Hơn 30 lính NATO thiệt mạng trong vụ Patriot bị phá hủy

GD&TĐ - Sĩ quan quân đội Mỹ Stanislav Krapivnik vừa cho biết con số thiệt hại khổng lồ với NATO sau khi Nga phá hủy hệ thống phòng không Patriot tại Ukraine.

Đoàn xe tên lửa phòng không Ukraine bị ngắm bắn.
Đoàn xe tên lửa phòng không Ukraine bị ngắm bắn.

Tờ Forbes dẫn lời Stanislav Krapivnik cho biết, hơn 30 quân nhân từ các nước NATO có thể bị loại khỏi vòng chiến đấu cùng với hệ thống phòng không Patriot ở Ukraine trong vụ tấn công bằng tên lửa Iskander-M của Nga hôm 9/3.

"Quân nhân Mỹ đã đến Ukraine để bảo trì hệ thống phòng không Patriot. Tuy nhiên, các quân nhân NATO khác cũng có thể ở đó, đặc biệt là tại tiền tuyến. Ví dụ, Ukraine từng tiết lộ các binh sĩ Đức đang vận hành Patriot. Tôi không ngạc nhiên với thông tin này. Trước đó binh sĩ Anh cũng ở đó và họ từng bị tiêu diệt cùng với Patriot", ông nói.

Ông Stanislav Krapivnik tiết lộ: "Một khẩu đội phòng không Patriot Mỹ thường vận hành bởi từ 20 đến 30 người hoặc nhiều hơn nữa. Tại Ukraine, số người vận hành này không đổi và phần lớn là lính Mỹ. Rất không may cho lực lượng này là họ đã trúng đòn tấn công từ tên lửa đạn đạo Nga, không có dấu hiệu nào cho thấy họ sống sót".

Chuyên gia David Axe của Forbes cho biết, quân đội Ukraine đã tiếp nhận tổng cộng 3 hệ thống Patriot, gồm 2 tổ hợp của Đức và một từ Mỹ, kèm theo 4 bệ phóng riêng lẻ. Phương Tây không công bố số lượng khí tài được chuyển giao, nhưng mỗi tổ hợp Patriot có thể được biên chế 4-8 bệ phóng.

"Hai xe bệ phóng Patriot phát nổ tại chỗ, kíp vận hành tên lửa cũng gần như chắc chắn đã thiệt mạng. Đòn tập kích thảm họa này đã xóa sổ 7-13% tổng số bệ phóng Patriot trong biên chế quân đội Ukraine", David Axe nói.

Chuyên gia nhận định tổ hợp phòng không Patriot có thể bắn hạ tên lửa Iskander, nhưng với điều kiện chúng đang được triển khai và trực chiến, không phải đang di chuyển trên đường. Vụ tập kích cũng cho thấy quân đội Nga đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện "chuỗi hủy diệt" gồm trinh sát, phát hiện mục tiêu và công kích.

Đoàn xe Ukraine bị drone trinh sát Nga phát hiện khi dừng trên đường, dường như là đang nghỉ chân trên hành trình đến trận địa mới. Đây là thời điểm vàng để Nga tung đòn tấn công, do mục tiêu cố định dễ bị nhắm bắn hơn khí tài đang hành quân, nhưng cũng đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn và nhanh chóng giữa kíp UAV, sở chỉ huy và khẩu đội tên lửa Iskander để không bỏ lỡ thời cơ.

Đòn tấn công cũng là ví dụ mới nhất cho thấy lưới phòng không tiền tuyến của Ukraine đang bị kéo căng, khi đoàn xe không có biện pháp bảo vệ, cho phép UAV Nga theo dõi từ đầu đến cuối.

"Có khả năng phòng không Ukraine đang phải căng mình phòng thủ các đô thị và lực lượng bộ binh. Nhiều lỗ hổng đã xuất hiện trong thời gian gần đây", Axe nhận xét.

Hôm 6/3, Bộ Quốc phòng Nga công bố video tên lửa Iskander phá hủy pháo phản lực HIMARS, trong khi ít nhất một bệ phóng cùng radar dẫn bắn AN/MPQ-64 Sentinel của tổ hợp NASAMS cũng bị pháo phản lực, UAV Nga đánh trúng hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3.

"Lưới phòng không Ukraine vốn đã bị kéo giãn sẽ càng gặp nhiều khó khăn sau khi mất hai bệ phóng Patriot. Nước này cũng khó lòng bù đắp được tổn thất trong tương lai gần", Axe cảnh báo.

Nhà thầu Raytheon của Mỹ là nhà sản xuất duy nhất của hệ thống Patriot đang phải đáp ứng hàng loạt đơn hàng của nước ngoài. Ukraine hoặc đồng minh phương Tây có thể bỏ ra hàng triệu USD để đặt mua hai bệ phóng mới, nhưng họ sẽ phải chờ từ vài tháng đến nhiều năm.

"Phương án nhanh nhất là tìm kiếm từ quốc gia sản xuất là Mỹ, nhưng quốc hội Mỹ vẫn chặn các gói viện trợ quân sự cho Ukraine suốt nhiều tháng qua. Mỗi bệ phóng Patriot bị phá hủy tại Ukraine sẽ càng khoét sâu vào lỗ hổng phòng không rất khó lấp đầy của họ", Axe nhấn mạnh.

Clip đoàn xe phòng không Ukraine trúng đòn tấn công của Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.