Hướng chỉ đạo nhân rộng dạy học tích hợp, liên môn ở vùng núi

GD&TĐ - Từ thực tế triển khai ở Hà Giang cho thấy, khi dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn đối với môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên giáo viên linh hoạt hơn trong cách dạy, còn học sinh thì chủ động tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức và rèn được nhiều kỹ năng hơn.

Áp dụng tích hợp liên môn trong giờ khoa học
Áp dụng tích hợp liên môn trong giờ khoa học

Liên quan đến nội dung này, nhà giáo Triệu Thị Chính – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang - đã có những chia sẻ với báo Giáo dục & Thời đại.

Cô có nhận xét gì về những học sinh sau một năm học Sở GD&ĐT Hà Giang triển khai áp dụng dạy học tích hợp, liên môn đối với môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên trong các trường THPT trên địa bàn?

- Tôi cho rằng sự chuyển biến rõ nét nhất đối với giáo viên khi dạy học theo phương pháp này là các thầy cô chủ động, năng động và sáng tạo hơn.

Chẳng hạn như nếu như trước đây, giáo viên dạy về các xác định “Tập xác định” hoặc “Tập giá trị” trong môn Đại số thì giáo viên chỉ hướng dẫn học sinh nắm chắc về lý thuyết sau đó cho các em làm một số bài tập thực hành.

Nhưng khi dạy theo chủ đề tích hợp, liên môn giáo viên có thể sử dụng kiến thức của môn Hóa học hoặc Vật lý để giải quyết vấn đề. Như vậy với phương pháp này, sẽ kích thích giáo viên tư duy và không ngừng trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bộ môn khác nhau để có một phông kiến thức sâu, rộng đủ để đáp ứng với những đòi hỏi ngày càng cao của học sinh như hiện nay.

Còn đối với học sinh, rõ ràng các em hứng thú với tiết học hơn, dễ hiểu và hiểu sâu kiến thức nội dung bài học. Đặc biệt là khả năng vận dụng vào thực tiễn của các em đã có những chuyển biến rõ rệt – điều mà trước đây với học sinh dân tộc vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Ví dụ: Nhiều em học sinh dân tộc lớp 12 giờ đây có thể tính toán để xây dựng một bể tích trữ nước mưa cho gia đình nhờ vào kiến thức đã học ở môn Hình học và một Vật lý.

Có thể nói, với phương pháp dạy học này đã mang đến luồng gió mới cho các trường học vùng cao và học sinh dân tộc ở Hà Giang.

Dạy và học theo phương pháp này, môn Toán cũng như các môn Khoa học tự nhiên không còn khô cứng như nhiều người vẫn nghĩ mà nó trở nên sinh động, uyển chuyển và mềm mại không kém gì các môn Khoa học xã hội.

Với những ưu điểm của phương pháp dạy tích hợp, liên môn ở môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng phương pháp này trong năm học tới.

Vậy Sở đã có những bước chuẩn bị như thế nào để nhân rộng phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn đối với môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên trong năm học tới?

- Chúng tôi sẽ nhân rộng về số trường tham gia, nhân rộng trong nội bộ từng trường và nhân rộng đến các môn học khác.

Để trợ giúp các trường trong quá trình triển khai, hiện Sở đã có kế hoạch tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên cốt cán thuộc tất cả các trường THCS, THPT và TTGDTX trên địa bàn.

Những giáo viên cốt cán này sau khi được tập huấn sẽ có nhiệm vụ phổ biến và hướng dẫn đến các đồng nghiệp nơi mình công tác.

Nội dung tập huấn sẽ tập trung chủ yếu về xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và chủ đề tích hợp, liên môn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, nhà trường.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên cách kiểm tra, đánh giá học sinh và đánh giá giữa giáo viên với giáo viên khi dạy theo phương pháp tích hợp, liên môn.

Đặc biệt, chúng tôi quan tâm, chú trọng đến phương thức sinh hoạt chuyên môn qua mạng Internet. Hiện Sở GD&ĐT đã tập huấn cho giáo viên cốt cán của các trường về thực hiện các hoạt động huyên môn qua mạng thông tin trực tuyến.

Sau tập huấn Sở cũng đã cấp tài khoản trên diễn đàn Trường học kết nối cho các đồng chí lãnh đạo Sở, chuyên viên Phòng Giáo dục trung học, Phòng Giáo dục thường xuyên; lãnh đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; các trường THPT, các trung tâm GDTX; giáo viên các trường THPT, THCS, GDTX trong toàn tỉnh.

Hiện đã có 217 trường, 3.890 giáo viên và 16.643 học sinh mở tài khoản với 636 nội dung chuyên đề được trao đổi qua mạng, trong đó có nhiều chuyên đề về dạy học tích hợp môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã chỉ đạo các trường thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng mở.

Chẳng hạn như: Trong buổi sinh hoạt chuyên môn, hiệu trưởng có thể yêu cầu giáo viên cốt cán dạy minh hoạt một tiết Toán hoặc bất kỳ một môn nào trong nhóm Khoa học tự nhiên theo phương pháp tích hợp, liên môn để các giáo viên khác trong trường theo dõi và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm.

Chúng tôi cũng khuyến khích các nhà trường tự tổ chức quay video những tiết dạy minh họa đó để làm tài liệu dạy học cho các giáo viên. Đây chính là cách tiếp cận nhanh nhất, trực quan nhất và tạo sức lan tỏa sâu rộng nhất đến các giáo viên trong trường.

Xin cảm ơn cô!

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ