Đây là cơ hội để các chuyên gia và đại biểu tham dự chia sẻ những phân tích sâu sắc về tình hình ô nhiễm rác thải nhựa tại các đại dương trên thế giới, đặc biệt là ở Biển Đông, những tác động tiêu cực đối với phát triển và an ninh khu vực ở các cấp độ khác nhau, chính sách môi trường biển của các quốc gia và cách thức khu vực nên thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn nạn xuyên quốc gia này.
Phát biểu tại khai mạc Đối thoại, đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Stacey Nation cho biết, việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở các đại dương trên thế giới là một trong những thách thức môi trường lớn nhất. Nếu chúng ta không hành động, đời sống trên biển, hệ sinh thái và sức khoẻ con người sẽ chịu những tác động vô cùng to lớn và Chính phủ Australia cam kết hỗ trợ các đối tác nâng cao nhận thức và năng lực giải quyết mối đe dọa này.
Trưởng Đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam Peter Girke cho rằng, những đồ dùng nhựa sử dụng một lần như ống hút, đĩa, dao hay tăm bông chiếm tới 70% lượng rác thải ở biển. Thay đổi trong việc lựa chọn đồ dùng hàng ngày có thể làm giảm nhu cầu sử dụng nhựa một cách rõ rệt.
Chia sẻ về vấn đề rác thải nhựa trước Đối thoại, TS Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, Biển Đông là một trong những vùng biển chịu ô nhiễm rác thải nhựa nặng nề trên thế giới; từ năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã khởi động chiến dịch ứng phó với tình trạng xả rác thải nhựa và sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu này trong những năm sắp tới điều này phù hợp với Tuyên bố chung của Lãnh đạo Cấp cao Đông Á về hợp tác giải quyết vấn đề rác thải nhựa (được thông qua vào tháng 11/2018 vừa qua) kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác và phối hợp khu vực ở mọi cấp độ để giảm thiểu và xoá bỏ tình trạng xả thải nhựa.