Hun đúc tình yêu cải lương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vô cùng thích thú khi được nhà trường giới thiệu về nghệ thuật cải lương.

Ngoài xem nghệ sĩ biểu diễn, học sinh Trường THCS Nguyễn Du còn được tham gia trải nghiệm trên sân khấu. Ảnh: NTCC
Ngoài xem nghệ sĩ biểu diễn, học sinh Trường THCS Nguyễn Du còn được tham gia trải nghiệm trên sân khấu. Ảnh: NTCC

Nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vô cùng thích thú khi được nhà trường giới thiệu về nghệ thuật cải lương. Đây là cách các trường lan tỏa và khơi gợi tình yêu văn hóa truyền thống đặc trưng Nam Bộ đến thế hệ trẻ.

“Thái hậu Dương Vân Nga” vào trường đại học

Trong khuôn khổ hoạt động tiếp đón tân sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, chương trình “Sáng tạo với chất Việt” diễn ra với sự tham gia của các diễn giả là những người có niềm yêu thích tìm hiểu về cải lương như Tiến sĩ Lê Hồng Phước, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Pháp - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Tiến sĩ Đào Lê Na, Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học; biên kịch Bình Bồng Bột và diễn viên Hồng Bảo Ngọc - Quán quân Bông lúa vàng 2019.

Sự kiện được tổ chức với mong muốn đưa cải lương đến gần với công chúng, đặc biệt là sinh viên, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về nghệ thuật truyền thống.

Tại chương trình, biên kịch Bình Bồng Bột đã có những chia sẻ về vở cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga” mà nghệ sĩ Thanh Nga từng đóng và được xem là tác phẩm kinh điển của sân khấu cải lương. Vở diễn không chỉ làm nên tên tuổi của hàng loạt nghệ sĩ như Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Ngọc Giàu, Lệ Thủy... mà còn thể hiện tinh thần yêu nước “bừng bừng” của dân tộc Việt Nam.

Biên kịch Bình Bồng Bột nhấn mạnh: “Thái hậu Dương Vân Nga là một nhân vật lịch sử đi vào phim ảnh và rất nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có cải lương. Năm 1979, chúng ta một lần nữa đối diện với giặc phương Bắc. Vở diễn “Thái hậu Dương Vân Nga” đã hun đúc tinh thần dân tộc, đem đến sức sống mới cho những người chiến sĩ để họ tiếp tục giữ vững niềm tin ra trận. Hiện nay, hot trend trên TikTok cũng là trích đoạn mà cô Bạch Tuyết diễn Thái hậu Dương Vân Nga”.

Còn Tiến sĩ Đào Lê Na cho rằng, một phần lý do khiến cô yêu cải lương là vì loại hình nghệ thuật này trải dài khắp đất nước. Trong lịch sử hình thành và phát triển, cải lương đi cùng lịch sử của dân tộc, nhiều vở cải lương tuồng cổ lấy chất liệu từ lịch sử để truyền cảm hứng yêu nước cho người Việt Nam.

“Soạn giả cải lương là các tri thức tân học, nhà nghiên cứu học giả có kiến thức rất chuyên sâu. Chẳng hạn như vở “Sân khấu về khuya”, “Thái hậu Dương Vân Nga”… Mỗi lời họ nói làm cho mình thấy sao tiếng Việt của mình đẹp đến thế. Đây là một trong những lý do khiến tôi cảm thấy yêu cải lương”, Tiến sĩ Đào Lê Na chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hào hứng khi được chia sẻ về nghệ thuật cải lương. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hào hứng khi được chia sẻ về nghệ thuật cải lương. Ảnh: NTCC

Khơi gợi tình yêu văn hóa truyền thống

Việc đưa văn hóa nghệ thuật đến với học sinh cũng được các trường phổ thông tại TP Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Nhiều trường THCS, THPT đã phối hợp với Đoàn cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long tổ chức chương trình “Du xuân học đường” đưa các trích đoạn cải lương tuồng cổ vào tiết học môn Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Theo đó, trong khoảng thời gian 2 tiết chào cờ, học sinh không chỉ được xem các nghệ sĩ biểu diễn, mà còn được trực tiếp đóng vai và biểu diễn như một nghệ sĩ cải lương trên sân khấu.

Thầy Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cho biết, nhà trường luôn chú trọng tổ chức cho học sinh tìm hiểu về nghệ thuật dân tộc mỗi năm khoảng 2 lần. Nếu trước đây những hoạt động này thuộc về hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thì hiện nay nó là một nội dung trong hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp của Chương trình GDPT 2018.

Cũng theo chia sẻ của thầy Khoa, việc đưa cải lương tuồng cổ vào trường học đang được nhà trường thực hiện lồng ghép trong hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở lớp 10, 11. Ngoài việc mở rộng không gian lớp học, làm mới giờ học, hoạt động trên còn mang những màu sắc sinh động, giúp học sinh hiểu hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, hiểu thêm về các giá trị văn hóa, lịch sử.

“Không đơn thuần là các nội dung thuần túy, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho phép giáo viên và nhà trường lồng ghép đa dạng các kiến thức văn hóa, xã hội, lịch sử đến học sinh để gia tăng thêm cho các em những hiểu biết, kiến thức mới. Ngoài cải lương tuồng cổ, nhà trường cũng sẽ đưa thêm nhiều loại hình nghệ thuật, ngành nghề thủ công truyền thống vào trường giới thiệu với học sinh, nhằm giúp các em bổ sung kiến thức và có ý thức tự hào, biết bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”, thầy Khoa cho biết.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), nhà trường dự kiến mỗi năm tổ chức chương trình biểu diễn cải lương ít nhất một lần để học sinh hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật này. Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn của trường cho hay, việc đưa cải lương đến với học sinh giúp các em có thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử chứ không phải chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.

“Chương trình GDPT mới hướng đến việc đa dạng các hoạt động trải nghiệm cho học sinh bằng nhiều hình thức như: Đổi mới trong giờ học, trong phương thức giảng dạy, tiếp cận học sinh hay qua việc giới thiệu thêm cho học sinh nhiều loại hình nghệ thuật… Từ chính những trải nghiệm đó đã từng bước giúp các em phát huy được phẩm chất, hình thành năng lực, để các giờ học trở nên thú vị hơn. Đây cũng được xem là cách nhà trường bảo tồn, giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đến học sinh”, thầy Bảo nhấn mạnh.

“Hiện nay sân khấu cải lương gặp khó khăn vì khán giả bị phân tán bởi nhiều loại hình nghệ thuật khác và do nghệ sĩ trẻ chưa đủ sức kế thừa thế hệ đi trước. Không phải thế hệ trẻ dở, tại vì họ sinh ra không có điều kiện như hồi xưa. Thời xưa, nghệ sĩ Thanh Nga muốn hát hay thì hát trên sân khấu tuồng rất nhiều lần. Nhưng bạn trẻ bây giờ không có sân khấu để diễn, có diễn thì cũng ít, nay diễn vở này, mai dẹp để diễn tuồng khác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.