Hợp tác với doanh nghiệp trong chương trình đào tạo sinh viên

GD&TĐ - Việc hợp tác cùng với doanh nghiệp trong chương trình đào tạo đã mang lại nhiều kết quả thuận lợi cho sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp.

Hội nghị "Hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo” tại trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế. (Ảnh: Hoàng Hải).
Hội nghị "Hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo” tại trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế. (Ảnh: Hoàng Hải).

Ngày 5/5, Trường Đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế đã tổ chức hội nghị “Hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo” với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp và nhà sử dụng lao động. Chương trình nhằm xác định được tầm quan trọng của hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo, đồng thời là cơ sở để đánh giá kết quả hợp tác giai đoạn 2020 – 2023 và định hướng kế hoạch hợp tác doanh nghiệp 2023 – 2025.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp và nhà sử dụng lao động.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp và nhà sử dụng lao động.

Hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo

Hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo là một trong những hoạt động của Ngày hội việc làm năm 2023 do trường ĐH Nông Lâm tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Trần Thanh Đức – Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho biết: “Mục tiêu lâu dài và bền vững của Trường ĐH Nông Lâm là những học viên, sinh viên có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, năng động, sáng tạo, trung thực, thích ứng tốt và có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh. Chúng tôi tin tưởng rằng, những tố chất mà chúng tôi định hướng cho người học, cho sinh viên cũng phù hợp với nhu cầu cũng như định hướng phát triển nguồn nhân lực của quý công ty, cơ quan công ty, doanh nghiệp”.

PGS.TS. Trần Thanh Đức – Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế phát biểu tại hội nghị.

PGS.TS. Trần Thanh Đức – Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế phát biểu tại hội nghị.

“Với mong muốn lắng nghe các ý kiến của các công ty, doanh nghiệp về hoạt động đào tạo của nhà trường, về chương trình đào tạo và năng lực người học, chúng tôi hy vọng nhận được những đóng góp ý kiến của quý vị đại biểu để có cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng toàn cầu hóa trong đào tạo”, PGS.TS. Trần Thanh Đức bày tỏ.

Việc hợp tác chặt chẽ với công ty, doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ của sinh viên đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động là chủ trương của nhà trường trong nhiều năm qua.

Ngoài việc mời các công ty, doanh nghiệp tham gia góp ý vào chương trình đào tạo, trực tiếp đào tạo, huấn luyện cho sinh viên thông qua các buổi CEO talk, talkshow, tài trợ học bổng cho sinh viên, cho đến tiếp nhận sinh viên đến thực tập nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp tại các công ty, doanh nghiệp và tham gia tuyển dụng sinh viên thông qua các chương trình tuyển dụng ngày hội việc làm.

Nhiều kết quả đạt được khi hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo

Trong giai đoạn 2020 – 2023, trước bối cảnh đại dịch Covid 19 kéo dài, tuy nhiên, các tập đoàn, doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng trường ĐH Nông Lâm trong hoạt động đào tạo, hỗ trợ sinh viên và tạo việc làm cho sinh viên khi ra trường.

Kết quả hàng năm, trên 90% sinh viên của trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, trong 3 lần liên tiếp tổ chức ngày hội việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các tập đoàn, doanh nghiệp luôn lớn hơn gấp 3 lần số lượng sinh viên của nhà trường tốt nghiệp. Đó chính là minh chứng rõ nét nhất đánh giá hiệu quả hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế báo cáo kết quả hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo tại hội nghị.

PGS.TS Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế báo cáo kết quả hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo tại hội nghị.

Các ý tưởng và nội dung hợp tác đều xuất phát từ nhu cầu của nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường còn có đội ngũ cựu sinh viên thành đạt đang công tác ở các doanh nghiệp thường quan tâm, hỗ trợ trong kết nối và triển khai thực hiện các nội dung hợp tác.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các nội dung hợp tác đã tăng cường gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, tạo điều kiện hiểu rõ hơn và nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp để cải tiến phương pháp tiếp cận trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đã có 24 doanh nghiệp và tập đoàn hỗ trợ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tập tốt. Hợp tác đào tạo kết hợp sản xuất, thực tập nghề, thực tập cuối khóa, hỗ trợ trong quá trình thực tập cho sinh viên, đồng thời hợp tác trong chương trình đào tạo, hỗ trợ cho sinh viên làm việc tại nước ngoài từ 80 – 100 sinh viên/năm.

Hằng năm, các doanh nghiệp tuyển dụng từ 2500 – 3500 vị trí việc làm cho sinh viên và tài trợ học bổng thủ khoa từ 150 – 180 triệu/ năm, tài trợ 1 tỷ đồng/năm học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...

PGS. TS Mạc Như Bình - Khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế trình bày tại hội nghị tham luận: "Vai trò của hợp tác doanh nghiệp trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành Thủy sản". (Ảnh: Hoàng Hải).

PGS. TS Mạc Như Bình - Khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế trình bày tại hội nghị tham luận: "Vai trò của hợp tác doanh nghiệp trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành Thủy sản". (Ảnh: Hoàng Hải).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo cũng gặp một số khó khăn nhất định. Việc triển khai hợp tác không đồng đều và rộng khắp trong các ngành đào tạo mà chỉ chú trọng ở một số ngành doanh nghiệp đang “khát” nhân lực. Nội dung hợp tác chủ yếu là hỗ trợ sinh viên đến thực tập ở doanh nghiệp, hỗ trợ học bổng cho sinh viên, hỗ trợ một số hoạt động phong trào của nhà trường và sinh viên mang tính quảng bá. Hầu như không có doanh nghiệp đầu tư đào tạo trong khoá sinh viên, mà doanh nghiệp nào mạnh dạn nhất cũng chỉ “đặt hàng” sinh viên 2 năm cuối, hoặc 1 năm cuối trước khi ra trường...

Từ những khó khăn trên, trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế đã đưa ra một số định hướng trong hợp tác doanh nghiệp giai đoạn 2023 – 2025 như: nhà trường và doanh nghiệp cần có các giải pháp để cùng mở rộng quan hệ hợp tác đa dạng, lâu dài, bền vững trong đào tạo và tuyển dụng nhân lực. Các doanh nghiệp cần xác định nhu cầu nguồn nhân lực đảm bảo cho phát triển lâu dài và các yêu cầu năng lực cần thiết của người học phục vụ cho doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở cho nhà trường thiết kế lại chương trình đào tạo để phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm tại doanh nghiệp...

Hợp tác doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học ở Việt Nam, việc chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững, đôi bên cùng có lợi sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Với quan điểm tiếp cận đó, nhà trường luôn sẵn sàng mở rộng hợp tác với tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực đang đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.