Mặc dù trong những năm gần đây đã có quy hoạch các trường dạy nghề, song vẫn còn nhiều trường dạy nghề không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB&XH), năm 2014, Tổng cục không cấp chỉ tiêu cho những trường nhiều năm liên tục không tuyển đủ chỉ tiêu và đi theo định hướng cấu trúc lại hệ thống trường nghề bằng cách sáp nhập lại với nhau…
Trường công gặp khó… trường tư “sống khỏe”
Nhận xét về thực trạng tuyển sinh học nghề, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng: Việc trường nghề vắng học sinh cần xét trên nhiều góc độ, nhiều trường không tuyển sinh được là điều bình thường. Trong quá trình vận động của thị trường, nhiều ngành nghề trước đây rất “hot” nhưng hiện nay lại bị hạn chế hoặc vắng người học. Thị trường luôn luôn thay đổi, cơ sở đào tạo nghề không thể “ngồi một chỗ” chờ nguồn lực đến mà phải vận động theo nhu cầu của thị trường. Trường nghề có tuyển được người học hay không cũng còn phụ thuộc vào năng lực người đứng đầu. Hiệu trưởng phải có năng lực của giám đốc doanh nghiệp. Bởi trường nghề có 3 chức năng đào tạo, chuyển giao công nghệ và gắn với sản xuất. Nếu không có sự chuyển đổi thích hợp thì việc gặp khó khăn trong tuyển sinh là điều tất yếu.
Tuy nhiên, bên cạnh những trường nghề công lập luôn “vật vã” trong công tác tuyển sinh thì không ít các trường nghề tư thục lại đang “sống khỏe”, dù họ phải tự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cũng như đội ngũ giáo viên. Theo đánh giá, các cơ sở dạy nghề này đã khẳng định được chất lượng đào tạo và nắm bắt đúng nhu cầu xã hội, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cung và cầu trong đào tạo, đảm bảo việc làm đầu ra cũng như kỹ năng sản xuất cho học viên sau tốt nghiệp có đủ năng lực, nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc trong doanh nghiệp.
Phát triển tư thục và giao quyền tự chủ
Vấn đề đặt ra cho thấy, hướng đi cho xã hội hóa dạy nghề là phát triển tư thục dạy nghề và giao quyền tự chủ cho các trường nghề công lập. Đây cũng chính là nhiệm vụ đặt ra cho ngành dạy nghề trong năm 2015 này. Chỉ ra những hạn chế trong đào tạo nghề, trong đó có vấn đề chất lượng đào tạo liên quan đến khả năng tuyển sinh của hệ thống trường nghề. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lưu ý, Bộ LĐ, TB&XH phải đánh giá lại hiệu quả, chất lượng đào tạo giữa các trường nghề công lập và tư thục, từ đó xây dựng lộ trình, phương hướng sắp xếp căn bản hệ thống đào tạo nghề sao cho tiết kiệm, thiết thực nhất.
Cần nhìn nhận thực sự bản chất về hiệu quả đầu tư và cơ cấu đào tạo của các trường nghề hiện nay, trong khi có nhiều ngành nghề dư thừa nhân lực thuộc lĩnh vực phi sản xuất thì trái lại nhân lực thuộc lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất trực tiếp lại đang thiếu trầm trọng. Khắc phục tình trạng này cần phải đẩy mạnh giao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường nghề công lập, đồng thời tích cực triển khai đề án xây dựng trường nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, công nhận bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân thực hành. Rà soát, sắp xếp lại hoạt động hệ thống trung tâm, sàn giao dịch việc làm công lập, tránh tình trạng bao cấp tràn lan, kém hiệu quả.
Thực tế, một số trường nghề tư thục đã và đang giải quyết tốt vấn đề đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Vì vậy, trong năm 2015, quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục Nghề nghiệp và triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, cần có sự ưu tiên trong chính sách và các điều kiện, cơ chế thuận lợi hơn để các trường nghề thuộc khối ngoài công lập phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.