Hợp tác cung ứng nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp

GD&TĐ -Ngày 29/10, tại Vĩnh Phúc, Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp đã tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tới dự và làm việc với nhà trường.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ngoài cùng bên trái) thăm xưởng đào tạo thực hành nghề Công nghệ ô tô, trường CĐ Cơ khí nông nghiệp
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ngoài cùng bên trái) thăm xưởng đào tạo thực hành nghề Công nghệ ô tô, trường CĐ Cơ khí nông nghiệp

Lễ ký kết nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận đã thống nhất cho giai đoạn tiếp theo, nhà trường cam kết sẽ cung ứng tối thiểu 21.500 nhân lực chất lượng cao, trong giai đoạn 2020 – 2025, cho hơn 100 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề như: Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Điện tử; Điện lạnh; Cắt gọt kim loại; Công nghệ thông tin; Hàn; Kỹ thuật máy nông nghiệp; Vận hành máy thi công nền; Lái xe ô tô các hạng; các ngành nghề cung ứng dịch công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0... 

Bà Phạm Thị Lan Phương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hợp tác song phương doanh nghiệp sẽ tiếp nhận được những nguồn nhân lực chất lượng cao, và nhà trường sẽ xác định được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để thực hiện đào tạo có hiệu quả. Quan trọng hơn là thay đổi được nhận thức, cách tiếp cận trong đào tạo của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, thấy được học sinh, sinh viên là khách hàng của mình để đáp ứng dịch vụ đào tạo tốt nhất.

Doanh nghiệp cũng là khách hàng của nhà trường để cung ứng nhân lực kỹ năng nghề chất lượng cao, học sinh, sinh viên sẽ năng động sáng tạo hơn, thể hiện hết năng lực bản thân để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trao thỏa thuận hợp tác nhà trường và doanh nghiệp
Trao thỏa thuận hợp tác nhà trường và doanh nghiệp 

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của nhà trường đã đạt được trong việc khẳng định thương hiệu, thu hút sự tin tưởng của người học và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị: Việc ký kết với doanh nghiệp hợp tác đào tạo, cung ứng nhân lực với số lượng lớn trong 5 năm tới.

Trong khâu tổ chức thực hiện, tới đây cần đặc biệt chú ý tập trung tuyên truyền, xây dựng phương án tuyển sinh theo đơn đặt hàng, rà soát, chỉnh sửa lại các chương trình đào tạo, vừa đáp ứng chuẩn đầu ra, vừa cập nhật, bám sát yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là những yêu cầu của CMCN 4.0.

Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức dạy học; quá trình đào tạo có sự tham gia của giảng dạy của doanh nghiệp; người học phải được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.

Là một chủ thể của quá trình đào tạo và cung ứng, doanh nghiệp phải là một nhà trường thứ hai. Tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh, sinh viên trường nghề đến thực hành, thực tập tại doanh  nghiệp, trả công cho nhà giáo, người học nếu làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Bộ NN&PTNT, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, đáp ứng các tiêu chí của trường chất lượng cao; triển khai đặt hàng đào tạo đối với những ngành, nghề trường có thế mạnh và ngành, địa phương có nhu cầu nhân lực.

Chỉ đạo đẩy mạnh, nhân rộng cách làm gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong hệ thống các cơ sở GDNN. Tổng cục GDNN và các cơ quan liên quan, tăng cường tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ kiểm tra việc thực hiện liên kết đào tạo với doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất về các dự án, chương trình đầu tư trang thiết bị, phát triển chương trình, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ