Hướng đi mới trong bảo tồn di sản

GD&TĐ - Trong quá trình đổi mới, mở cửa, giao lưu hội nhập với thế giới, việc khai thác giá trị của di sản gắn du lịch di sản là hình thức quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.    

Hướng đi mới trong bảo tồn di sản

Hành trình kết nối du lịch với di sản

Nhằm đưa Nhà hát Lớn trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, ngày 6/9, BQL Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức lễ khai trương mở cửa tham quan Nhà hát Lớn với chủ đề “Lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống”.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên tại buổi mở cửa tham quan Nhà hát Lớn cho rằng, Nhà hát Lớn Hà Nội là một di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Theo đó, Bộ VH,TT&DL muốn làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa bằng cách quảng bá giá trị đó đến đông đảo bạn bè và công chúng.

Đây là cơ hội để giới thiệu với đông đảo bà con trong nước và quốc tế về những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là một dịp để nhân dân cả nước có cơ hội được đến thăm, thưởng thức cũng như cảm nhận nét văn hóa đặc trưng của Nhà hát Lớn.

Việc mở cửa Nhà hát Lớn mới chỉ mang tính chất thử nghiệm nhưng được đông đảo du khách hưởng ứng.

Anh Trần Văn Tá (Trần Nhật Duật, Hà Nội) cho biết: “Tôi là người Hà Nội, đi qua Nhà hát Lớn rất nhiều lần rồi nhưng hôm nay mới là lần đầu tiên được bước chân vào đây. Cảm nhận đầu tiên là công trình này có kiến trúc rất hoành tráng và mang vẻ đẹp cổ điển của Pháp. Bên cạnh đó, được thưởng thức các chương trình nghệ thuật Việt Nam, được tham quan một công trình kiến trúc rất cổ điển có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Tôi thấy đây là một điều rất thú vị”.

Thành công từ sự kết nối

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL), hiện nay trên cả nước có khoảng trên 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Cộng thêm vào đó là gần 1.000 di sản phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, lưu trữ. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa là điều hết sức cần thiết.

Thực tế đã chứng minh, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn là những điểm sáng trong khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch, tạo giá trị kinh tế - xã hội phục vụ người dân. Trong đó, Hội An đóng vai trò quan trọng, đồng thời cũng là điển hình trong việc giải quyết tốt vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; điều hòa lợi ích của cộng đồng với các bên tham gia hoạt động du lịch, xây dựng được môi trường du lịch văn minh.

Ngay tại Hà Nội, việc mở cửa chính thức đón khách tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ tạo thêm một sản phẩm du lịch khi du khách đến với Thủ đô.

Kết nối du lịch và di sản văn hóa được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Làm thế nào để biến những mảnh đất giàu tiềm năng văn hóa, di sản trở thành điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang thương hiệu riêng vẫn là trăn trở của những nhà văn hóa.

Giá trị của di sản là không giới hạn nếu những người làm du lịch biết cách khai thác và phát huy một cách hiệu quả. Điều quan trọng là phải làm thế nào để tận dụng, phát huy hết lợi thế đó, đồng thời có thể tạo ra các gói sản phẩm du lịch từ di sản để giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc từng vùng miền đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ