Hồn Việt trong Di sản Hoàng thành Thăng Long

GD&TĐ - Di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được vinh danh là Di sản Thế giới năm 2010. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật 5.458 m2, tìm được nhiều di tích kiến trúc văn hóa dày đặc, loại hình phong phú nối tiếp nhau liên tục từ thời Lý đến thời Nguyễn.

Khai quật tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ tìm kiếm được nhiều tầng kiến trúc văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn
Khai quật tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ tìm kiếm được nhiều tầng kiến trúc văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn

Hệ thống di tích kiến trúc dày đặc

Sau khi được công nhận là Di sản thế giới, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL) nhiều đợt (từ năm 2011 – 2017), thu được nhiều di vật quan trọng giúp hiểu rõ giá trị văn hóa các triều đại qua từng thời kỳ lịch sử.

PGS.TS Tống Trung Tín – Viện Khảo cổ học cho biết: “Khi tiến hành khai quật qua các các đợt, chúng tôi nhận thấy, trong các tầng văn hóa xuất lộ các lớp văn hóa tiêu biểu qua nhiều thời kỳ lịch sử văn hóa khác nhau.

Ví dụ: Trong các hố đào năm 2013 – 2014, các lớp văn hóa ở đây có kích thước trung bình như sau: Lớp văn hóa thời Nguyễn dày 50 – 60 cm; Lớp văn hóa thời Lê Trung Hưng dày 30 – 35 cm; Lớp văn hóa thời Lê sơ dày 30 – 35 cm; Lớp văn hóa thời Trần dày 40 – 50 cm; Lớp văn hóa thời Lý dày 110 – 160 cm; Lớp văn hóa Đại La dày 60 – 70 cm.

Như vậy, tầng văn hóa ở khu chính điện Kính Thiên về cơ bản là thống nhất với tầng văn hóa khảo cổ ở khu vực 18 Hoàng Diệu. Thế nhưng, khi khai quật, nhiều vị trí có kích thước dày hơn và đặc biệt có thể nhận được rõ hơn, ổn định hơn các lớp văn hóa thời Lê sơ, Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Điều này chứng tỏ hiện trạng di tích ở khu vực trung tâm được bảo tồn tốt hơn ở khu vực 18 Hoàng Diệu.

Đối với thời Lý đã phát hiện được dấu tích hệ thống cống nước, đường nước lớn, đường đi, sân nền gạch, hệ thống kiến trúc có móng cột được xây bằng vật liệu sỏi; Thời Trần, ngoài các dấu tích như thời Lý còn có thêm dấu tích kiến trúc có dải nền trang trí kiểu “hoa chanh”; Thời Lê sơ tìm thấy dấu tích của sân Đại Triều, dấu tích Ngư Đạo, hệ thống đường, cống thoát nước sân Đại Triều, dấu tích hệ thống trường lang tường vây bao bọc xung quanh di tích nền điện Kính Thiên; Thời Lê Trung hưng đã phát hiện dấu tích của Đại Triều, dấu tích trường lang có cửa ra vào, hồ nước được xây bó bằng gạch, dấu tích móng tường vây được sử dụng lại thời Lê sơ.

Đặc biệt là dấu tích của bậc thềm điện Kính Thiên có sử dụng lại các lan can đá chạm rồng thời Lê sơ và dấu tích của móng cột rất lớn thời Lê Trung Hưng. Có thể là thuộc điện Kính Thiên thời nay, đã xác định chính xác niên đại Đoan Môn hiện còn là thuộc thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVII); Thời Nguyễn đã làm rõ thêm một số dấu tích kiến trúc của móng cột dầm ngói vụn, thềm điện Long Thiên được xây dựng trên nền điện Kinh Thiên thời Lê sơ và thời Lê Trung Hưng. Dấu tích các tường Hành Cung thời Nguyễn hiền còn có phần móng ở phía Đoan Môn là thuộc thời Nguyễn, các vị trí khác đã được thăm dò ở phía Đông và cổng Hành Cung, phần móng và tường bên trên đều được xây dựng lại hoặc tu bổ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”.

Nét khác biệt nổi bật

Sau khi khai quật khu HTTL, các nhà khảo cổ học cho biết: “Qua các thời kì lịch sử triều đại từ thời Lý đến thời Nguyễn có thể nhận thấy đó là sự chồng xếp các lớp văn hóa, các dấu tích nền móng kiến trúc; sự phong phú của các loại di tích, sự dày đặc của hệ thống vật liệu xây dựng (gạch, ngói, đầu ngói, các loại vật liệu trang trí trên ngói, các loại vật liệu gia cố các loại móng tường, móng đường, móng cột, móng nền), kỹ thuật xây dựng các loại móng, quy mô, bố cục, phương hướng, các loại di vật gốm, sành, sứ.

Mặt khác các móng đường và móng tường, các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ chồng xếp cũng được tìm thấy khá nhiều cho thấy mật độ xây dựng thời kỳ nhà Trần cực nhiều, nhất là khoảng thế kỷ XIV. Có thể nói mặt bằng kiến trúc ở Kinh đô Thăng Long thời Trần thế kỷ XIV có sự thay đổi rất lớn so với thế kỷ XIII và do đó cũng có rất nhiều thay đổi so với thời Lý.

Khu vực Trung tâm Cột cờ - Đoan Môn – Kính Thiên – Bắc Môn cũng như khu vực 18 Hoàng Diệu đều cùng tính chất là khu vực trung tâm. Mặt khác nó cũng cho thấy chức năng của khu vực này có nhiều nét rất khác biệt so với khu 18 Hoàng Diệu.

Lý do sự khác biệt đó có thể thấy rõ ở thời Lê sơ và Lê Trung hưng vì đây đã xác định rõ là khu vực có chính điện Kính Thiên, Trung tâm thiết triều của triều Lê và Lê Trung hưng. Còn với thời Lý, Trần thực sự chưa rõ chính điện thiết triều ở đâu.

Tuy nhiên, có 2 luồng ý kiến: Một luồng ý kiến cho rằng khu vực di tích nền điện Kính Thiên chính là nơi có trung tâm thiết triều của thời Lý, Trần nhất là việc phát hiện dấu tích sân gạch và đường nước lớn thời Lý. Bởi, do chưa khai quật nền điện Kính Thiên nên chưa thể chứng minh được điều này. Hơn nữa, do ở 18 Hoàng Diệu – Vườn Hồng, khảo cổ học đã phát hiện cụm kiến trúc có cấu trúc đặc biệt của triều Lý gồm có Hệ kiến trúc Lục giác và các kiến trúc nhiều gian – Nền kiến trúc Bác giác – nền kiến trúc Tròn cho nên cũng đã có một vài ý kiến giả thiết nơi đây có thể là trung tâm của Thăng Long thời Lý - Trần.

Một luồng ý kiến khác cho rằng, khu vực chính điện Kính Thiên cũng như khu 18 Hoàng Diệu chưa khai quật xong. Do đó, việc chứng minh đâu là trung tâm thiết triều thời Lý - Trần do cố GS Trần Quốc Vượng và cụ Biệt Lam Trần Huy Bá nêu lên từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước chưa được thuyết phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.