ĐH Đà Nẵng phong tặng Giáo sư danh dự cho GS.TSKH Lê Thành Nhân

GD&TĐ - Ngày 19/11, ĐH Đà Nẵng đã phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự cho GS.TSKH Lê Thành Nhân - đang giảng dạy, NCKH tại Trường ĐH Nice-Sophia Antipolis (UNS) thành viên ĐH Côte d’Azur (UCA), Cộng hòa Pháp.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng GS.TSKH Lê Thành Nhân
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng tặng hoa chúc mừng GS.TSKH Lê Thành Nhân

Đây là sự kiện nhằm ghi nhận, vinh danh những cống hiến của GS.TSKH. Lê Thành Nhân đối với ĐH Đà Nẵng, đóng góp cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Pháp trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.

GS.TSKH Lê Thanh Nhân đã từng đảm nhận phụ trách các chương trình đào tạo Thạc sĩ về công nghệ thông tin của UNS (1988-2014), Trưởng khoa Khoa Tin học của Trường IUT thuộc UNS (2014-2019). GS.TSKH. Lê Thành Nhân được UNS phong hàm Phó Giáo sư (1988), Giáo sư hạng 2 (1992) và Giáo sư hạng nhất (2010). Giáo sư đã công bố hơn 200 bài báo khoa học, tham gia biên soạn 02 cuốn sách chuyên khảo trong lĩnh vực khoa học máy tính và là thành viên nhiều hội đồng khoa học có uy tín trên thế giới. Giáo sư đã hướng dẫn và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cho hơn 30 nghiên cứu sinh và hơn 100 học viên cao học.

GS.TSKH. Lê Thành Nhân là thành viên sáng lập Viện Quốc tế Pháp ngữ IFI, Hà Nội (1988-1994), tham gia Hội đồng Khoa học của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và đặt nền móng cho sự hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và ĐH Côte d’Azur, Trường ĐH Nice Sophia Antipolis từ năm 1996 đến nay.

Giáo sư đã kết nối, phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa 2 ĐH: Thiết lập văn phòng đại diện cơ sở đào tạo sau ĐH của UNS tại ĐH Đà Nẵng (tháng 9/2009); từ đó triển khai 3 chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ (Quản lí nguồn nước, Khoa học Máy tính và Quản trị kinh doanh); đào tạo hơn 100 Thạc sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực cần thiết trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập.

Từ năm 2010-2013, GS.TSKH. Lê Thành Nhân đã kết nối, giới thiệu để ĐH Đà Nẵng tham gia nhiều dự án quốc tế như: Dự án EMMA East (2010), EMMAsia (2013), các dự án do AUF tài trợ, các dự án trong khuôn khổ Nghị định thư Asia Stic… Thông qua Dự án EMMA, nhiều cán bộ, giảng viên của ĐH Đà Nẵng đã được cử đào tạo, nghiên cứu tại UNS, CH Pháp, trong đó nhiều người tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ. Thông qua các dự án này đã tạo tiền đề giúp ĐH Đà Nẵng phát triển, nâng cao uy tín, học hiệu và mở rộng hợp tác với nhiều đối tác quốc tế mới của CH Pháp cũng như Châu Âu.

Đến năm 2017, GS.TSKH. Lê Thành Nhân đã khởi xướng, đề xuất ý tưởng và chủ trì Đề án thành lập Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng (DNIIT) dựa trên Thỏa thuận hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng, AUF và UNS, thành viên của UCA, CH Pháp (ký ngày 18/3/2017). Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình triển khai “Mô hình hợp tác ĐH không biên giới” (2010) giữa ĐHĐN và UCA. 

Từ đó đến nay, trên cương vị Viện trưởng Viện DNIIT, GS.TSKH. Lê Thành Nhân đã lãnh đạo và giữ vai trò đầu mối gắn kết giữa ĐH Đà Nẵng và UNS, thành viên của UCA phối hợp triển khai nhiều hoạt động khoa học, đào tạo, điển hình như: Hội thảo khoa học quốc tế RUNSUD, Chương trình “Smart Campus” (từ năm 2017-nay) cho các trường thành viên ĐH Đà Nẵng (ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm kỹ thuật, Trường CĐ Công nghệ thông tin, Khoa Công nghệ thông tin &Truyền thông); Trường hè quốc tế SuperComputing (2018)…

Đặc biệt, Giáo sư đã hỗ trợ, đồng hành phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh như: EMOTICA, SUSHA, POSCA, SWAT, MAVAK, ECARE,… quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên của UCA và ĐH Đà Nẵng cũng như các trường ĐH uy tín của CH Pháp, Châu Âu; chủ trì, đề xuất nhiều nguồn tài trợ nghiên cứu khoa học từ các Bộ, Ngành, thành phố Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp cho các nhóm nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng. Giáo sư hiện là Chủ nhiệm Đề án khoa học cấp Quốc gia "Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp phân tích nhanh kết hợp xử lý dữ liệu đa chiều và học máy trong kiểm soát chất lượng một số loại hải sản" với sự tham gia của các nhà khoa học Pháp và Việt Nam. Giáo sư cũng đang chủ trì Đề án xây dựng hạ tầng mạng LoRa cho Thành phố Đà Nẵng để góp phần phát triển “thành phố thông minh” (Smart City).

Về đào tạo, Giáo sư đã xây dựng, triển khai Đề án liên kết đào tạo Thạc sĩ ngành “Du lịch điện tử” trong khuôn khổ các dự án do AUF tài trợ hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và bền vững cho du lịch Việt Nam. Trong khuôn khổ Chương trình ERASMUS, GS.TSKH. Lê Thành Nhân đã kết nối để các cán bộ, giảng viên, SV ĐH Đà Nẵng nhận được hơn 40 suất học bổng trao đổi đào tạo, nghiên cứu tại UCA (19 giảng viên, 23 SV); 62 lượt cán bộ, giảng viên và SV từ UCA đến ĐH Đà Nẵng trao đổi, nghiên cứu (35 giảng viên, 30 SV)...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ