Làm gì để cải thiện vị trí đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng QS Châu Á?

GD&TĐ - Đẩy mạnh nghiên cứu và công bố quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, hợp tác quốc tế, tự chủ đại học là cách để các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam tham gia và cải thiện vị thứ của mình trong bảng xếp hạng ĐH Châu Á.

SV Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng với mô hình Dạy hoc theo dự án.
SV Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng với mô hình Dạy hoc theo dự án.

“Bắt mạch” giáo dục đại học

Năm 2020, Việt Nam có 8 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong top 500 ĐH tốt nhất Châu Á theo bảng xếp hạng của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS – Anh quốc), chiếm 3,4 %. Trong đó, ĐHQG TP Hồ Chí Minh xếp thứ 143, ĐHQG Hà Nội xếp thứ 147, ĐH Tôn Đức Thắng ở vị trí 207, ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 267 – 270, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng nằm trong nhóm 401 – 450; ĐH Huế và trường ĐH Duy Tân nằm trong nhóm 451 – 500. So với bảng xếp hạng năm 2019, Việt Nam có thêm trường ĐH Duy Tân.

Bảng xếp hạng ĐH Châu Á do QS thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2020 sử dụng bộ tiêu chí gồm 11 chỉ số cơ bản, trong đó mỗi chỉ số có một tỉ lệ nhất định theo những mức độ quan trọng riêng. TS Vương Thị Bích Thủy – Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Những tiêu chí đánh giá trong bảng xếp hạng ĐH Châu Á của QS phù hợp với phần đông các trường ĐH ở Châu Á, nhất là các chỉ số liên quan đến danh tiếng, uy tín về học thuật, chất lượng SV tốt nghiệp trên thị trường lao động và mạng lưới nghiên cứu quốc tế.

Đây là những tiêu chí cơ bản đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH mà bất kỳ trường ĐH nào ở Châu Á cũng hướng đến và có thể cải thiện được nếu có điều kiện đầu tư. Các chỉ báo thuộc tiêu chí “Chất lượng nghiên cứu” cũng không quá khó như các bảng xếp hạng quốc tế danh tiếng khác. QS Asia không chỉ tính đến các bài báo có chỉ số trích dẫn cao, mà còn xem xét cả tỉ số bài báo trên giảng viên và chỉ số trích dẫn bình quân bài báo khoa học của đội ngũ giảng viên. Chỉ số “mức độ quốc tế hóa” được cụ thể hóa thành 4 chỉ báo là tỉ lệ giảng viên quốc tế, tỉ lệ SV quốc tế, tiếp nhận SV trao đổi, gửi SV ra nước ngoài trao đổi với tỉ lệ trọng số phù hợp”.

Tỷ trọng đánh giá 11 tiêu chí theo QS Ranking.
Tỷ trọng đánh giá 11 tiêu chí theo QS Ranking.

Tham gia bảng xếp hạng ĐH Châu Á, các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam có cơ hội để đối sánh, nhận diện, phát triển thương hiệu của mình và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có một số ít trường xuất hiện trong bảng xếp hạng QS Asia và cơ bản là thiếu vắng trong các bảng xếp hạng quốc tế khác.

Theo như phân tích của TS Vương Thị Bích Thủy thì có hai rào cản chủ yếu của giáo dục ĐH Việt Nam khi tham gia xếp hạng quốc tế. “Trước hết, do hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam có nhiều khác biệt so với Châu Á. Đa phần các trường ở Việt Nam chủ yếu đào tạo đơn ngành, cho nên khi tham gia xếp hạng không tránh khỏi những bất cập. Một khó khăn nữa là chất lượng đào tạo, danh tiếng về học thuật và chất lượng SV tốt nghiệp là những tiêu chí cơ banrm chiếm trọng số lớn trong bảng xếp hạng. Nhưng đối với các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam thì các tiêu chí này chưa theo kịp một số trường ĐH tiên tiến ở Châu Á”.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Năm 2019, lần đầu tiên ĐH Đà Nẵng có mặt trong nhóm 500 các trường ĐH hàng đầu Châu Á. Tuy nhiên, vị thứ xếp hạng vẫn còn khá thấp: 493. Đến năm 2020, ĐH Đà Nẵng tăng thứ hạng, nằm trong top 401 – 450 ĐH tốt nhất Châu Á. Theo như phân tích của nhóm giảng viên Đặng Thị Thùy Dương, Trương Trung Phùng (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) thì “ĐH Đà Nẵng đã lụa chọn và xác định được những cơ sở dữ liệu Scopus chuyên công bố các ấn phấm khoa học và số lượng trích dẫn bài báo khoa học để giới thiệu và hướng dẫn CB, giảng viên tham gia.

Đánh giá ngoài 4 chương trình đào tạo (Kỹ thuật Cơ khí- chuyên ngành Cơ khí động lực; Kỹ thuật Xây dựng-chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Kỹ thuật Cơ điện tử và Công nghệ sinh học) của trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA.
Đánh giá ngoài 4 chương trình đào tạo (Kỹ thuật Cơ khí- chuyên ngành Cơ khí động lực; Kỹ thuật Xây dựng-chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Kỹ thuật Cơ điện tử và Công nghệ sinh học) của trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA.

Từ đó, việc cập nhật các hoạt động nghiên cứu của CB, giảng viên của ĐH Đà Nẵng trên Google Scholar thường xuyên được tiến hành và rà soát, số lượng bài báo đăng trên các tạp chí có chỉ số Scopus tăng nhanh”. Kết quả là ĐH Đà Nẵng có điểm đánh giáo cao nhất liên quan đến “trích dẫn trung bình của mỗi bài báo”. Ngoài ra, chỉ số về mạng lưới nghiên cứu quốc tế và chỉ số về số lượng giảng viên quốc tế giảng dạy, nghiên cứu tại ĐH Đà Nẵng đạt mức đánh giá cao và góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế xếp hạng của ĐH Đà Nẵng năm 2020 so với năm 2019.

Trên cơ sở này, nhóm giảng viên này đề xuất ĐH Đà Nẵng cần thành lập những nhóm nghiên mạnh về công bố khoa học chất lượng cao. Một giải pháp khác được nhóm đưa ra là cần có chính sách thu hút hợp tác với các nhà khoa học gốc Việt (đã nghỉ hưu ở nước ngoài) và nhà khoa học uy tín thế giới thông qua hình thức mời đến công tác ngắn hạn.

TS Vương Thị Bích Thủy nhận định: “Duy trì số lượng và nâng cao chất lượng công bố quốc tế để có tên trong bảng xếp hạng ĐH Châu Á (QS Asia) trong thời gian sắp đến là nhiệm vụ không dễ dàng nếu các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam thiếu một chiến lược phát triển dài hạn. Các trường cần đổi mới cơ chế quản lý, tái cấu trúc để tăng hiệu quả quản trị, có chính sách thu hút, tuyển dụng giảng viên giỏi, có trình độ cao, nhất là giảng viên nước ngoài; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để tăng số lượng và chất lượng nghiên cứu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.