Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào?

Những biến cố của lịch sử đã khiến cho một lượng cổ vật lớn và quý hiếm đã “biến mất” khỏi cố đô Huế. Hãy cùng lật lại những điểm mốc ấy.

Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào?

“Thất thủ kinh đô” và lần mất cổ vật gần như lớn nhất

Qua các biến cố lớn trong lịch sử, tiêu biểu nhất là các đợt chiến tranh đã làm cho cổ vật cung đình tại Huế bị mất mát rất lớn. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhiều cổ vật ấy hiện đang ở trong các bộ sưu tập lớn của các tổ chức chính phủ, tư nhân trong và ngoài nước hoặc đã “bặt vô âm tín” không ai hay. Căn cứ vào tư liệu lịch sử, những đợt mất mát lớn của Huế đã từng xảy ra không ít lần, tiêu biểu vào các năm 1775, 1862, 1885, 1945, 1947, 1972…

Năm 1775, quân đội Lê - Trịnh do quận công Hoàng Ngũ Phúc tấn công và chiếm giữ Thuận Hóa - đô thành của chúa Nguyễn. Sau khi chiếm đóng, đội quân này đã mặc sức vơ vét của cải trong kho tàng hoàng gia và gia đình quý tộc, quan lại triều đình.

Năm 1862, sau khi để mất 3 tỉnh miền Đông Nam bộ vào tay thực dân Pháp, vua Nguyễn phải huy động rất nhiều vàng bạc và cổ vật trong kho tàng của mình để đền trả số chiến phí mà Pháp đòi là 4 triệu piastre (quy đổi thành hơn 2,8 triệu lượng bạc).

Nhiều tư liệu cho biết nhà vua đã phải lấy rất nhiều đồ vật quý chế tác bằng vàng ngọc, thậm chí tận thu những kim ấn, kim sách của hoàng tử, công chúa, thân vương; các tư trang bằng vàng, bạc của cung phi để trả nợ. Vì lý do này, phần lớn cổ vật chế tác bằng vàng bạc của Huế trở nên khan hiếm, thậm chí cả cây lá ngọc cành vàng trong cung điện, lăng tẩm, miếu đền của triều Nguyễn cũng đã bị thay bằng loại lá ngọc cành gỗ nhũ vàng.

Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 1
Gian thiết triều tại điện Cần Chánh. Có nhiều chậu sứ quý trong cắm các cây "cành vàng lá ngọc". Ảnh: blog Ngoan Trương Công.
Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 2
1 trong 3 bộ cây "cành vàng lá ngọc" còn lại hiếm hoi tại Huế thuộc sở hữu của nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh. Ảnh: Thế Nam.

TS. Hải cho biết, những vụ mất mát lớn nhất của Huế trong lịch sử gắn liền với sự kiện “Thất thủ kinh đô”. Ngày 5/7/1885 (23/5 năm Ất Dậu), khi tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã cướp bóc, đốt phá và giết hại người dân một cách vô cùng dã man. Trong sự kiện đẫm máu này, không chỉ hàng vạn người bị giết hại mà Huế còn bị cướp đi phần lớn những gì quý báu nhất.

Linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự kiện thảm khốc này đã ghi lại: “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc… Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh”.

Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 3 Quân Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế năm 1885. Tranh tư liệu của Pháp, nguồn internet.

Cũng theo Père Siefert, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5/7/1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp: “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ. Tại các tôn miếu thờ các vua… thì hầu hết các thứ có thể mang đi… đều bị cướp”

Ngay bản thân tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công vào kinh đô Huế ngày 24/7/1885 (tức 20 ngày sau khi khởi đầu cuộc tấn công) đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện với nội dung sau: “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc dấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”.

Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 4
Một số cung điện tại Huế đã gần như "sạch trơn" sau khi Pháp chiếm Kinh thành. Ảnh: internet.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi: riêng tại Phủ Nội Vụ ở tầng dưới cất giữ 91.424 thỏi bạc đỉnh 10 lạng, 78.960 thỏi bạc đỉnh 1 lạng; tầng trên cất giữ khoảng 500 lạng vàng, khoảng 700.000 lạng bạc; kho gần cửa Thọ Chỉ cất giữ 898 lạng vàng, 3.400 lạng bạc; toàn bộ số vàng bạc này đã bị mất khi Pháp chiếm kinh thành.

Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 5
Phủ Nội Vụ bị mất hết vàng bạc khi Pháp chiếm Kinh thành.

Song song với đó, một phần của cải “có lẽ cũng không nhỏ” đã được phe chủ chiến của nhà vua đứng đầu là Tôn Thất Thuyết đã cho đem ra chiến khu Tân Sở - Quảng Trị để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Số vàng bạc ngân lượng này về sau cũng thất tán hoàn toàn.

Nhưng trong quá trình quân Pháp truy đuổi Tôn Thất Thuyết từ tháng 7/1885, tỉnh Quảng Trị đã thu giữ 34 hòm bạc chứa 36.557 tiền bạc và 6 hòm bạc do ông Thuyết chưa kịp mang đi chứa 196 thỏi bạc, mỗi thỏi 10 lạng và 18.696 tiền bạc.. tất cả hòm bạc này khi đệ nạp về kinh đã bị quân Pháp giữ.

Trong quá trình quản lý, tòa Khâm sứ Trung Kỳ của Pháp nắm rất rõ kho vàng bạc trong kinh thành Huế. Tháng 6/1899, Pháp đã phái đại diện cùng thượng thư bộ Công, bộ Lễ đào tìm, phát hiện một gầm bạc. Dưới thời vua Duy Tân năm 1915 đào được hai lần tại cửa Tường Loan. Lần một được 60 hòm gỗ chứa 10.000 hốt bạc và lần hai được 70 hòm gỗ chứa 10.000 hốt bạc thỏi.

Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 6 Dưới sự quản lý rất chặt chẽ của Pháp, nhiều lần đã đào lấy vàng bạc trong Kinh thành để dùng vào nhiều mục đích có lợi cho riêng mình. Ảnh: internet.

Các số bạc này phần lớn Pháp “chỉ đạo” triều đình nộp ở ngân hàng Thượng Hải (chi nhánh ngân hàng Đông Dương) để lấy lãi hàng năm cho triều đình, mua trái phiếu quân dụng ủng hộ Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất hay chuyển tiền triều đình đã gửi ở ngân hàng Đông Dương góp vốn với 1 công ty do người Pháp làm chủ để thành lập thương cục mới. “Từ đó đến nay, chưa ai rõ việc góp vốn này đưa đến kết quả ra sao? Có chăng gần như triều đình Việt Nam đã mất trắng” - ông Hoa nhận định.

Kho báu vẫn còn và việc mất tiếp diễn

Tuy bị mất mát nhiều những báu vật và của cải do họa mất nước, nhưng triều Nguyễn vẫn giữ lại được một phần báu vật rất có giá trị. Hầu hết các báu vật này là Kim Bảo, Ngọc Tỷ gắn với các đời hoàng đế, hoàng hậu, và các đồ “ngự dụng” vốn gắn liền với cuộc sống của họ, sau được dùng như những vật thờ tự.

Tháng 8/1945 khi Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng thoái vị, triều Nguyễn đã bàn giao hầu hết các báu vật còn lại của vương triều cho chính phủ Cách mạng lâm thời, trong đó có cả bộ ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế. Toàn bộ số của cải này gồm gần 3.000 món, được đem ra Hà Nội và được bảo quản đặc biệt qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc.

Duy chỉ có điều đáng tiếc là bộ ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế gồm kim ấn Hoàng đế chi bảo nặng gần 10,5kg và chiếc kiếm chuôi vàng nạm ngọc, do sơ suất trong việc bảo vệ nên chúng ta để lọt vào tay người Pháp. Năm 1952, người Pháp đã tổ chức một buổi lễ “trang trọng” tại Đà Lạt để trao lại ấn kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại. Bộ ấn kiếm này về sau được hoàng hậu Nam Phương mang qua Pháp và gửi tại ngân hàng Châu Âu.

Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 7
Đại diện chính phủ Pháp trao lại ấn, kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại năm 1952 tại Đà Lạt. Hiện bộ ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực của triều đại phong kiến cuối cùng này không có tại Việt Nam.

Về những cổ vật được bảo quản, trưng bày tại Tàng Cổ Viện (sau năm 1958 là Bảo tàng Huế) cũng bị thất thoát ít nhiều trong thời gian từ 1945-1975. Có những cổ vật rất quý như chiếc nghiên mực Tức Mạc Hầu của vua Tự Đức đã bị lấy làm tài sản riêng của Ngô Đình Diệm, rồi không cánh mà bay sau khi chính quyền Diệm bị lật đổ.

Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 8
Nghiên mực quý Tức Mạc Hầu của vua Tự Đức bị mất sau khi Ngô Đình Diệm lấy và đến nay không còn tung tích gì

Một sự thất thất thoát đáng kể khác đã xảy ra vào trong năm 1972 do việc đưa cổ vật vào Sài Gòn...

“Cũng cần nói rằng có không ít cổ vật quý hiếm của Huế đã được đưa đi nơi khác do chủ nhân của chúng (đa số là các gia đình quý tộc cũ) di chuyển nơi ở hoặc bán đi do hoàn cảnh khó khăn. Một số nhà sưu tầm cổ vật tại miền Nam lúc bấy giờ đã có được rất nhiều cổ vật có giá trị từ Huế.

Sau này, một dạng thất thoát đáng nói khác là những cổ vật do người dân tình cờ phát hiện nhưng không báo với chính quyền mà bán cho những người buôn bán phế liệu hoặc buôn bán cổ vật. Hầu hết những cổ vật này đều “lặng lẽ” ra đi khỏi Huế, số ít khác thì “ở lại” nhưng là trong các sưu tập tư nhân chứ rất hiếm khi vào các bảo tàng nhà nước” – TS Hải cho biết thêm.

Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 9
Lăng Kiên Thái Vương bị kẻ gian đào lấy đi nhiều cổ vật tùy táng giá trị sau thời điểm năm 1975. Ảnh: internet.
Huế đã mất lượng cổ vật lớn như thế nào? - ảnh 10
Điện Khải Thành - Lăng vua Khải Định, nơi bị kẻ trộm đột nhập lấy cắp cổ vật.

Cũng sau năm 1975, đặc biệt trong thập niên 1980, ở tại TP Huế và vùng phụ cận, hàng loạt cổ vật quý lại bị đánh cắp do kẻ gian bất chấp mọi luân thường, đạo lý, đào phá hàng chục lăng mộ của ông hoàng bà chúa để hôi của. Lăng Kiên Thái Vương (thân sinh của 3 vị hoàng đế Đồng Khánh, Hàm Nghi và Kiến Phúc), lăng thái hậu Từ Dũ (thân mẫu vua Tự Đức) và lăng hầu hết các chúa Nguyễn đều bị kẻ gian đào bới, lấy đi rất nhiều đồ tùy táng có giá trị.

Trong các năm 2012, 2013, kẻ gian đã đột nhập đánh cắp cổ vật tại điện Khải Thành - lăng Khải Định, điện Hòa Khiêm - lăng của Tự Đức lấy đi một số cổ vật có giá trị…

Theo tienphong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ