Học sinh, phụ huynh và xã hội thay đổi quan điểm đối với học nghề

GD&TĐ - Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tình hình tuyển sinh có nhiều dấu hiệu khả quan, trong 9 tháng đầu năm 2019 đã tuyển sinh đạt 1.962.000 người.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tuyển sinh học nghề năm 2019 đã có chuyển biến tích cực.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, tuyển sinh học nghề năm 2019 đã có chuyển biến tích cực.

Trong đó tuyển sinh học nghề trình độ CĐ, TC 462.000, sơ cấp và ngắn hạn 1.500.000, đạt 87% so với kế hoạch năm 2019; tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có được kết quả này, công tác thông tin, tuyên truyền đã được đẩy mạnh quyết liệt và quan tâm, chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú và bằng nhiều kênh như truyền hình, báo, đài, Internet... giúp cho người học, phụ huynh và xã hội thay đổi quan điểm đối với việc học nghề, lập nghiệp, khởi nghiệp.

Các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được ban hành kịp thời và tương đối đầy đủ, hướng dẫn công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo hướng mở tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường. Hệ thống các chính sách hỗ trợ đào tạo từ Chính phủ, Bộ ngành được triển khai thực hiện trên cả nước, nhiều địa phương, đơn vị cũng có những chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động giúp cho người học có nhiều điều kiện thuận lợi hơn.

Để hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp gắn kết tuyển sinh, tổ chức đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội; thúc đẩy triển khai cơ chế 3 bên “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp”; đẩy mạnh công tác tuyển sinh đào tạo theo hình thức đào tạo thường xuyên, đào tạo theo mô đun, tín chỉ.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN.

Được biết, năm 2017, tổng tuyển sinh GDNN đạt 100,2% so với kế hoạch; Năm 2018, tổng tuyển sinh GDNN đạt 100,5% so với kế hoạch ở các cấp trình độ đào tạo của GNNN bao gồm cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và các hình thức đào tạo thường xuyên khác. Tuy nhiên, tỷ lệ CĐ và Trung cấp chỉ chiếm khoảng trên 25% còn lại là sơ cấp và các hình thức đào tạo thường xuyên khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ