Huấn luyện viên Park Hang Seo nhận sai: Nạn nhân của chính mình

GD&TĐ - “Tôi đã sai lầm”, huấn luyện Park Hang Seo chua chát thừa nhận sau trận thua nuối tiếc trước đội tuyển Trung Quốc. Nhưng dường như ông Park đang muốn trốn tránh những sự thật khác đang diễn ở đội tuyển Việt Nam.

HLV Park Hang Seo phát biểu trong phòng họp báo sau trận đấu.
HLV Park Hang Seo phát biểu trong phòng họp báo sau trận đấu.

Vấn đề ở đây mang tính hệ thống từ sự bảo thủ của chiến lược gia người Hàn sau nhiều năm bay bổng với chiến thắng và vô hình trung ông trở thành nạn nhân của chính mình.

Ông Park lảng tránh sự thật!

Chia sẻ với truyền thông, ông bầu Đỗ Quang Hiển của câu lạc bộ Hà Nội FC - nơi cung cấp nhiều tuyển thủ nhất cho đội tuyển Việt Nam cho biết: Tôi luôn ủng hộ HLV Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam một cách tối đa. Nhưng ủng hộ không có nghĩa là thấy sai, lỡ lầm mà không có phản biện, cứ để mặc những thành công vừa qua che đi sai lầm hiện tại.
Bóng đá luôn dịch chuyển, thay đổi và làm mới thì mới có thể duy trì thành công. Mấy trận gần nhất, dường như ông Park bí và sai lầm.
Con người, đội hình của đội tuyển Việt Nam cũ quá, đối thủ dễ dàng đoán được. Tôi quan sát và nhận thấy, ông Park đang lười làm mới. Nói thẳng là bảo thủ. Ê-kíp trợ lý đều nhất nhất nghe theo mọi quyết định của ông Park, thiếu bản lĩnh góp ý và xoay chuyển ông ấy thay đổi”.

Sự thất vọng, nuối tiếc bao phủ trên diện rộng, có chiều sâu sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Trung Quốc kết thúc.

Những Tiến Linh, Duy Mạnh, Văn Toàn hay đội trưởng Quế Ngọc Hải đã khóc như những đứa trẻ trên sân. Bóng đá Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội làm nên lịch sử, có điểm ở vòng loại thứ 3 World Cup và sau 7 lần chạm trán với bóng đá Trung Quốc, cấp đội tuyển quốc gia.

Trong phòng họp báo, huấn luyện viên Park Hang Seo nhận trách nhiệm về mình sau những sai sót chết người của các học trò.

Ông thầy người Hàn thừa nhận, việc thay hậu vệ vội vàng, cụ thể rút Bùi Tiến Dũng ra sân quá sớm, đưa cầu thủ trẻ Thanh Bình vào thay là nguyên nhân khiến đội tuyển Việt Nam liên tiếp nhận các bàn thua cuối trận dẫn đến thất bại chung cuộc.

“Tôi đã thay vị trí hậu vệ vội quá. Đó là lỗi của tôi. Tôi xin nhấn mạnh, sai sót của việc thay người là trách nhiệm của huấn luyện viên” – ông Park phát biểu.

Cách tự nhận trách nhiệm của ông Park là nhằm giảm sức ép cho các học trò không may mắn, những cầu thủ mà theo chiến lược gia người Hàn “họ cần những sai sót để trưởng thành”.

Động thái đó được cho là nhân văn, giúp cầu thủ trẻ Thanh Bình, người đã mắc sai lầm trực tiếp dẫn đến 2 bàn thua của đội tuyển Việt Nam tránh rơi vào tình cảnh suy sụp, đánh mất sự nghiệp.

Thế nhưng, chỉ vài giờ sau trận gặp đội tuyển Trung Quốc, ông thầy người Hàn đã loại Thanh Bình khỏi danh sách đội tuyển sang Oman, trả cầu thủ này về đội U22 Việt Nam.

Nhìn ở góc độ chuyên môn, trong vai trò huấn luyện viên trưởng hai đội tuyển quốc gia Việt Nam, ông Park có quyền bổ sung hoặc loại bỏ bất cứ cầu thủ nào, miễn là quyết định đúng đắn và phù hợp.

Nhưng với Thanh Bình, liệu trung vệ trẻ này có phải là nguyên nhân chính khiến đội tuyển Việt Nam đánh rơi kỷ lục không? Thực tế, cầu thủ của Viettel chỉ là mắt xích trong cỗ máy có nhiều sai sót trong vận hành, chỉ đạo.

Trước đối thủ mạnh, sở hữu ngôi sao Wu Lei, hàng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam tất yếu sụp đổ sau khi đã căng mình chống đỡ ở hiệp 1. Vấn đề ở đây là sự yếu kém của cả hệ thống dẫn đến 3 bàn thua, điều ông Park không hề đề cập đến trong phát biểu sau trận đấu.

Thay vào đó, chiến lược gia người Hàn lại hướng sự chú ý vào bề nổi của vấn đề là quyết định thay người. Thế nên, việc ông Park nhận sai và loại Thanh Bình không phải là phản ứng đúng, thể hiện rõ được thực trạng sai lầm để rút ra bài học kinh nghiệm.

Chính bởi cách dồn lửa vào ngọn thay vì gốc của ông Park có thể khiến người ta quên đi rằng, Tiến Linh mới là “tội đồ” trong bàn thua đầu tiên. Đến bàn thua “định mệnh” phút 90+5, Thanh Bình nhỏ bé và đơn độc trước ngôi sao quốc tế Wu Lei. Tại sao?

Bởi sau bàn gỡ hòa 2-2 của Tiến Linh, huấn luyện viên Park Hang Seo không có ý định bảo toàn tỷ số bằng cách siết lại hệ thống phòng ngự. Ông muốn các học trò dâng cao đội hình giành chiến thắng. Toan tính đấy đã phải trả giá, và với lối chơi mạo hiểm, có lẽ ai ở vị trí Thanh Bình cũng mắc lỗi thôi.

Cần nhớ rằng, cả 2 bàn thắng cuối của đội tuyển Trung Quốc đều đến theo một cách: Wang Shenchao rót bóng từ cánh trái vào và Wu Lei băng cắt dứt điểm cận thành. Với phương thức này, ngay cả khi Wu Lei không thể chạm trúng bóng, khả năng thủ môn Tấn Trường phải vào lưới nhặt bóng vẫn rất cao, điển hình như bàn thua ở phút 90+5.

Để bảo vệ mảnh lưới đội nhà, hệ thống phòng ngự của đội tuyển Việt Nam cần ngăn chặn Wang Shenchao không thể rót bóng thoải mái hoặc trung vệ phía trong phá được bóng trước khi nó chạm đất.

Thanh Bình rõ ràng có lỗi - hay chính xác là non nớt và kém cỏi trong các pha theo kèm Wu Lei. Hậu vệ của Viettel liên tục bị Wu Lei di chuyển vào điểm mù và không kịp phản ứng khi đối thủ tăng tốc.

Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác nếu Thanh Bình nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ các đồng đội. Rõ ràng, việc giao phó hoàn toàn một tiền đạo đang chơi bóng La Liga cho một trung vệ 21 tuổi với kinh nghiệm thi đấu gói gọn trong năm 2021 là không ổn.

Sai lầm từ… sự bảo thủ?

Đội trưởng Quế Ngọc Hải thất vọng sau trận đấu.

Đội trưởng Quế Ngọc Hải thất vọng sau trận đấu.

Sau thất bại đáng tiếc trước đội tuyển Trung Quốc, vấn đề đặt ra với ông Park và đội tuyển Việt Nam không phải là sai lầm của trung vệ trẻ Thanh Bình. Lối chơi của đội tuyển Việt Nam, gồm yếu tố con người, chiến thuật như thế nào… mới là khâu then chốt.

Dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam gần như trung thành với chiến thuật phòng ngự chặt, phản công nhanh. Chỉ trước các đối thủ rất yếu ở khu vực, chúng ta mới dâng lên tấn công áp đặt lối chơi. Đây được xem là chiến thuật hợp lý với đội tuyển Việt Nam, mà thành quả là góp mặt trong nhóm 10 đội mạnh nhất tranh 4,5 vé World Cup 2022.

Mặc dù vậy, việc đội tuyển Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công trong những năm gần đây, dưới triều đại ông Park có thể khiến người hâm mộ, kể cả giới chuyến môn ngộ nhận sức mạnh thật sự của đội nhà.

Chúng ta có thể chơi tốt khi tập trung phòng ngự, chờ đợi cơ hội đối phương sơ hở, sai lầm, song vừa phòng ngự hiệu quả và vừa tấn công hay thì lại là câu chuyện ở đẳng cấp khác rất nhiều, đặc biệt trước các đối thủ mạnh hơn. Với đội tuyển Việt Nam hiện nay, đòi hỏi điều đó ở vòng loại World Cup 2022 là sự ảo tưởng, dễ dẫn đến sự sụp đổ.

Việc dâng lên tấn công đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro ở phía sau như nửa cuối hiệp hai với Trung Quốc và ngược lại, việc tập trung phòng ngự sẽ buộc chúng ta chấp nhận thế công tẻ nhạt như hiệp một trước Trung Quốc.

Nhiều người vội vàng nhìn hai bàn thắng của Tấn Tài, Tiến Linh mà cho rằng chúng ta có thể thắng Trung Quốc, nhưng quên đi các đường lên bóng đó chỉ đến khi Trung Quốc lùi sâu. Khi đối thủ cũng cần bàn thắng, việc Việt Nam đang sử dụng các con người có thiên hướng tấn công cao hơn lập tức khiến chúng ta trả giá.

Rõ ràng, đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là huấn luyện viên Park Hang Seo còn nhiều điều phải làm, nghiêm túc rút những bài học sau trận thua đội tuyển Trung Quốc. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, đội tuyển Việt Nam yếu về bản lĩnh, kinh nghiệm, và tránh rơi vào trạng thái tâm lý ăn thua.

Thầy trò ông Park có một vài thời điểm chơi khá ổn, đập nhả phối hợp và bọc lót hiệu quả. Nhưng đó cũng là tất cả những gì các tuyển thủ có thể làm được ở thời điểm hiện tại. Con người của chúng ta chỉ có thế.

Sâu xa hơn nữa, xung quanh thực trạng những trụ cột có dấu hiệu “xuống sức”, chấn thương, hay những gương mặt trẻ cạn động lực phấn đấu còn phơi bày vấn đề âm ỉ lâu nay của đội tuyển Việt Nam đó là sự bảo thủ của ông Park.

Chiến lược gia người Hàn luôn đặt niềm tin vào bộ khung cũ với những trụ cột từng nhiều năm gắn bó với tuyển quốc gia. Nhiều cầu thủ lên tuyển chỉ quen phận… dự bị. Phải chăng trước những “đòi hỏi” ngày càng lớn về việc làm mới đội tuyển, ông Park đã đưa gương mặt cực mới – Thanh Bình vào sân để rồi nhiều người ôm hận!

Trong 4 năm qua, ông Park hầu như chỉ làm việc với một nhóm khoảng trên dưới 20 cầu thủ, mà chủ yếu là bộ khung đã cùng ông làm nên lịch sử ở VCK U23 châu Á năm 2018 và AFF Cup 2018.

Như trận đấu với đội tuyển Australia vào ngày 7/9 vừa qua, khi hàng thủ đội tuyển Việt Nam khủng hoảng lực lượng nghiêm trọng với Duy Mạnh bị treo giò, Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng và Thành Chung bị chấn thương.

Thế nhưng, ông Park vẫn mạo hiểm xếp Bùi Tiến Dũng và Thành Chung ra sân từ đầu, để rồi cả 2 đều không thể thi đấu trọn vẹn 90 phút, riêng Thành Chung còn bị tái phát chấn thương nặng hơn và phải nghỉ thi đấu ít nhất 1-2 tháng.

Việc ông Park chỉ tập trung vào số ít các gương mặt quen thuộc đã gióng hồi chuông cảnh báo về vấn đề tạo nguồn kế cận cho đội tuyển, khám phá năng lực của những gương mặt mới, đặc biệt tránh cho những cầu thủ trụ cột rơi vào trạng thái quá tải, chấn thương. Quang Hải là một điển hình.

Hay như Văn Hậu, dù chưa bình phục chấn thương nhưng anh vẫn cày ải cả 3 trận quyết định của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Để rồi hậu vệ ngôi sao của câu lạc bộ Hà Nội đến giờ chưa xác định được ngày trở lại.

Đã đến lúc ông Park cần thay đổi sau một chu kỳ thành công ngoài mong đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ