Hướng dẫn đón học sinh "vùng xanh" trở lại trường, tư vấn, hỗ trợ tâm lí học sinh

GD&TĐ - Tuần qua, Bộ GD&ĐT liên tiếp ra các văn bản hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị cũng như các biện pháp củng cố chất lượng dạy học, hỗ trợ tâm lý,… khi học sinh trở lại trường.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Đón học sinh trở lại trường dựa trên cấp độ dịch

Trong tuần, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh ký ban hành văn bản số 4726 /BGDĐT-GDTC gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Theo văn bản này, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương căn cứ vào đánh giá, phân loại xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn phường/xã, cấp huyện, cấp tỉnh/thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp. 

Nguyên tắc đặt ra là nơi nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập và đảm bảo các biện pháp an toàn.

Theo công bố sáng 22/10 của Bộ Y tế, cả nước có 26 tỉnh, thành cấp độ 1 và 37 địa phương cấp độ 2, không có nơi nào ở cấp độ 3 và 4. Như vậy, nếu theo đúng hướng dẫn của Bộ, tất cả tỉnh, thành đều đã có thể mở cửa đón học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn cân nhắc việc này, chẳng hạn Hà Nội. TP HCM mới mở cửa trường ở xã đảo Thạnh An. Một số tỉnh có ổ dịch mới trong tuần qua phải cho một phần học sinh nghỉ như Phú Thọ, Thanh Hoá.

Cụ thể: Những nơi được xác định dịch cấp độ 1, cấp độ 2 (nguy cơ thấp, trung bình), tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp. Đồng thời vẫn phải củng cố hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch có diễn biến phức tạp lên.

Những nơi được xác định dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao) tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, qua truyền hình. Các địa phương xây dựng phương án dạy học cho từng lớp, khối lớp, cấp học phổ thông. Trong đó ưu tiên dạy trực tiếp với lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, đảm bảo giãn cách phù hợp với cơ sở vật chất và điều kiện phòng chống dịch.

Những nơi được xác định cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học để tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tập với cấp học mầm non, phổ thông; hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn thiết bị phục vụ học trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến và qua truyền hình.

Tương tự, với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm ở địa bàn xác định cấp độ 1 và 2 về dịch có thể cân nhắc triển khai hoạt động đào tạo trực tiếp. Những nơi cấp độ 3, 4 có thể kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến tùy theo phương án cụ thể của nhà trường được UBND các tỉnh, thành chấp thuận.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tiêm đủ vắc xin cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ trong trường học; chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm vắc xin cho người học; tăng cường các biện pháp phòng dịch khi học sinh, sinh viên trở lại trường học.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Biện pháp củng cố chất lượng dạy học khi học sinh trở lại trường

Cùng với việc ban hành văn bản về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, cũng trong tuần qua, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4808/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở GD&ĐT về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy học khi học sinh trở lại trường học tập.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu khi học sinh mới đi học trở lại, nhà trường phải tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi chuyển trạng thái từ học trực tuyến, qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.

Các trường cần sử dụng hiệu quả thời gian để dạy trực tiếp những nội dung cơ bản, cốt lõi. Tuy nhiên, các nhà trường cần tránh gây áp lực, quá tải cho học sinh.

Công văn nêu rõ: "Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức. Bộ cũng yêu cầu các nhà trường không thu thêm kinh phí khi tổ chức ôn tập cho học sinh.

Song song với học trực tiếp, việc dạy học trực tuyến và qua truyền hình vẫn được duy trì. Cụ thể, trường có học sinh đi học bình thường sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống học liệu dạy trực tuyến để hỗ trợ. Các trường chia nhóm cho học sinh đến trường học tập sẽ tổ chức dạy học trực tuyến với các nội dung phù hợp để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình.

Ảnh minh hoạ (chụp trước thời điểm dịch Covid-19)/INT.
Ảnh minh hoạ (chụp trước thời điểm dịch Covid-19)/INT. 

Dự thảo về kéo dài thời gian làm việc với GS, PGS, tiến sĩ

Bộ GD&ĐT tiến hành lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018. Điểm mấu chốt của dự thảo là đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.

Theo dự thảo, giảng viên có chức danh GS, PGS và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận.

Thời gian kéo dài đối với những giảng viên này do cơ sở giáo dục đại học quyết định căn cứ quy định của Luật Lao động, Nghị định hướng dẫn Luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.

Về quy trình xem xét, quyết định kéo dài thời gian làm việc, dự thảo nêu 6 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định, giảng viên có nguyện vọng đăng ký và nộp hồ sơ cho cơ sở giáo dục đại học để được xem xét kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học quyết định việc kéo dài thời gian làm việc căn cứ theo nhu cầu của cơ sở và thông báo cho giảng viên 3 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định.

Chính sách đối với giảng viên trong thời gian làm việc kéo dài được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác theo quy định đối với giảng viên; được đề nghị nghỉ hưu theo quy định nếu có nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.