Hướng dẫn học sinh vượt qua 'giặc lửa'

GD&TĐ - Hướng dẫn xịt nước, chữa cháy, cứu nạn… là những tình huống giả định được lực lượng PCCC & CNCH, Công an TP Đà Nẵng tuyên truyền.

Học sinh Trường Tiểu học & THCS FPT Đà Nẵng được cán bộ công an hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy mini dập lửa.
Học sinh Trường Tiểu học & THCS FPT Đà Nẵng được cán bộ công an hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy mini dập lửa.

Nâng cao kỹ năng chống 'giặc lửa' cho học sinh

Hiện nay, các trường học ở Đà Nẵng được đầu tư cơ sở vật chất mới, hoặc cải tạo với quy mô đầy đủ trang thiết bị dạy học. Vì vậy, để duy trì công việc học tập, đào tạo, nghiên cứu cần một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật, trong đó hầu hết là chất dễ cháy như bàn, ghế, hồ sơ, tài liệu... tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.

Bước vào mùa cao điểm nắng nóng và có nguy cơ dễ xảy ra hoả hoạn, thực hiện kế hoạch năm 2024 của Công an TP Đà Nẵng, các Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) thuộc các quận, huyện đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho giáo viên, nhân viên và học sinh.

Mới đây, Đội Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) phối hợp với Trường THPT Phan Châu Trinh và THPT Trần Phú tổ chức tuyên truyền và cho học sinh, giáo viên trải nghiệm thực hành chữa cháy, cách thoát hiểm trong lúc hoả hoạn.

Theo đó, học sinh, giáo viên và người lao động trong trường được chia sẻ, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ và thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà ở hộ gia đình, nơi tập trung đông người. Ngoài tuyên truyền kiến thức, học sinh còn được hướng dẫn di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói, trong không gian hạn chế, sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy, di chuyển người bị nạn, thoát nạn từ trên cao xuống bằng dây thả chậm, xe thang…

Vừa được hướng dẫn dùng bình chữa cháy mini để dập tắt đám cháy, em Hoàng Ngọc Quỳnh Nhi, học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Châu Trinh cho hay: “Em được truyền đạt những kiến thức rất bổ ích, giúp hiểu rõ hơn về nguyên nhân xảy ra các vụ cháy nổ để đề phòng và tuyên truyền cho mọi người nơi sinh sống. Ngoài ra, em còn được công an dạy về kỹ năng xử lý khi có đám cháy xảy ra. Điều quan trọng nhất là chúng em phải giữ được bình tĩnh để thoát ra khỏi đám cháy”.

Để sát với thực tế, tại Trường Tiểu học & THCS FPT Đà Nẵng, Đội Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an quận Ngũ Hành Sơn sau khi tuyên truyền đã đưa ra tình huống giả định một vụ cháy lớn trong khuôn viên trường.

Ở tình huống này, lực lượng PCCC cơ sở đã báo động, cúp cầu dao điện và gọi điện thoại báo cháy, đồng thời dùng bình chữa cháy mini để khống chế đám cháy, sơ tán học sinh, giải cứu người bị nạn, di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Lực lượng chữa cháy xuất hiện dập lửa, cứu người bị nạn và khống chế dập tắt đám cháy hoàn toàn.

Đây có thể xem là một trong những tình huống sát với thực tế được tạo ra. Điều này giúp tăng cường kỹ năng phòng cháy và cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, giáo viên và học sinh khi sự cố hỏa hoạn xẩy ra.

Thượng úy Nguyễn Hồng Linh - cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Đà Nẵng truyền đạt những kiến thức cơ bản về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Thượng úy Nguyễn Hồng Linh - cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Đà Nẵng truyền đạt những kiến thức cơ bản về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Hoạt động thiết thực và ý nghĩa

Tại Trường THPT Phan Thành Tài (TP Đà Nẵng), Đội Cảnh sát PCCC & CNCH - Công an huyện Hoà Vang đã chia sẻ cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh những kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn khi xảy ra sự cố, tình huống thoát cháy ở các công trình khác nhau, cách báo cháy cũng như phân biệt và sử dụng bình cứu hỏa dạng khí và bột…

Vừa được tuyên truyền, tập huấn về công tác PCCC tại trường, cô Trương Thị Hồng Cúc, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Phan Thành Tài (TP Đà Nẵng) cho hay, việc cảnh sát PCCC & CNCH tuyên truyền là rất hiệu quả, thiết thực và ý nghĩa đối với cả giáo viên và học sinh.

“Cán bộ cảnh sát PCCC đưa ra dẫn chứng thực tế từ những vụ việc đau lòng do chủ quan dẫn đến các vụ cháy lớn, gây thương vong cao. Không chỉ là tuyên truyền, công an còn có nhiều câu hỏi liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, thực hành phân biệt bình chữa cháy bằng khí và bột cũng như lưu ý khi sử dụng hai loại bình này.

Giáo viên và học sinh trực tiếp thực hiện chữa cháy bằng bình khí hay cách ứng phó sự cố khi mới xảy ra cháy. Những buổi tập huấn tuyên truyền như vậy rất thiết thực và hiệu quả, bởi kỹ năng phòng cháy, chữa cháy trong trường học và tại gia đình là điều hết sức quan trọng. Nó có thể giúp chúng ta hạn chế thấp nhất rủi ro khi hỏa hoạn xảy ra”, cô Cúc nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Thị Kiều Ngân - Giám đốc khối Tiểu học & THCS FPT Đà Nẵng cho hay, các phương án diễn tập giả định giúp thầy trò vững vàng tinh thần để ứng phó khi có sự cố cháy, nổ không mong muốn.

“Nhà trường mong muốn các học sinh được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng thực tế về công tác an toàn PCCC một cách trực quan, dễ hiểu và phù hợp với lứa tuổi của mình. Từ đó, không chỉ trang bị những kỹ năng cần thiết cho các em học sinh trong những tình huống nguy hiểm từ cháy, nổ mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội trong công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn tại nhà trường, gia đình và nơi sinh sống.

Bên cạnh các hoạt động tập huấn phòng cháy chữa cháy, trong thời gian tới, nhà trường sẽ lồng ghép thêm nhiều chủ đề, chủ điểm về kỹ năng sinh tồn, nhận biết và ứng phó với mối nguy hiểm trong các giờ sinh hoạt đầu tuần, các tiết hoạt động trải nghiệm hay các dự án liên môn để đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt quá trình học tập tại trường và cả nơi cư trú”, cô Ngân nêu quan điểm.

Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban về kết quả công tác PCCC & CNCH ở TP Đà Nẵng trong quý I/2024 cho thấy trên toàn địa bàn thành phố đã giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Đà Nẵng có các vụ cháy nhỏ, cháy nhà ở đơn lẻ và không để xảy ra vụ cháy lớn, gây chết người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ