Hội thảo nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 tại Liên bang Nga mới đây. Qua đó, rút ra bài học trong việc lựa chọn thí sinh, tăng cường các giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng tổ chức các kỳ thi tay nghề cấp cơ sở, quốc gia, ASEAN và thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết:
Bắt đầu tham gia thi tay nghề thế giới từ năm 2007, đến nay Việt Nam ngày càng có thành tích tốt hơn. Tại kỳ thi tay nghề thế giới 2019, với 8 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc và một huy chương Bạc, chúng ta đã đạt mục tiêu đề ra là “đổi màu huy chương”. Kết quả này đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên so với các quốc gia khu vực và các quốc gia phát triển trên thế giới, chất lượng GDNN của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều vấn đề đang là thách thức đối với GDNN Việt Nam, trong đó có nhận thức của xã hội, cơ quan quản lý và các cấp chính quyền. Vì vậy, cần có sự thay đổi trong truyền thông về học nghề, nhất là những nghề mới để lan tỏa những giá trị của GDNN.
Trao đổi kinh nghiệm với thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới |
Việc tổ chức và lựa chọn thí sinh tham gia các kỳ thi tay nghề không chỉ đơn thuần là lấy thành tích mà xa hơn là chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng, những nghề mới, mô hình đào tạo mới. Dự báo, trong 5 - 10 năm tới khoảng 44% lao động toàn cầu sẽ phải đào tạo lại kỹ năng, do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự thay thế của robot, trí tuệ nhân tạo. Đây là một áp lực rất lớn cho GDNN Việt Nam.
“Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành danh mục nghề trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có nhiều nghề trình diễn trong kỳ thi tay nghề thế giới vừa được tổ chức tại Nga. Từ đây, cho thấy sự cần thiết của một chiến lược dài hơi cho thi tay nghề ở các cấp” - ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Từ những ý kiến đóng góp tại hội thảo, tới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ đề xuất các chính sách về công tác tổ chức, hỗ trợ tài chính để nâng cao chất lượng các kỳ thi tay nghề các cấp và quốc gia, chuẩn bị tham dự thi tay nghề ASEAN và thế giới. Tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyển chọn, huấn luyện thí sinh thi tay nghề các cấp.