Cảm thụ văn học:

Huế trong thơ Cao Bá Quát

GD&TĐ - Có một phần đời gắn bó với xứ Huế, thi nhân Cao Bá Quát đã góp thêm những bài thơ sâu sắc về con người và phong cảnh Huế.

Cầu Tràng Tiền lịch sử của xứ Huế.
Cầu Tràng Tiền lịch sử của xứ Huế.

Ông chính là nhà thơ Hà Nội để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn học xứ Huế, có nhiều tác phẩm xuất sắc về Huế nhất trong thời trung đại.

Là kinh đô của vương triều Nguyễn, Thuận Hóa - Huế trong suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Với vị trí địa chính trị, địa văn hóa đặc biệt ấy, Huế trở thành vùng đất lưu dấu ấn đậm nét trong văn học Việt Nam thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Nhiều nho sĩ (và trí thức Tây học sau này) ở các vùng miền khác khi đến, đi qua hay gắn bó với Huế đều ít nhiều viết về nơi đây. Trong đó, Cao Bá Quát, một con người kiệt xuất của đất Thăng Long - Hà Nội, được xem là một trong những tác giả lớn của dòng văn học về Huế trong thế kỷ XIX.

Đúng như nhận định của Nguyễn Hữu Sơn: “Xứ Huế địa linh nhân kiệt, xứ Huế có nhiều danh lam thắng cảnh, xứ Huế trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa từng quy tụ nhân tài bốn phương, đặc biệt trong thế kỷ XIX, với những tên tuổi lớn như Phạm Quý Thích, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Khuyến,… Bên cạnh những danh nhân đó, Cao Bá Quát nổi lên như một tài năng đầy cá tính, một nhân cách lịch sử có một không hai lúc bấy giờ” [1].

Cao Bá Quát với Huế

Cao Bá Quát (1808 - 1855) tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường và Mẫn Hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội). Cũng như nhiều nho sĩ miền Bắc dưới triều Nguyễn, hoạn lộ của Cao Bá Quát gắn liền kinh đô Huế. Nhưng khác với nhiều người, Huế còn là nơi xảy ra những biến cố lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Cao Bá Quát.

Năm 1831, Cao Bát Quát đỗ Á nguyên kỳ thi Hương tại trường thi Hà Nội nhưng về sau bị bộ Lễ duyệt quyển đánh tụt xuống Cử nhân cuối bảng không rõ nguyên do. Năm 1832, ông vào kinh đô Huế thi Hội nhưng không đỗ. Sau đó, ông còn vào kinh thi vài lần nữa nhưng đều trượt. Nhiều bài thơ của ông ra đời trong những lần lặn lội vào Huế ứng thí này.

Năm 1841, Cao Bá Quát được bổ làm Hành tẩu Lễ bộ trong triều đình Huế. Tháng 8 năm này, ông tham gia sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Vì thương tài nhiều thí sinh, ông cùng Phan Nhạ dùng muội đèn chữa các bài phạm quy nên bị xử tội tử, sau được giảm án, bị tra tấn và giam hơn nửa năm. Giữa năm 1842, ông được tha.

Tháng 1 năm 1844, Cao Bá Quát đi “dương trình hiệu lực” để lấy công chuộc tội, phục vụ phái bộ triều đình công cán vùng Hạ Châu. Đến tháng 7, ông về nước, được phục chức và làm việc tại bộ Lễ. Năm 1845, bị thải hồi, nhà thơ trở về quê nhà ở Thăng Long. Đến năm 1847, được triều đình gọi vào Huế làm việc tại Viện Hàn Lâm. Chưa được bao lâu, ông lại bị phát vãng đi Đà Nẵng không rõ lí do. Năm 1851, Cao Bá Quát được cử/ bị đày đi giữ chức Giáo thụ tại phủ Quốc Oai. Kể từ lần ra đi này, ông không còn trở về kinh thành Huế nữa.

Như vậy, trên bước đường khoa cử và làm quan của Cao Bá Quát, Huế hầu như chỉ để lại những dấu ấn đáng quên. Nhưng cũng chính Huế là nơi con đường sáng tạo văn chương của ông đạt đến những đỉnh cao.

Tại nơi đây, ông kết giao và thường xuyên xướng họa thơ văn với nhiều tác gia/ quan chức lừng lẫy đương thời như Miên Thẩm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Bùi Ngọc Quỹ, Vũ Hữu Ái…; có chân trong Mặc Vân thi xã do hai vị hoàng thân là Miên Thẩm, Miên Trinh sáng lập; cùng với người bạn tri âm Nguyễn Văn Siêu được chính ông vua hay chữ Tự Đức xưng tụng là “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán”, được người dân kinh thành và cả nước tôn là “thần Siêu, thánh Quát”.

Hơn nữa, chính vùng đất Thừa Thiên sơn thủy hữu tình, giàu giá trị văn hóa và thấm đẫm tình người đã cưu mang nhà thơ trong những ngày tháng bất đắc ý tại kinh đô, trở thành nguồn cảm hứng lớn cho nhiều tác phẩm quan trọng của ông. Có thể nói, “Cao Bá Quát là người ngoài Bắc rất có “duyên nợ” với Huế” [2]. Ông cũng là một trong những nhà nho đất Thăng Long gắn bó sâu sắc và để lại nhiều dấu ấn nhất trên đất Thần kinh.

Bởi đó, không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc đời làm quan đầy sóng gió của mình, Cao Bá Quát dù đi nhiều nơi, viết về nhiều miền đất cả trong và ngoài nước nhưng ông vẫn dành sự quan tâm cho xứ Huế nhiều nhất. Không những vậy, ông còn viết về Huế bằng những câu thơ xuất thần của một tài năng được xưng “thánh”, và bằng tấm lòng thiết tha của một hồn thơ phóng khoáng, ngang tàng nhưng cũng giàu yêu thương, trắc ẩn.

Chùa Thiên Mụ.

Chùa Thiên Mụ.

Huế qua ngòi bút và tấm lòng Cao Bá Quát

Cùng với quê nhà Thăng Long, xứ Huế có một vị trí quan trọng cảm hứng nghệ thuật của thơ Cao Bá Quát. Chu Thần viết về sông Hương, hòn Chén, cửa Thuận An, núi Ngự Bình, sông Nông, ngục Thừa Thiên và nhiều vùng thôn quê khác của xứ Huế cũng như đời sống sinh hoạt chốn kinh thành bằng nhiều cảm xúc, tâm thế, góc nhìn. Huế vì thế hiện diện trong thơ Cao Bá Quát một cách chân thực, sống động, đồng thời phản chiếu rõ nét nhiều phương diện trong tâm hồn tác giả.

Trước hết, trong thơ Cao Bá Quát, thiên nhiên xứ Huế hiện lên phong phú, tươi đẹp và ấn tượng với những nét đặc trưng riêng. Non nước xứ Huế hữu tình đã khiến hồn thơ tài hoa, phóng khoáng Chu Thần không ít lần rung động. Ông có nhiều thơ hay về các cảnh đẹp đất Huế, đặc biệt là sông Hương. Đây là dòng sông xuất hiện nhiều nhất trong thơ Cao Bá Quát.

Dòng sông trứ danh này mang lại cho thi nhân nhiều cảm xúc, thôi thúc ông viết liền 14 bài Hương giang tạp vịnh và nhắc đến trong nhiều tác phẩm khác. Trong đó, Hiểu quá Hương giang được xem là một thi phẩm xuất sắc với tứ thơ mới lạ, khác thường khiến người đời sau không khỏi sửng sốt: Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền/ Trường giang như kiếm lập thanh thiên (Muôn núi như chạy quanh ruộng xanh ngát/ Sông dài như kiếm dựng giữa trời xanh).

Đã không ít người khẳng định, tán dương về tứ thơ độc đáo này, ví như: “Xưa nay, thơ viết về sông Hương quá nhiều […]. Song chúng tôi nghĩ “Hiểu quá Hương giang” chưa có ai sánh được, chưa ai vượt qua được” [3]; “Đề vịnh cảnh đẹp sông Hương, có thể nói Cao Bá Quát có được những câu thơ hay vào bậc nhất so trong toàn bộ những bài thơ viết về sông Hương thơ mộng” [4].

Tuy nhiên, không chỉ có Hương giang “như kiếm lập thanh thiên”, trong thơ Cúc Đường còn có những sông Hương rất Huế khác. Có một dòng Hương vắng lặng, nên thơ bên cạnh hòn Chén trong ánh nắng nhạt chiều buông: Hương thủy mộ triều sinh thiển lại/ Trản sơn hồi chiếu đạm không lâm (Nước triều buổi chiều sông Hương xuống trơ bãi cát/ Nắng nhạt dần nơi cánh rừng vắng trên hòn Chén – Thôn cư vãn cảnh).

Có một dòng Hương giữa chốn kinh kỳ với lâu đài thành quách nguy nga ven bờ vẫn giữa dòng ung dung những đóa sen tươi thắm mặc cho những đổi dời thế sự: Nhất đái duyên giang giáp đệ hùng/…/ Vinh khô tứ thập dư niên sự/ Chỉ hữu hà hoa tự cựu hồng (Một dải lâu đài hùng tráng ven sông/…/ [Mặc cho] việc đời hơn bốn mươi năm suy thịnh/ Chỉ có hoa sen vẫn hồng như ngày trước – Hương giang tạp vịnh).

Và có cả một dòng Hương trong những đêm mưa gió lạnh u buồn, một kiểu cảnh quan đặc trưng của xứ Huế: Hương kiều phong vũ nan vi dạ (Mưa gió trên cầu sông Hương, đêm chẳng thành đêm – Lưu viện du nguyệt, văn đắc tái phát Đà Nẵng, thị dạ đồng Vũ Hoài Phủ thống ẩm).

Huế trong thơ Cao Bá Quát còn có những cảnh đẹp nên thơ, lãng mạn và phảng phất nét thâm trầm, ví như trăng nước sông Nông trong đêm thi nhân tiễn bạn đi xa: Hoàng hoa như ngã sấu/ Tố nguyệt hướng nhân viên/ Tiện tác Nông giang thủy/ Đông quy hà xứ biên (Hoa vàng gầy như ta/ Trăng sáng vì người mà tròn/ Bèn làm nước sông Nông/ Chảy về bên nào của phía đông – Tống nhân quy Tứ Kỳ).

Bên cạnh thiên nhiên, một số phương diện khác trong đời sống sinh hoạt của chốn kinh thành cũng được thể hiện chân thực trong thơ Cao Bá Quát. Chẳng hạn, bài Ngũ nhật thù Phạm Lang trung, Nguyễn Viên ngoại chiêu ẩm ghi lại một cách sinh động những sinh hoạt cung đình trong dịp Tết Đoan ngọ:

Trung thiên giai tiết nhập phương triêu/ Ngũ Phụng lâu tiền Ngự Liễu kiều/ Kiếm bội sơ hồi thanh tỏa thát/ Y quan sơ tán tử thần triều/…/ Độc hữu tử vi hoa hạ khách/ Ngọ lai bồ tửu sác tương yêu (Tết Đoan ngọ tốt lành tới vào buổi sáng mát trong/ Trên cầu Ngự Liễu trước lầu Ngũ Phụng/ Kiếm bội mới về, cửa sơn xanh chạm liên hoàn/ Áo mão vừa tan buổi chầu ở nội điện/…/ Riêng có các vị khách ngồi dưới hoa tử vi/ Giờ ngọ đến mấy lần mời nhau uống rượu xương bồ).

Không chỉ có Huế phồn hoa đô hội, trong thơ Cao Bát Quát còn có một Huế thôn quê bình dị với rặng tre, bờ giậu, khói bếp, với tiếng hát giã gạo, tiếng hò chèo văng vẳng bên sông thật yên bình: Ly ngoại nhân yên, trúc ngoại âm/ Thung ca thanh yết, trạo ca thâm (Ngoài bờ giậu có khói bếp, ngoài rặng tre có bóng râm/ Tiếng hát giã gạo vừa dứt tiếng hò chèo đò vẳng tới – Thôn cư vãn cảnh); Sổ hàng ngư đĩnh liên thanh trạo/ Lưỡng cá sa cầm khuất túc miên (Mấy dãy thuyền chài không ngớt tiếng hò đưa mái chèo/ Hai con chim trên bãi giấu chân ngủ – Hiểu quá Hương giang).

Như đã nói, Huế gắn bó sâu sắc với Chu Thần, trở thành một trong những không gian nổi bật trong cảm thức nơi chốn của thơ ông. Thơ Cao Bá Quát nhiều chỗ ghi lại điều này. Huế là nơi Cử nhân họ Cao nhiều lần khăn gói đến thi Hội: Tằng thị ngô do thập niên khách/…/ Thành khuyết thu sinh quế tử hương (Ta từng là khác mười năm [học trò đã đỗ kỳ thi Hương]/…/ Mùa thu sinh hương quế [tức thi Hội] chốn hoàng thành – Sơ nhập Thừa Thiên thí viện tác).

Huế là nơi ông bị dụng hình vì tội sửa quyển thi: Đô nhân hãi quan như đổ tường/ Đại quan liệt tọa, hạ nhất lang/ Hô xuất ngục cụ la trí tương (Người kinh đô ngơ ngác đứng xem vây kín như tường/ Các quan lớn ngồi cùng nhau, dưới có một viên quan nhỏ/ Gọi đem các hình cụ bày la liệt – Đằng tiên ca).

Cũng chính tại Huế, bên dòng Hương giang, Chu Thần có những người bạn tri âm: Huy thủ tống quân khứ/ Nhật mộ Hương thủy hàn (Vẫy tay tiễn anh đi/ Trong buổi chiều bên sông Hương lạnh – Trấn An lệnh Lê tử chi nhiệm, đặc lai tương phỏng, kỳ hữu sở tặng, thư dĩ dữ chi).

Tại nơi đây, thi nhân có những nguồn cảm hứng thi ca bất tận. Nhiều thi phẩm của ông đã ra đời trên chính mảnh đất này: Hương giang tân cú lại quân truyền (Những câu thơ mới làm bên sông Hương nhờ ông chuyển giúp – Họa “Thúc Minh lưu biệt Doãn Trai” chi tác kiêm thứ kỳ vận). Có thể nói, “không chỉ làm thơ đề vịnh cảnh vật, Cao Bá Quát còn thể hiện tình cảm sâu nặng với con người xứ Huế.

Ông đồng cảm với đời sống dân chúng, trân trọng miền đất văn vật do con người Huế tạo dựng” [5]. Huế chưa là quê hương thứ hai thì cũng đã là một phần máu thịt của nhà thơ, với tất cả vui buồn, vinh nhục. Bởi đó, viết về Huế, Cao Bá Quát ít khi đứng bên ngoài. Nhà thơ gửi cả tấm lòng mình vào Huế. Ông là một trong những nhà nho Hà Nội nặng lòng với Huế nhất.

Điều này giải thích cho không ít lần trong thơ, Cao Bá Quát xem xứ Huế nói chung, dòng sông Hương nói riêng là người tri âm tâm đắc. Ngồi trong nhà lao Thừa Thiên giữa những ngày thu buồn chán, ông làm thơ muốn gửi sông Hương mang đi những nỗi lòng mình: Chính khan nhân từ nhất thu bi/ Tiện ưng đề kỷ Hương giang khứ (Hãy nhìn ngay con người từ một mùa Thu đau buồn/ Nên mới viết gửi sông Hương mang đi – Cấm sở cửu nguyệt tự trào trình chư hữu nhân).

Chia tay học trò Quảng Nam trước lúc về kinh thành Huế làm việc tại Viện Hàn Lâm, nhà thơ lại nghĩ đến sông Hương với những ngày nghèo túng nhưng hào sảng bên chén rượu, câu thơ: Tưởng ưng biệt hậu dao tương ức/ Nhật nhật Hương kiều kỷ điển y (Thiết tưởng sau khi chia tay, ở xa nhớ nhau/ Ngày ngày trên cầu sông Hương không biết mấy lần đi cầm áo [6] – Mông đắc hồi bổ Hàn Lâm, lâm hành chư đệ tử tương tiễn, nhân thứ tiền vận vi biệt).

Không chỉ là tri kỷ của thi nhân, Huế còn là một phần sâu kín nhất trong hồn thơ Cao Bá Quát. Không ít lần xứ Huế hiện diện trong nỗi nhớ quê hương và bằng hữu tại Thăng Long của nhà thơ, là chốn đi về của hai không gian thân thiết nhất trong tâm hồn thi nhân: Hà xứ tương tư cộng minh nguyệt/ Bình sơn tây vọng Tản Viên sơn (Chốn nào nhớ nhau cùng [gửi vào] trăng sáng/ Ở núi Ngự Bình nhìn phía tây ngóng núi Tản Viên – Sơ thu vịnh Hoài Phủ, Minh Trọng nhị tri kỷ).

Đặc biệt, là một nhân cách vượt lên trên thời đại với “một nhân sinh quan đẹp đẽ”, với “cái nhìn nảy lửa đối với thống trị nhưng […] tràn đầy yêu mến đối với nhân dân”, với “một cái nhìn nồng thắm mà cũng khá nhạy bén, sắc sảo” [7], Cao Bá Quát không giấu được những nỗi ưu tư trên/ về đất Huế đối với vận nước trước sự uy hiếp của những thế lực hùng mạnh đến từ phía biển.

Những dòng thơ hùng tráng làm khi qua các tòa hải đài trên cửa biển Thuận An nói lên điều này: Nhất dạ trường phong hám hải đài/ Thuận An môn ngoại lãng như lôi/ Thiên thu thượng tác Chu lang khí/ Yếu đả Hồng di cự hàm hồi (Suốt đêm gió thổi làm rung cả tòa hải đài/ Ngoài cửa Thuận An sóng như sấm/ Hùng khí của chàng họ Chu [Chu Du thời Tam Quốc] nghìn thuở còn bốc lên/ Muốn đánh cho tàu lớn của bọn Hồng Mao phải lùi – Thập ngũ dạ dại phong). Có thể nói, không chỉ viết nhiều về Huế, Cao Bá Quát còn là một trong những nhà thơ yêu mến, nặng lòng với xứ Thần kinh nhất.

Là ba trung tâm lớn của cả nước, Thuận Hóa – Huế, Thăng Long – Hà Nội và Gia Định - Sài Gòn - TPHCM từ rất sớm đã diễn ra quá trình giao lưu văn hóa, văn học. Từ thời trung đại, nhiều nhà thơ lớn đã góp phần quan trọng vào quá trình này, trở thành những nhịp cầu nối các vùng văn hóa, văn chương. Trong đó, Cao Bá Quát là một đại diện tiêu biểu. “Có một phần đời gắn bó với xứ Huế, thi nhân Cao Bá Quát đã góp thêm những bài thơ sâu sắc về con người và phong cảnh Huế” [8]. Ông chính là nhà thơ Hà Nội để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn học xứ Huế, có nhiều tác phẩm xuất sắc về Huế nhất trong thời trung đại.

_______________________________

[1], [4], [5], [8] Xin xem Nguyễn Hữu Sơn (2005), “Cao Bá Quát và những suy tưởng trong thơ”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2.

[2] Xin xem Hồng Diệu (2003), “Thơ Cao Bá Quát viết về Huế”, Tạp chí Sông Hương, số 178.

[3] Xin xem Hồng Nhu (2011), “Đọc lại ‘Hiểu quá Hương giang” của Cao Chu Thần”, Tạp chí Sông Hương, số 270.

[6] Lấy ý từ câu thơ “Triều hồi nhật nhật điển xuân y/ Mỗi nhật giang đầu tận túy quy” (Đi chầu về, ngày ngày đi cầm cố áo xuân/ Ngày nào cũng ở đầu sông uống say mới về - bài Khúc Giang). Chu Thần dùng thoát, ý muốn tuy được bổ vào Hàn Lâm viện nhưng vẫn nghèo túng, lúc nhớ nhau muốn uống rượu giải khuây chỉ còn cách ngày mấy lần đi cầm áo như Đỗ Phủ.

[7] Xin xem Nguyễn Huệ Chi (1961), “Tìm hiểu nhân sinh quan tích cực trong thơ Cao Bá Quát”, dẫn theo Nguyễn Hữu Sơn - Đặng Thị Hảo (tuyển chọn và giới thiệu) (2006), Cao Bát Quát – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ