Hợp tác đào tạo, công nhận tín chỉ: Luật đã mở sao ít trường vào?

GD&TĐ - Một số trường đại học đã thỏa thuận hợp tác đào tạo, công nhận tín chỉ của nhau. 

Một buổi học trong chương trình trao đổi sinh viên UEH Mekong Summer Camp 2023 được tổ chức tại Phân hiệu Vĩnh Long - Đại học Kinh tế TPHCM, cuối tháng 6/2023. Ảnh: UEH
Một buổi học trong chương trình trao đổi sinh viên UEH Mekong Summer Camp 2023 được tổ chức tại Phân hiệu Vĩnh Long - Đại học Kinh tế TPHCM, cuối tháng 6/2023. Ảnh: UEH

Việc này mang đến lợi ích cho người học, đồng thời tạo động lực phát triển cho chính nhà trường.

Bắt tay hợp tác

Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) vừa thông báo đến sinh viên khóa 47, 48 (tuyển sinh năm 2021, 2022) đăng ký tham gia học tập trao đổi chính thức tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) trong học kỳ đầu 2024. Sinh viên UEH có thể học tập tại NEU ở Hà Nội từ giữa tháng 12/2023 đến khoảng cuối tháng 4/2024, thi kết thúc học phần vào giữa tháng 5/2024. Học phần đăng ký học tập trao đổi phải thuộc danh mục công nhận tương đương giữa UEH và NEU, có trong chương trình đào tạo chính khóa của sinh viên. Học kỳ này, người học được đăng ký 27 học phần.

Theo đại diện UEH, đây là chương trình cụ thể hóa các nội dung trong biên bản thỏa thuận hợp tác giữa 10 trường đại học khối ngành Kinh tế về hoạt động đào tạo, trao đổi sinh viên và đảm bảo chất lượng hồi tháng 10/2022.

Ngoài UEH, các trường đại học tham gia thỏa thuận này gồm: Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Thương mại, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Chính sách và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với chương trình chính quy, sinh viên các trường này được đăng ký học tập 1 - 2 học kỳ ở các đơn vị trong nhóm, mỗi kỳ từ 12 đến 25 tín chỉ. Sinh viên sẽ học tập, thực tập, nghiên cứu cùng người trường tiếp nhận.

Việc hợp tác trao đổi sinh viên, công nhận tín chỉ đào tạo ngày càng được nhiều trường đại học, đại học thực hiện những năm gần đây. Mới nhất là thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Huế, được ký kết vào tháng 12/2023.

Hai đại học sẽ phối hợp thực hiện các nội dung: Đào tạo đại học và sau đại học; đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học đa ngành;… Trong lĩnh vực đào tạo, hai đại học sẽ trao đổi giảng viên; xây dựng, chia sẻ chương trình đào tạo đại học và sau đại học tiến đến công nhận tín chỉ lẫn nhau; tham gia các chương trình đào tạo quốc tế, trao đổi sinh viên.

Trước đó, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng cho phép sinh viên được trao đổi học tập, nghiên cứu trong khối ba trường. Các trường sẽ tổ chức các khóa trao đổi theo hình thức dài hạn hoặc ngắn hạn.

Với khóa dài hạn (một học kỳ tương ứng khoảng 20 tuần), sinh viên được đăng ký tối đa 15 tín chỉ. Với các khóa ngắn hạn (học kỳ hè tương ứng từ 6 đến 8 tuần), sinh viên có thể đăng ký học tập từ 1 - 2 học phần. Ngoài thời gian lên lớp, sinh viên có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giảng viên trường tiếp nhận.

Nhiều trường đại học khác không ký kết hợp tác theo nhóm trường mà thỏa thuận “song phương” với các trường có nhiều đặc điểm tương đồng về vị trí địa lý, nhóm ngành đào tạo. Chẳng hạn, nhiều năm qua, Trường Đại học Nha Trang thỏa thỏa thuận hợp tác và đào tạo, công nhận tín chỉ với Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Kiên Giang, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Các ngành được ưu tiên hợp tác, công nhận tín chỉ thuộc lĩnh vực Du lịch, Công nghệ thực phẩm, Thủy sản…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lợi ích kép

TS Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho rằng, hợp tác trong đào tạo, công nhận tín chỉ lẫn nhau mang đến nhiều lợi ích cho nhà trường. Theo đó, chất lượng đào tạo được thúc đẩy, giảng viên cọ xát, học hỏi và nâng cao trình độ. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất thuộc về sinh viên. Các em có những trải nghiệm học tập, rèn luyện, tìm hiểu văn hóa đời sống và giao lưu sinh viên với trường khác.

“Chẳng hạn, sinh viên có thể kết hợp việc trải nghiệm, du lịch ở một địa phương khác mà vẫn hoàn thành một số tín chỉ trong chương trình học tập. Hoặc với những em nghỉ hè, về quê có thể học tập 1 - 2 học phần tại trường khác cũng mang lại lợi ích về thời gian, tài chính”, TS Nam cho hay.

Ông Quách Hoài Nam cho biết thêm, trong năm học vừa qua, có gần 100 sinh viên ở các trường đối tác đến học tập, trải nghiệm tại Trường Đại học Nha Trang, chủ yếu ở nhóm ngành Du lịch và Ngôn ngữ. Với khối ngành Du lịch, việc được học tập ngắn hạn và trải nghiệm thực tế tại TP Nha Trang, Khánh Hòa - địa phương có thế mạnh ngành du lịch, cũng mang đến cho sinh viên những bài học quý.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho rằng, việc các trường đại học hợp tác trong đào tạo, công nhận tín chỉ phù hợp với xu thế đại học trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ. Theo đó, người học có thể học tập và tích lũy tín chỉ ở bất cứ đâu. Trường đại học cũng chia sẻ được nền tảng học liệu, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm với đối tác.

Hợp tác, chia sẻ chương trình đào tạo và tiến tới công nhận tín chỉ lẫn nhau, theo nhiều chuyên gia, là động lực giúp các trường cùng phát triển. Tại lễ thỏa thuận với Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế khẳng định, đây cơ sở để hai đại học cùng đồng hành thực hiện sứ mạng, chiến lược phát triển, phát huy thế mạnh mỗi bên. Hợp tác này còn góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế - xã hội khu vực và cả nước.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhận định, trước bối cảnh Đại học Huế đang phấn đấu trở thành một trong các đại học quốc gia của Việt Nam, hợp tác này giúp hai bên có thể chia sẻ kinh nghiệm về quản trị đại học, phát triển hệ thống, chuyển đổi số.

Hợp tác đào tạo, công nhận tín chỉ giữa các trường đại học còn được thực hiện qua các chương trình trao đổi sinh viên. Giữa năm nay, UEH Mekong Summer Camp 2023 được tổ chức tại Phân hiệu Vĩnh Long - Đại học Kinh tế TPHCM thu hút gần 100 sinh viên đến từ nhiều trường khác nhau.

Sinh viên được học 2 môn Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Mô phỏng dự án kinh doanh quốc tế; tham gia trải nghiệm chương trình chuyên về công nghệ của Đại học Kinh tế TPHCM và tham gia nhiều hoạt động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.