Hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục là tất yếu?

GD&TĐ - Hợp tác công - tư trong giáo dục được thể hiện qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những mô hình hợp tác công - tư giải quyết được rất nhiều bài toán cho nền giáo dục.
Những mô hình hợp tác công - tư giải quyết được rất nhiều bài toán cho nền giáo dục.

Ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Điều 17 Luật Giáo dục 2019 quy định: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp.

Nhà nước khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục…

Trong Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 cũng có quy định: “Từng bước thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong giáo dục, trước mắt là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục”...

Từ những cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở GDĐT, các nhà trường thực hiện, tìm nguồn đầu tư hoặc xã hội hóa giáo dục. Mới đây, trong công văn số 3819 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục Tiểu học năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh việc tăng cường huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng hiệu quả các nguồn lực được huy động để chuyển hoá thành chất lượng giáo dục của nhà trường; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kế hoạch dạy học và giáo dục theo quy định, bảo đảm sự tham gia của các lực lượng xã hội như cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng xã hội... giúp nhà trường huy động được các nguồn lực và cộng đồng trách nhiệm trong việc xây dựng, thực thi và giám sát việc thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường…

Thu hẹp khoảng cách trong cơ hội học tập

Theo TS. Kyle Konold, người sáng lập, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Học viện Delta (Hoa Kỳ): Có nhiều hình thức hợp tác công - tư trong giáo dục trên thế giới như: Hợp tác với đơn vị giáo dục tư nhân để dạy tại các trường công các môn học mà trường công không có đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để giảng dạy như ngoại ngữ, công nghệ, các môn STEM, hoạt động ngoại khóa chuyên sâu (thể thao, âm nhạc); thuê đơn vị giáo dục quản lý hoàn toàn một trường công (mô hình trường bán công - charter school); thuê ngoài một phần dịch vụ giảng dạy (outsourcing) những môn học cần giáo viên có năng lực đặc biệt (luyện thi các môn chuyên sâu cho kỳ thi quốc tế, các kỳ thi chuẩn hóa (SAT, APs,...)

TS. Kyle Konold là người sáng lập, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Học viện Delta.
TS. Kyle Konold là người sáng lập, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Học viện Delta.

Học sinh trong các gia đình khá giả luôn có đặc quyền được học ở các môi trường đào tạo tốt hơn, chẳng hạn như được dạy kèm tiếng Anh hoặc các môn STEM tại các trung tâm tư nhân. Việc hợp tác đào tạo với các đối tác giáo dục tư nhân trong các trường công lập có thể đảm bảo rằng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế cũng có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao tương tự.

Tăng cường hình thức hợp tác này có thể tạo điều kiện cho trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp tiếp cận với các nguồn tài nguyên giáo dục chất lượng cao, từ đó làm gia tăng khoảng cách công bằng trong xã hội về dài hạn và cơ hội học tập trong ngắn hạn.

Sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có của khu vực công, các tổ chức tư nhân có thể chỉ tập trung vào việc cung cấp nền giáo dục có chất lượng, nhờ vậy học phí sẽ giảm xuống chỉ còn 30-50% so với mức phí của các trung tâm tư nhân, giúp cho phụ huynh hay người giám hộ chỉ cần chi trả những mức học phí có giá cả phải chăng hơn nhiều.

TS. Kyle Konold nhận định, các tổ chức giáo dục tư nhân thường có phương pháp và công cụ để kết nối, tiếp cận các nguồn lực giáo dục và công nghệ tiên tiến: Ví dụ như bài giảng số, hệ thống chấm điểm và đánh giá tự động, giáo viên được đào tạo, hệ thống và quy trình kiểm định chất lượng cao nghiêm ngặt. Những nguồn lực này thường nằm ngoài khả năng tài chính của nhiều tổ chức công. Do vậy, đầu tư giáo dục công lập nếu được triển khai hiệu quả với đối tác tư nhân tốt sẽ góp phần nâng cao đáng kể trải nghiệm giáo dục cho học sinh.

Giải quyết tính tất yếu của việc học thêm

Vẫn theo TS. Kyle Konold: Thực tế là học bổ sung hoặc "thêm" sẽ không biến mất. Dù ở trong hay ngoài trường học, học sinh, đặc biệt là những học sinh sắp bước vào kỳ thi quan trọng, sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ học tập bổ sung. Có cấm học trong trường học thì ra ngoài cổng trường, học sinh, đặc biệt là học sinh Việt Nam, cũng vẫn sẽ học thêm. Việc hợp tác công tư, do vậy, có thể đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chương trình học bổ trợ chất lượng cao.

Ngoài học thuật thuần túy, học bổ trợ luôn tại các trường công có thể giúp ích trong những lĩnh vực không ngờ tới như giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm. Khi học sinh không cần phải di chuyển đến các trung tâm dạy thêm bên ngoài sẽ làm giảm lượng phương tiện trên đường vào giờ cao điểm. Hơn nữa, việc giữ học sinh trong khuôn viên trường học có thể tăng cường sự an toàn vì các em đang ở trong môi trường quen thuộc với những người đã quen biết.

Học sinh trường công lập được học tiếng Anh với giáo viên bản xứ ngay tại trường thông qua mô hình hợp tác công - tư.

Học sinh trường công lập được học tiếng Anh với giáo viên bản xứ ngay tại trường thông qua mô hình hợp tác công - tư.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là chất lượng của quá trình hợp tác công - tư này được đánh giá như thế nào? Có thật sự hiệu quả?

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về các trường hợp tác công - tư ở Colombia đã khẳng định, các trường thực hiện hợp tác vượt trội hơn các trường công lập về các bài kiểm tra tiêu chuẩn với trung bình 0,16 độ lệch chuẩn. Điều này tương đương với khoảng một năm học thêm. Như vậy, các dịch vụ giảng dạy tư nhân có thể tạo cho học sinh sự quan tâm cá nhân tốt hơn cùng định hướng phù hợp, giúp cải thiện kết quả học tập của các em.

Cũng theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, các dịch vụ giảng dạy tư nhân luôn chú trọng nâng cao năng lực giáo viên bằng cách tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn bậc cao.

"Đối với bất kỳ sáng kiến nào, đặc biệt là sáng kiến có tác động lớn như giáo dục, điều quan trọng là phải duy trì các tiêu chuẩn chất lượng và đạo đức. Miễn là các chương trình hợp tác công - tư trong giáo dục này có chất lượng cao và không mang tính bắt buộc thì nên được ủng hộ" - TS. Kyle Konold nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ