc quản lý đào tạo nghề hiện nay vẫn còn manh mún. Cần phải có cấu trúc quản lý các cơ sở đào tạo nghề cần tốt hơn, chặt chẽ hơn, hợp lý hơn. Bởi những kỹ năng mà thị trường lao động cần có trong hiện tại cũng như trong tương lai cần phải được tập trung rất nhiều trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Chính vì thế mà vấn đề tiếp cận quan điểm về chương trình đào tạo rất quan trọng.
Hiện nay, cách tiếp cận của chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động rồi, trong khi chất lượng đào tạo là điều quan trọng hơn cả ‐ nhằm đảm bảo rằng những người tốt nghiệp một chương trình đào tạo nghề thì phải làm được việc, đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp.
Ông Aaron Batten: Theo tôi Hệ thống GD ‐ ĐT cần phải thích ứng rất nhanh chóng trước đòi hỏi của nền kinh tế, của hoạt động doanh nghiệp. Bởi nếu không thì không chỉ nền kinh tế mà chính GD ‐ ĐT cũng sẽ tụt hậu và đối diện với nhiều thách thức.
Xin cảm ơn trả lời của các ông!
“Kỹ năng nghề của người lao động hiện nay rất cần được cung cấp chương trình đào tạo tốt hơn ngay trong nước, để duy trì sự linh hoạt của thị trường lao động, để giúp cho người lao động có thể điều chỉnh năng lực làm việc của bản thân, một cách nhanh nhẹn, linh hoạt hơn trong thị trường lao động. Và như thế, người lao động sau khi học một chương trình đào tạo nghề có thể làm việc cho các nhà tuyển dụng khác nhau, mà không bị “chốt cứng” chỉ có thể làm việc ở một ngành nghề nào đó”. Ông Eric Sidgwickl