Quy chế đào tạo trình độ đại học cho phép các trường được thực hiện hoạt động trao đổi sinh viên và công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo, giá trị của tín chỉ. Vậy cần những giải pháp tiếp theo như thế nào để việc công nhận tín chỉ được nhân rộng, từ đó tăng cơ hội học tập, trải nghiệm cho sinh viên?
TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội): Xây dựng quy chế phối hợp giữa các trường trong cùng khối ngành đào tạo
TS Tôn Quang Cường. |
Để việc công nhận tín chỉ giữa các cơ sở giáo dục đại học được nhân rộng, giải pháp đầu tiên là cần xây dựng quy chế phối hợp. Đồng thời, rà soát và thống nhất các chương trình đào tạo; phương án sử dụng đội ngũ; xây dựng nền tảng công nghệ hỗ trợ (để giải quyết bài toán phương thức, mô hình triển khai đào tạo) theo mô hình khóa học trực tuyến mở (MOOC). Việc thực hiện liên kết đào tạo cùng công nhận kết quả có thể được triển khai theo 3 cấp độ: Chương trình đào tạo liên kết - cùng công nhận; Học phần liên kết - cùng công nhận; Nội dung học phần liên kết - cùng công nhận.
Về quy trình thực hiện: Thực hiện trao đổi, ký kết phương án triển khai giữa các trường; thống nhất phương án liên kết - đồng quản lý (toàn diện cả chương trình, người học, kiểm tra đánh giá, học liệu, đội ngũ giảng dạy, tài chính, hạ tầng cơ sở vật chất dùng chung…). Sau đó, rà soát, đánh giá lại các chương trình có thể thực hiện đào tạo theo phương thức liên kết - công nhận lẫn nhau (số học phần, tín chỉ, kế hoạch triển khai đào tạo… có thể dùng chung).
Rà soát, thống nhất tỷ lệ nội dung trong các học phần có thể triển khai theo phương thức liên kết - sử dụng chung nguồn lực (kể cả đội ngũ và học liệu). Rà soát và thống nhất đội ngũ cùng tham gia vào chương trình liên kết - cùng công nhận này. Thống nhất cách thức kiểm tra đánh giá và cùng công nhận. Cuối cùng, triển khai thí điểm, thực hiện cùng công nhận.
Thời gian đầu triển khai thí điểm có thể áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến trong chương trình liên kết - cùng công nhận.
Để thực hiện như trên, điều kiện thực hiện là các trường phải qua kiểm định chất lượng. Đồng thời, có các chương trình đào tạo cùng lĩnh vực (ví dụ trường đào tạo giáo viên, công nghệ - kỹ thuật…). Có đội ngũ giảng viên, nhà khoa học tương đương về số lượng, chất lượng (năng lực sư phạm, nghiệp vụ chuyên môn). Cơ sở đào tạo có kinh nghiệm triển khai đào tạo liên thông, song bằng, vừa làm vừa học, có những đặc điểm tương đồng về yếu tố văn hóa, vùng miền.
TS Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội: Bớt tính cục bộ để hợp tác, tạo điều kiện cho người học
TS Trương Tiến Tùng. |
Công nhận các tín chỉ cùng bậc đào tạo trong hoặc ngoài trường ĐH được hiểu là liên thông ngang (ngang về trình độ). Liên thông này tạo cơ hội cho sinh viên được quyền lựa chọn nơi học, giáo trình và giảng viên phù hợp với năng lực, điều kiện (nơi học, học phí) phù hợp.
Cách làm này phù hợp với xã hội học tập trong tương lai, đó là: Học những gì cá nhân cần; thực hiện cá nhân hóa học tập; học mọi lúc, mọi nơi phù hợp với cuộc sống và thị trường lao động thời 4.0.
Trong thực tiễn, các trường đã công nhận văn bằng (cả chương trình đào tạo) để đào tạo văn bằng 2, 3... hoặc đào tạo trình độ cao hơn (sau đại học...). Vậy tại sao công nhận một phần chương trình (một số học phần) lại khó? Về phía môi trường pháp lý theo tôi đã có. Vậy để thực hiện công nhận một số học phần chúng ta có thể theo một số bước:
Bước 1: Trước tiên có thể công nhận các khối kiến thức chung đã có chuẩn đầu ra như học phần lý chính trị; khối lượng kiến thức về An ninh - Quốc phòng; giáo dục thể chất; kiến thức pháp luật đại cương - phòng chống tham nhũng; ngoại ngữ (theo khung chuẩn 6 bậc quốc gia); kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (theo chuẩn quốc gia). Các trường nên ngồi lại với nhau xác định độ tương đồng (cơ sở vật chất, đã đạt kiểm định cơ sở giáo dục đại học, học phí...) để ký văn bản chung công nhận tín chỉ các học phần.
Bước 2: Khó hơn là xác định chuẩn đầu ra một số học phần chung của các ngành... Bước này nên thực hiện sau khi phân tầng, xếp hạng trường đại học (khối trường theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng).
Về trở ngại, theo tôi nếu có thì nên hạ bớt tính cục bộ để hợp tác, mở rộng tạo điều kiện cho người học. Chia sẻ học thuật, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực (tính mở trong hệ thống giáo dục đại học) để tiết kiệm cho xã hội và phát huy điểm mạnh của từng trường. Hãy đặt niềm tin vào đồng nghiệp của mình (các trường với nhau) để xây dựng hệ thống giáo dục đại học thống nhất vững mạnh, tránh chảy máu ngoại tệ (sinh viên ra nước ngoài du học).
TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam, Cộng hòa Liên bang Đức: Tăng cường bảo đảm, phát triển chất lượng đào tạo
TS Nguyễn Văn Cường. |
Việc công nhận lẫn nhau về chương trình và tín chỉ đào tạo giữa các trường đại học nhằm tạo sự thuận lợi cho trao đổi sinh viên và sự linh hoạt của quá trình đào tạo là xu hướng phổ biến trong đào tạo đại học ở phạm vi quốc tế hiện nay.
Ở châu Âu hoạt động này được thúc đẩy mạnh mẽ từ “Quá trình Bologna”, một công cuộc cải cách giáo dục trong không gian giáo dục đại học châu Âu được thỏa thuận và ký kết năm 1999 của 29 nước ở châu Âu tại Bologna thuộc Ý.
“Quá trình Bologna” có mục tiêu chính là thúc đẩy tính cơ động, khả năng cạnh tranh quốc tế và tuyển dụng của đào tạo đại học trên cơ sở thống nhất về điều kiện khung cho giáo dục đại học. “Quá trình Bologna” tạo ra một hệ thống các loại bằng tốt nghiệp với 3 bậc trình độ với các chương trình đào tạo có thể dễ dàng so sánh và công nhận lẫn nhau. Trong đó trình độ cử nhân (Bachelor) bao gồm 180 - 240 tín chỉ châu Âu, tương đương 3 - 4 năm học. Trình độ thạc sĩ (Master) bao gồm 60 - 120 tín chỉ, tương đương 1 - 2 năm học. Đào tạo tiến sĩ với trọng tâm nghiên cứu tự lực, không quy định tín chỉ đào tạo, khối lượng công việc tương ứng với 3 - 4 năm làm việc toàn thời gian.
Việc sử dụng thống nhất hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu (ECTS - European Credit Transfer System) nhằm tăng cường khả năng trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ đào tạo giữa các trường đại học. Quá trình này cũng bao gồm việc đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học và hướng tới mục tiêu về khả năng tham gia thị trường lao động của người học đối với chương trình đào tạo.
“Quá trình Bologna” đến năm 2019 có 48 nước tham gia, tạo ra sự thay đổi diện mạo giáo dục đại học châu Âu. Đặc biệt quá trình này đã hỗ trợ mạnh mẽ việc trao đổi sinh viên giữa các trường đại học. Rất nhiều em tham gia học một hoặc hai học kỳ ở trường đại học tại một nước khác ở châu Âu trong khuôn khổ trao đổi sinh viên giữa các trường đại học hoặc do sinh viên tự đăng ký.
Giáo dục đại học của Việt Nam đang đổi mới theo hướng tiệm cận với xu hướng quốc tế, trong đó chương trình đào tạo được xây dựng theo học phần và tổ chức đào tạo theo tín chỉ. Quy chế đào tạo trình độ đại học năm 2021 quy định về việc công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ. Quy chế đào tạo này tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển hình thức trao đổi sinh viên, công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ giữa các trường. Hình thức này giúp tăng cường sự linh hoạt của hệ thống đào tạo đại học, tạo cơ hội thuận lợi cho sinh viên trong việc trải nghiệm học tập ở một trường đại học khác cũng như chuyển trường.
Tuy nhiên, những cơ sở pháp lý như khung chương trình đào tạo, quy chế đào tạo đại học chỉ là điều kiện cần. Để việc trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ giữa các trường được mở rộng và thu hút nhiều sinh viên tham gia hoạt động này thì yếu tố quyết định là các trường đại học cần tăng cường đảm bảo và phát triển chất lượng đào tạo; thực hiện kiểm định chương trình và kiểm định hệ thống đào tạo, tạo sự hấp dẫn thực sự cho sinh viên.
Bên cạnh đó, các trường đại học nên phát triển hoạt động liên kết trong trao đổi sinh viên và công nhận chương trình, tín chỉ đào tạo; tư vấn và hỗ trợ thủ tục trong việc trao đổi sinh viên với các trường đại học khác; khuyến khích, hỗ trợ người học tự tìm trường đại học trải nghiệm. Ngoài ra, hoạt động trao đổi sinh viên sẽ càng hấp dẫn nếu việc trao đổi được thực hiện với các trường đại học ở nước ngoài, giúp các em có cơ hội trải nghiệm học tập mà không nhất thiết phải du học toàn thời gian ở nước ngoài.
Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học: Các cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ làm căn cứ cho phép sinh viên của cơ sở đào tạo này được học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác và ngược lại. Số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở đào tạo khác (nếu có) không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo. Đối với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể đăng ký học thêm các học phần của một chương trình khác, ngành khác khi điều kiện của cơ sở đào tạo cho phép.