Văn hóa bắt tay cùng du lịch: Đừng lãng phí tiềm năng

GD&TĐ - Khai thác văn hóa truyền thống vào du lịch là cách làm đang được nhiều lữ hành đơn vị du lịch triển khai. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế tiềm năng và những kết quả thu được đã cho thấy chúng ta chưa có sự khai thác hiệu quả, nguồn lực vẫn còn để phí. Du lịch văn hóa và làng nghề truyền thống đã và đang đòi hỏi được đầu tư, khai thác có chiến lược, chiều sâu hơn nữa.

Văn hóa bắt tay cùng du lịch: Đừng lãng phí tiềm năng

Tiềm năng dồi dào

Hiện cả nước có hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, một số có giá trị nổi bật toàn cầu.

Từ năm 1993 đến nay, UNESCO đã tôn vinh gần chục di sản văn hóa và thiên nhiên nước ta là di sản thế giới; Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù cũng là những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO tôn vinh.

Việt Nam cũng may mắn có được nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc. Đó là nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia, số khách tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) từ chỗ khai thác du lịch thô sơ, gần như con số không đã lên tới khoảng hàng chục nghìn lượt người trong các năm gần đây.

Tại phố cổ Hội An, lượng khách du lịch đã tăng đáng kể sau khi nơi đây được công nhận là di sản thế giới. Không chỉ khách trong nước háo hức tìm hiểu mà khách nước ngoài cũng coi đây như một tour du lịch không thể bỏ qua.

Cũng như văn hóa, mỗi di sản làng nghề đều chứa đựng những thông tin hấp dẫn, mới lạ với du khách. Khi tham quan, khảo sát di sản và làng nghề, du khách có thể biết một số nét đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử và hình dung ra sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Có thể nói, không kém phần quan trọng và đặc sắc, mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống cũng đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam.

Các làng nghề thường nằm trên trục đường giao thông, cả đường sông lẫn đường bộ không chỉ tạo điều kiện lưu thông hàng hóa mà tiện xây dựng tour, tuyến du lịch. Khi du lịch làng nghề, du khách không chỉ được ngắm khung cảnh làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia làm sản phẩm.

Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống. Thông qua hoạt động phục vụ du lịch tại di sản, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn đã được phục hồi, phát triển mạnh mẽ như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), mây tre Phú Vinh (Hà Nội)...

Tiềm năng bỏ phí

Hiệu quả nhìn thấy rõ ràng, song việc khai thác các tiềm năng di sản văn hóa và làng nghề thủ công truyền thống vào phát triển du lịch Việt Nam hiện nay chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Nhiều di sản văn hóa chưa được kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và khai thác đã xuống cấp nghiêm trọng.

Việc quản lý các khu di sản, làng nghề còn lỏng lẻo, không rõ ràng, chồng chéo, không thống nhất dẫn đến không có người chịu trách nhiệm cụ thể. Điều đó khiến khu du lịch dí sản văn hóa, làng nghề truyền thống lộn xộn, vệ sinh môi trường lỏng lẻo, không đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

Đơn cử, với trường hợp của làng nghề Bát Tràng. Bao năm nay nếu được đầu tư tốt và có chiều sâu hơn làng nghề Bát Tràng hoàn toàn có thể trở thành điểm đến thú vị bởi lợi thế riêng (Làng nghề truyền thống; Tiện đường giao thông; Bản sắc văn hóa riêng rõ nét....).

Nhưng đến nay, lượng khách đến Bát Tràng dường như không có sự đột biến về số lượng và hơn thế khách du lịch không khỏi ngao ngán về sự nhàm nhạt, thiếu đầu tư từ cơ sở hạ tầng tới các dịch vụ du lịch. Khách vẫn chỉ loanh quanh với nặn bát, bình hoa, tô tượng… tới nhàm chán. Với cách làm du lịch kiểu này, người tham quan sẽ không trụ quá một ngày và cảm thấy không có sức hút cần quay lại lần nữa.

Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ở Việt Nam cũng nhận định, phần lớn dân số Việt Nam vẫn đang sống ở nông thôn, văn hóa nông nghiệp đã thấm sâu vào tâm hồn Việt Nam và trở thành bản sắc văn hóa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh đã khiến các làng nghề truyền thống có khả năng biến mất nếu không được quản lý phù hợp.

Du lịch văn hóa trở thành sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, ở nước ta, việc phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Với nhiều di sản có giá trị, chúng ta chưa bảo tồn và khai thác tốt, một số đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Với các di sản tầm thế giới, việc đầu tư phát triển du lịch cũng lộn xộn, thiếu kế hoạch đồng bộ và dài hơi… Điều đó không có lợi cho bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch.

Không nói đâu xa, Hà Nội có một kho di sản văn hóa vô giá. Sự độc đáo, hấp dẫn có thể thấy được từ những công trình kiến trúc, kho tàng nghệ thuật, di tích khảo cổ học, văn hóa ẩm thực… cho đến danh lam thắng cảnh.

Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch chưa tương xứng với thế mạnh của Thủ đô. Ngoài một số điểm đến thường xuyên của du khách bấy nay, Hà Nội còn rất nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch chưa được đầu tư phát triển xứng đáng với tiềm năng.

Phát triển du lịch qua văn hóa và làng nghề truyền thống sẽ trở thành thế mạnh cho ngành du lịch Việt nói chung đồng thời thông qua đó quảng bá thêm cho văn hóa nói riêng. Tuy nhiên việc khai thác đúng tiềm năng dường như vẫn còn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng hiện nay cho cả du lịch và văn hóa.

Để đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa và làng nghề truyền thống, theo các chuyên gia nghiên cứu về du lịch thì việc chúng ta cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của phát triển du lịch trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với văn hóa, đặc biệt là trong đầu tư, bảo tồn và sử dụng di sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.